Bốc hỏa là gì? Những điều có thể bạn chưa biết về bốc hỏa
Tác giả: Bui Ngan
Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể, đặc biệt là mặt, cổ, ngực, làm cho vùng da ở đây đỏ lên và đổ nhiều mồ hôi. Vậy cụ thể bốc hỏa là như thế nào? Nguyên nhân, triệu chứng ra sao? Đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây nhé.
1. Bốc hỏa là gì?
Bốc hỏa là tình trạng cơ thể nóng lên đột ngột, ban đầu là ở những vùng da nhỏ như mặt hay cổ, sau đó lan rộng ra toàn cơ thể. Cơn nóng thường kéo dài 2-4 phút, kèm theo vết tấy đỏ hay đổ mồ hôi, thậm chí ở một số phụ nữ sẽ có hiện tượng tim đập nhanh hoặc lạnh run.
2. Nguyên nhân gây nên bốc hỏa
Bốc hỏa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Rối loạn hormone: Nồng độ Estrogen suy giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng bốc hỏa. Lúc này, khi Estrogen giảm xuống, dẫn đến bộ điều nhiệt cơ thể (vùng dưới đồi) trở nên nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ của cơ thể. Khi vùng dưới đồi cho rằng cơ thể bạn đang ở nhiệt độ cao thì nó sẽ hạ nhiệt bằng một cơn bốc hỏa.
Bệnh tật: Người bị bệnh có liên quan đến hormone hay hệ nội tiết như cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) làm cơ thể có cảm giác nóng bừng hoặc bị nhiễm virus, nhiễm trùng cũng làm tăng các cơn bốc hỏa.
Thuốc chữa bệnh: Những loại thuốc kê đơn phổ biến như thuốc giảm đau gốc thuốc phiện opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị loãng xương đều làm xuất hiện các cơn bốc hỏa.
Béo phì: Lượng mỡ dư thừa làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa hoặc trao đổi chất, cùng với việc lười vận động sẽ gây nên tình trạng bốc hỏa.
Thực phẩm: Những loại thức ăn chứa nhiều gia vị (chua, cay,..), cồn, cafein,.. có thể gây nóng bức trong cơ thể.
Tâm lý: Lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, sợ hãi kèm theo nhịp tim đập nhanh đều có thể gây nên bốc hỏa, khó chịu.
Phòng ngủ ngột ngạt: Nhiệt độ cơ thể vào ban đêm hay thay đổi bất ngờ, khiến chị em thức giấc cùng với cảm giác nóng ran, đổ mồ hôi. Lúc này, không gian phòng ngủ chật chội, ngột ngạt có thể khiến tình trạng bốc hỏa tăng lên.
3. Bốc hỏa có triệu chứng gì?
Một số triệu chứng thường gặp của bốc hỏa mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy là:
- Cảm giác nóng ran ở mặt, cổ và ngực.
- Làn da đỏ bừng, chảy mồ hôi.
- Nhịp tim đập nhanh.
- Đôi lúc xuất hiện cảm giác ớn lạnh.
- Mất ngủ hoặc hay thức giấc vào ban đêm.
- Luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn.
- Sụt cân không rõ lý do.
- Tiêu chảy hoặc đường ruột khó chịu.
Bốc hỏa gây nên những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, đặc biệt vào ban đêm có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nữ giới bị bốc hỏa có nguy cơ bị bệnh về tim và mất xương cao hơn so với người không bị bốc hỏa.
4. Bốc hỏa kéo dài trong thời gian bao lâu?
Cường độ và tần suất bốc hỏa ở mỗi người phụ nữ là khác nhau, từ mức độ nhẹ đến dữ dội, có thể xảy ra vào ban ngày và ban đêm. Có người xuất hiện bốc hỏa liên tục, có người thì thỉnh thoảng mới bị bốc hỏa. Đặc biệt, với phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh, bốc hỏa còn có thể dẫn đến những hệ lụy khác như trầm cảm.
Ngoài ra, một số trường hợp bốc hỏa chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài trên 10 năm. Tuy nhiên, trung bình người phụ nữ bị bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm sẽ kéo dài khoảng 7 năm
5. Điều trị bốc hỏa như thế nào?
Tùy vào từng tình trạng bốc hỏa mà bác sĩ sẽ có cách điều trị phù hợp, hơn nữa, cũng có một số trường hợp bị bốc hỏa không cần phải điều trị mà nó sẽ tự biến mất sau một thời gian. Dưới đây là một vài phương pháp điều trị chứng bốc hỏa:
5.1 Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Liệu pháp này có thể cải thiện chứng bốc hỏa cùng với những dấu hiệu của tiền mãn kinh – mãn kinh khác như khô âm đạo, rối loạn tâm trạng. Hơn nữa, phương pháp này thường áp dụng trong 5 năm với các loại bốc hỏa khác nhau. Thế nhưng, nếu ngưng dùng thì chứng bốc hỏa có thể quay lại. Trường hợp dùng liệu pháp thay thế hormone ngắn hạn có thể gây ung thư vú, cục máu đông, viêm túi mật,..
5.2 Dùng thuốc
Khi bị bốc hỏa uống thuốc gì? Nếu liệu pháp thay thế hormone không phù hợp, bạn có thể cân nhắc sử dụng những loại thuốc sau đây:
- Thuốc chống trầm cảm dạng paroxetine liều thấp: Venlafaxine (Effexor XR), Paroxetin (Paxil, Pexeva), Citalopram (Celexa), Escitalopram (Lexapro).
- Thuốc chống co giật Gabapentin, Pregabalin.
- Thuốc điều trị các tình trạng tiết niệu Oxybutynin.
- Thuốc điều trị huyết áp cao Clonidine.
Đối với phương pháp thay thế hormone và dùng thuốc, trước khi sử dụng bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách điều trị phù hợp, nhằm hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngoài ra, cả 2 phương pháp trên đều chỉ mang tính chất tạm thời, nếu ngừng sử dụng thì tình trạng bốc hỏa vẫn có thể quay lại, thậm chí là nghiêm trọng hơn.
6. Cách ngăn ngừa các cơn bốc hỏa
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các cơn bốc hỏa, bạn có thể tham khảo những cách sau:
Giữ mát cho cơ thể: Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, bạn có thể bỏ bớt lớp áo không cần thiết, sử dụng quạt hoặc máy lạnh, uống một ly nước mát.
Chế độ ăn uống khoa học: Bạn nên hạn chế những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, bia rượu,.. Bổ sung thêm Estrogen thực vật (đậu nành), nhân sâm, vitamin E,..
Sinh hoạt lành mạnh: Tránh căng thẳng, hồi hộp quá mức, thức khuya, hút thuốc lá,..
Thư giãn cơ thể: Bạn có thể thư giãn bằng các bài tập thiền định, châm cứu, yoga hoặc các kỹ thuật giảm căng thẳng khác.
Giảm cân: Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, thì việc giảm cân cũng giúp làm giảm các cơn bốc hỏa.
Hy vọng bài viết trên đã cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về chứng bốc hỏa. Nếu bạn nhận thấy bản thân có những triệu chứng của bốc hỏa thì hãy đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp, tránh ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày nhé.