Cười hở lợi là gì và cách điều trị hiệu quả mà bạn nên biết
Tác giả: Phan Duong
Tình trạng cười hở nướu không gây nguy hại đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn miệng khiến không ít người cảm thấy tự ti. Vậy có cách nào để điều trị cười hở lợi nhanh chóng, hiệu quả không? Tham khảo bài dưới đây để giải đáp thắc mắc này.
1. Cười hở lợi là gì?
Cười hở lợi là tình trạng nướu răng ở hàm trên bị lộ ra quá nhiều khi cười (trên 3mm tính từ chân răng đến môi). Điều này khiến cho nụ cười trở nên kém thu hút, mất thẩm mỹ và khiến nhiều người cảm thấy e ngại, thiếu tự tin.
Nụ cười hở nướu được chia ra thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng:
- Mức độ nhẹ: Phần nướu lộ ra hơn 3mm, ít hơn 25% tổng chiều dài thân răng.
- Mức độ trung bình: Phần nướu lộ ra nhiều hơn 25% và ít hơn 50% tổng chiều dài thân răng.
- Mức độ nặng: Phần lợi lộ ra nhiều hơn 50% và ít hơn 100% tổng chiều dài thân răng.
- Mức độ rất nặng: Phần nướu lộ ra nhiều hơn 100% tổng chiều dài thân răng.
Tình trạng cười bị hở lợi có thể xuất phát từ những nguyên nhân như:
- Xương hàm trên phát triển quá mức: Vòm xương hàm phát triển quá mức làm sai lệch khớp cắn, răng bị đưa ra ra quá nhiều (vẩu) kèm theo nụ cười hở nướu.
- Cường độ nâng môi trên: Cơ nâng môi hoặc cơ vòng môi không phát triển hoàn thiện, khiến môi bị kéo lên cao và làm lộ nhiều lợi khi cười.
- Do cấu trúc lợi: Lợi phát triển quá mức trở nên dài và dày; lợi bám thấp, che khuất nhiều hơn ở phần thân răng tính từ gốc răng; lợi phì đại do bệnh lý như viêm lợi đều gây nên tình trạng cười bị hở lợi.
2. Cười hở lợi có sửa được không? Cách chữa hở lợi hiệu quả
Hiện nay có nhiều cách điều trị cười hở lợi phổ biến, cụ thể như:
2.1 Tiêm botox
Phương pháp tiêm botox được bác sĩ chỉ định với trường hợp cơ kéo môi quá mạnh gây hở lợi. Cách này giúp làm giảm trương lực cơ môi trên không còn co kéo quá mạnh khi cười, cải thiện tình trạng cười hở nướu nhanh chóng mà không phải phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả điều trị chỉ duy trì trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 6 – 8 tháng.
2.2 Niềng răng
Bác sĩ sẽ áp dụng niềng răng với trường hợp cười hở lợi kèm theo tình trạng cắn sâu hoặc răng hô. Giải pháp niềng răng sẽ hỗ trợ dịch chuyển răng và giảm khoảng cách từ vành môi tới cổ răng, từ đó cải thiện tình trạng cười hở nướu. Cách này có ưu điểm là độ an toàn cao, cải thiện thẩm mỹ nụ cười. Tuy nhiên, thời gian niềng răng kéo dài, trung bình từ 24 tháng trở lên.
2.3 Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật cười hở lợi bao gồm phẫu thuật nâng cơ môi hoặc làm dài môi, phẫu thuật cắt lợi phì đại, phẫu thuật xương hàm, phương pháp mài xương ổ. Cách này có hiệu quả cải thiện nụ cười hở lợi cao, duy trì lâu dài, an toàn và ít biến chứng. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị cười hở lợi là kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ giỏi, am hiểu cả về nha khoa và thẩm mỹ.
2.4 Điều trị kết hợp
Trong một số trường hợp cười hở lợi, bác sĩ có thể kết hợp 2 phương pháp điều trị như niềng răng kết hợp cắt lợi, cắt lợi kết hợp mài xương ổ,… Cách này giúp mang lại hiệu quả chữa trị tối ưu, cải thiện thẩm mỹ nụ cười đáng kể. Tuy nhiên giải pháp này đòi hỏi phải thực hiện bởi bác sĩ giỏi và có chi phí cao.
Có cách nào trị cười hở lợi tại nhà không? Nhiều bạn có thắc mắc rằng có cách điều trị cười bị hở lợi tại nhà không? Vì hiện nay có nhiều cách chữa hở lợi tại nhà được chia sẻ như tập cười mỉm nhẹ nhàng, tập cười với chiếc đũa, tập cười bằng mắt. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ hỗ trợ che đi khuyết điểm răng miệng chứ không giúp điều trị hở lợi. Chính vì vậy, khi gặp phải tình trạng cười hở lợi bạn nên đến nha khoa thăm khám, điều trị, đảm bảo sức khỏe răng miệng và duy trì hiệu quả dài lâu. |
3. Cách chăm sóc sau khi chữa hở lợi để mau hồi phục
Dưới đây là một số cách chăm sóc sau khi chữa hở lợi để nâng cao hiệu quả điều trị:
- Bạn cần ép gạc chặt vào vùng còn chảy máu, không bóc các cụ máu đông bám ở nướu trong 2 ngày đầu tiên.
- Súc miệng với nước sát khuẩn chứa chlorhexidine, lau nhẹ phần lợi với bông thấm nước muối.
- Thực đơn hàng ngày nên chọn thức ăn mềm, bổ sung trái cây, nước ép tăng đề kháng, hạn chế đồ ăn cay nóng.
- Bạn cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra, cắt chỉ và xử lý các bất thường của vết thương (nếu có).
Bài viết trên giới thiệu đến bạn các cách điều trị cười hở lợi hiệu quả. Tuy nhiên, tùy vào từng nguyên nhân gây sai lệch mà áp dụng các phương pháp cải thiện phù hợp. Để được tư vấn giải pháp thích hợp. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị nhé.