Niềng răng trẻ em: Độ tuổi, phương pháp và chi phí thực hiện
Tác giả: Bui Ngan
Niềng răng trẻ em là phương pháp điều chỉnh vị trí của răng sao cho phù hợp với cấu trúc răng – hàm – mặt của bé, từ đó lấy lại tự tin cũng như ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến hàm, cơ mặt, khớp… cho trẻ. Cùng tìm hiểu về độ tuổi, phương pháp và chi phí dự kiến nếu bạn muốn niềng răng cho trẻ nhé.
1. Nguyên nhân và hậu quả khi răng mọc lệch
Để biết được có nên niềng răng cho trẻ hay không thì trước tiên, cùng tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả khi răng mọc sai vị trí nhé:
1.1. Nguyên nhân khiến răng mọc lệch
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho răng trẻ em mọc lệch khỏi vị trí chính xác. Trong đó, những nguyên nhân thường gặp chính là:
- Do gen di truyền.
- Do kích thước răng không đồng đều dẫn đến tình trạng chen chúc nhau giữa các răng.
- Do thói quen không tốt như bú bình trong thời gian dài, mút ngón tay, đá lưỡi… khiến răng bị đẩy ra khỏi vị trí ban đầu.
- Do chế độ dinh dưỡng chưa cung cấp đủ vitamin D, C, K… cần thiết cho sự phát triển của răng và xương, khiến cho các răng chen chúc nhau.
1.2. Hậu quả của hàm răng mọc lệch
Việc răng phân bố không đều để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và thẩm mỹ. Một số hậu quả do răng mọc lệch gây ra:
- Khi răng mọc lệch, các răng sẽ chèn ép lên vị trí của những răng khác. Mặt trẻ sẽ bị lệch hoặc biến dạng theo thời gian nếu để tình trạng này lâu và khiến trẻ không tự tin khi cười. Đây là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ ngại giao tiếp, kém tự tin vào bản thân và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sinh hoạt sau này.
- Quá trình nhai, nghiền và tiêu hóa thức ăn sẽ bị tác động tiêu cực bởi răng không thể thực hiện được đúng nhiệm vụ của mình, đồ ăn không được nghiền nhỏ và gây áp lực lên dạ dày. Lâu dần, khiến bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, đau bao tử, suy dinh dưỡng,…
- Trẻ rất dễ gặp vấn đề về răng miệng như sâu răng, răng ố vàng bởi không thể chăm sóc răng đồng đều và kỹ càng bởi răng không nằm đúng vị trí của mình. Ngoài ra, khi gặp sâu răng, thức ăn sẽ dễ bám vào các lỗ sâu khiến cho trẻ nhanh chóng bị hôi miệng, lâu dần gây ra viêm nướu, viêm tủy và mất răng vĩnh viễn.
2. Có nên niềng răng sớm cho trẻ?
Nếu bạn chưa biết có nên niềng răng cho trẻ sớm hay không thì câu trả lời là có. Niềng răng sớm cho trẻ mang lại những lợi ích quan trọng sau:
- Đem lại hiệu quả tốt và nhanh hơn so với người lớn do khung xương hàm và răng còn khá mềm, vì vậy việc điều chỉnh và sắp xếp lại răng cho phù hợp sẽ đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn.
- Khi trẻ còn nhỏ, phần khung xương hàm và vị trí của răng vẫn chưa cố định. Do đó, việc thay đổi và điều chỉnh sẽ nhẹ nhàng, ít đau hơn khi siết răng.
- Có một hàm răng trắng sạch, đồng đều sẽ giúp nụ cười của trẻ rạng rỡ hơn. Chính vì lẽ đó, nên niềng răng cho trẻ em sớm để khắc phục nhanh vấn đề này.
- Một hàm răng đều sẽ giúp bé dễ dàng vệ sinh răng miệng hơn, từ đó ngăn chặn được nguy cơ xuất hiện của sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…
- Nhờ có hàm răng đều, khớp cắn chuẩn, trẻ có thể thoải mái ăn nhai đa dạng các loại thực phẩm, từ đó giúp trẻ có hấp thu đầy đủ dưỡng chất để phát triển toàn diện.
3. Thời điểm “vàng” để niềng răng cho trẻ
Độ tuổi được bác sĩ gọi là “thời gian vàng” nếu muốn nhanh chóng tái cấu trúc lại răng là từ 12 đến 16 tuổi. Nhìn chung, độ tuổi tốt nhất là khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Lúc này, cơ thể trẻ đang hấp thụ và phát triển mạnh mẽ và xương hàm vẫn chưa cố định thì khả năng điều chỉnh thành công rất cao.
Trong giai đoạn này, hiệu quả của quá trình niềng sẽ tốt hơn, giảm thiểu thời gian đeo niềng. Hơn nữa, quá trình niềng này sẽ không quá đau đớn như người trưởng thành. Nếu thực hiện xử lý lỗi răng sớm, khả năng phải phẫu thuật hàm để điều chỉnh răng sau này sẽ giảm.
Có thể bạn quan tâm: Tham khảo độ tuổi niềng răng tốt nhất cho trẻ TẠI ĐÂY
4. Niềng răng cho trẻ có đắt không?
Chi phí niềng răng không cố định. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà mức giá cho khung niềng trẻ em sẽ thay đổi. Một số tiêu chí giúp bạn dễ dàng xác định chi phí thực hiện niềng cho bé:
- Tình trạng răng: Trước khi tiến hành niềng, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra tổng quát răng miệng, khung hàm cho trẻ để có thể dự đoán chính xác cách xử lý tình hình răng của trẻ. Một số trẻ phải thực hiện nhổ răng trước khi niềng nếu răng bị sâu, vỡ…
- Mức độ xô lệch: Đây là yếu tố thứ hai tác động tới chi phí niềng sẽ cao hay thấp. Những hàm có độ xô lệch lớn thì sẽ mất nhiều công sức điều chỉnh và thời gian niềng nên chi phí sẽ cao hơn nhiều so với hàm có độ lệch nhỏ.
- Đơn vị thực hiện: Mỗi phòng khám nha sẽ có bảng giá khác nhau, tùy theo quy định mức giá của cơ sở. Do đó, tùy vào mỗi đơn vị thực hiện, giá thành cũng sẽ có chênh lệch.
5. Giới thiệu một số phương pháp niềng răng cho trẻ phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 3 phương pháp niềng răng phổ biến. Phụ huynh có thể lựa chọn một trong số ba phương pháp dưới đây tùy theo điều kiện và nhu cầu bản thân:
5.1. Niềng răng mắc cài
Niềng răng mắc cài là phương pháp sử dụng dây thun y khoa để cố định phần dây cung trong mỗi rãnh của mắc cài. Phần dây thun này có tác dụng kéo, đẩy mạnh phần răng sai lệch về đúng chỗ.
Niềng răng mắc cài có hai loại là niềng truyền thống và niềng tự động. Trong đó niềng tự động sẽ thay dây thun bằng những chốt khóa để điều chỉnh hướng đi của răng.
Ưu điểm của phương pháp này chính là lực kéo dây chun mạnh, có chi phí thấp nhất trong các cách và răng được điều chỉnh liên tục (ngay cả trong lúc ngủ). Tuy nhiên, phương pháp này có một khuyết điểm lớn là tính thẩm mỹ bởi phần khung kim loại sẽ được đính thẳng lên răng.
Giá niềng răng mắc cài giao động từ 35.000.000 – 45.000.000 VNĐ.
5.2. Niềng răng mắc cài sứ
Niềng răng mắc cài sứ sử dụng phương pháp tương tự niềng răng mắc cài. Phương pháp này mang tính thẩm mỹ hơn vì màu mắc cài được thiết kế gần giống màu răng. Tương tự mắc cài, mắc cài sứ cũng phân làm hai loại: Mắc cài truyền thống và mắc cài tự động.
Giá niềng răng mắc cài giao động từ 45.000.000 – 55.000.000 VNĐ.
5.3. Niềng răng trong suốt
Niềng răng trong suốt là phương pháp niềng răng hiện đại nhất cho tới thời điểm hiện tại. Khay niềng được thiết kế phù hợp với cấu trúc răng của từng cá nhân. Ngoài ra, nó rất dễ dàng tháo hoặc lắp trở lại khi người dùng ăn uống, vệ sinh răng để hạn chế tối thiểu các vấn đề viêm nhiễm, hư hỏng răng trong quá trình niềng.
Ưu điểm của sản phẩm này chính là tính thẩm mỹ tuyệt đối, đem lại nụ cười tự tin cho người dùng dù đang đeo niềng. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao nhất trong số 3 phương pháp.
Niềng răng trong suốt có khoảng giá từ 58.000.000 VNĐ đến 116.000.000 VNĐ.
6. Tiêu chí chọn địa chỉ niềng răng cho bé
Vì chi phí niềng răng rất tốn kém, do đó, bạn cần tìm được một địa chỉ niềng răng cho bé uy tín và đem lại hiệu quả cao sau khi chỉnh răng. Một số tiêu chí đáng lưu ý khi quyết định sử dụng phương pháp niềng tại một cơ sở nha khoa nào đó:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm: Niềng răng là một quy trình đòi hỏi tính chính xác cao. Vì vậy, bác sĩ thực hiện phải có tay nghề và giàu kinh nghiệm. Trình độ của bác sĩ chiếm tới gần 80% khả năng thành công của ca niềng. Bạn nên lưu ý yếu tố này nhé.
- Vật liệu: Mỗi phương pháp niềng sẽ gắn với một vật liệu tương ứng. Phần niềng sẽ được lắp vào răng và không tránh khỏi tiếp xúc với thức ăn trong quá trình nghiền, nhai và tiêu hóa của người niềng. Do đó, vật liệu phải chất lượng và đảm bảo an toàn.
- Trang thiết bị tại cơ sở: Để quá trình niềng chính xác và nhanh chóng, không thể không có sự hỗ trợ của các phương tiện y tế. Nếu cơ sở áp dụng những trang thiết bị hỗ trợ hiện đại và đảm bảo thì khả năng thành công của ca niềng cũng được nâng lên đáng kể.
- Chính sách bảo hành và hỗ trợ: Như các bạn đã biết, chi phí niềng răng rất cao nên đồng nghĩa với nó là quý khách hàng phải nhận được chính sách bảo hành và hỗ trợ sau niềng hợp lý. Đây là một yếu tố giúp củng cố niềm tin cho khách hàng trong quá trình đeo mắc cài.
7. Chăm sóc sau khi niềng răng cho trẻ
Sau khi đã lắp khung niềng xong, phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau để đạt hiệu quả tốt hơn:
- Vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn: Việc đảm bảo vệ sinh răng miệng khi niềng rất quan trọng. Cụ thể, nên sử dụng bàn chải lông mềm và kem đánh răng làm dịu để trẻ bớt cảm giác đau khi siết răng. Lưu ý chải răng kỹ càng, ít nhất 2 – 3 lần/ngày để hạn chế mảng bám thức ăn còn sót lại gây sâu răng, hôi miệng. Có thể kết hợp thêm chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Trẻ niềng răng mắc cài truyền thống thường gặp tình trạng lười ăn, chán ăn dẫn đến cơ thể thiếu dinh dưỡng, sụt cân, ốm yếu… Vì vậy, bậc phụ huynh nên lưu ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu, mềm để trẻ dễ nhai khi mới niềng. Cần bổ sung đầy đủ khoáng chất và dinh dưỡng để nhanh hồi phục và cung cấp đủ chất để xương, răng khỏe mạnh. Một số vitamin tốt cho xương, răng như vitamin D, C, K…
- Tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh: Đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh có thể dẫn đến cảm giác đau buốt răng. Khi mới niềng, cấu trúc răng khá yếu nên dễ bị tổn thương. Đặc biệt, tránh nhai đá trực tiếp vì có thể làm hỏng mắc cài.
- Không nhịn ăn: Cơ thể sau niềng chắc chắn sẽ rất chán ăn vì khi nhai rất đau. Tuy nhiên, trẻ tuyệt đối không được nhịn ăn. Khi nhịn ăn, cơ thể bị thiếu hụt năng lượng và dinh dưỡng vô cùng nguy hại. Khả năng cao dẫn đến ngất xỉu, thiếu chất.
Bài viết xem thêm: Cách vệ sinh răng niềng hiệu quả, bạn đã biết chưa?
8. Những câu hỏi thường gặp khi niềng răng cho trẻ
Có rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề niềng răng cho trẻ. Trong đó, có hai câu hỏi nổi bật như sau:
8.1. Niềng răng có đau không?
Giai đoạn khi bắt đầu niềng răng đến khi hoàn thành sẽ kéo dài trung bình từ 1.5 năm đến 2 năm. Trong mỗi giai đoạn, cảm giác đau buốt và ê nhức răng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mức đau này trẻ có thể chịu đựng được. Có 4 giai đoạn chính trong quá trình sắp xếp răng: Tách kẽ răng, đeo mắc cài, nhổ răng và siết răng định kỳ.
- Giai đoạn tách kẽ răng: Đây là giai đoạn chuẩn bị trước khi gắn mắc cài. Việc tách kẽ răng tạo khoảng trống cho răng dịch chuyển. Trẻ có thể cảm giác hơi nhức răng khi nhai. Khoảng 1 – 2 ngày sau trẻ sẽ quen với cảm giác này và hết hẳn khi đeo quen niềng.
- Giai đoạn đeo mắc cài: Khi đeo mắc cài, ban đầu, trẻ sẽ thấy hơi khó khăn khi hoạt động cơ miệng và hơi vướng víu. Khoảng 1 – 2 tuần đầu hơi khó chịu và hơi âm ỉ phần khuôn miệng. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa, vẫn có trẻ không có cảm giác này.
- Giai đoạn nhổ răng: Giai đoạn này sẽ loại bỏ những răng không phù hợp. Lúc nhổ, trẻ sẽ không thấy đau vì có sử dụng thuốc tê nhưng sau đó sẽ khá nhức. Cảm giác này ở mức chịu đựng được của trẻ nên đừng quá lo lắng nhé.
- Giai đoạn siết răng định kỳ: Tùy theo từng tình trạng răng mà thời gian siết răng định kỳ khác nhau. Bác sĩ sẽ quan sát và điều chỉnh để răng dịch chuyển theo dự định. Sau siết, bé sẽ cảm thấy đau.
8.2. Có phải niềng răng cho trẻ càng sớm càng tốt không?
Mặc dù niềng răng càng sớm càng có hiệu quả cao nhưng phụ huynh cũng nên xác định được đúng thời điểm phù hợp nhất cho trẻ.
- Giai đoạn 1: Trẻ nằm trong độ tuổi 7 – 9 tuổi. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi hàm để có cách định hướng hướng mọc răng cố định phù hợp.
- Giai đoạn 2: Trẻ từ 12 tuổi trở lên. Lúc này, răng đã phát triển đầy đủ, xương hàm cố định. Đây là giai đoạn phù hợp nhất để đeo niềng. Thời gian niềng sẽ mất từ 18 – 24 tháng.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã tìm được câu trả lời cho việc có nên niềng răng cho trẻ sớm hay không. Tùy vào thể trạng và tình trạng răng mà mỗi bé sẽ có thời gian niềng, phương pháp định hình và chi phí giao động khác nhau, phụ huynh có thể dựa vào những tiêu chí mà bài viết đã để cập để có thông tin phù hợp với mình nhé.