Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tác giả: Bui Ngan
Khô âm đạo là một vấn đề phổ biến mà người phụ nữ có thể gặp phải ít nhất một lần trong đời. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những vấn đề xung quanh chứng khô âm đạo này nhé.
1. Khô âm đạo là gì?
Bên trong âm đạo có một lớp ẩm mỏng phủ lên thành âm đạo. Độ ẩm này cung cấp môi trường kiềm để tinh trùng có thể tồn tại và di chuyển. Các dịch tiết âm đạo giúp bôi trơn thành âm đạo và giảm ma sát trong quá trình quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, khi người phụ nữ càng lớn tuổi, sẽ dẫn đến những thay đổi trong sản xuất hormone khiến thành âm đạo mỏng đi, ít tế bào tiết ra hơi ẩm hơn. Kết quả là dẫn đến khô âm đạo.
2. Triệu chứng của khô âm đạo
Khô âm đạo có thể gây ra cảm giác khó chịu ở vùng âm đạo và vùng chậu, gây ra:
- Mất hứng thú với tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu nhẹ sau khi giao hợp
- Đau rát
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)
- Ngứa hoặc châm chích âm đạo
- Cần đi tiểu tiện thường xuyên hơn so với bình thường
Khô âm đạo có thể là một nguyên nhân khiến bạn cảm thấy ngại ngùng, không dám nói với bác sĩ hoặc bạn tình của mình. Từ đó gây nên nhiều khó chịu cho cơ thể, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày.
3. Nguyên nhân gây khô âm đạo
Nồng độ estrogen suy giảm là nguyên nhân chính gây ra chứng khô âm đạo. Phụ nữ bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn khi họ già đi. Điều này dẫn đến việc kết thúc kinh nguyệt được gọi là tiền mãn kinh – mãn kinh.
Tuy nhiên, tiền mãn kinh – mãn kinh không phải là tình trạng duy nhất làm giảm sản xuất estrogen. Còn có một số nguyên nhân khác như:
- Cho con bú
- Hút thuốc lá
- Trầm cảm
- Căng thẳng quá mức
- Rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như hội chứng Sjögren
- Sinh con
- Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như bức xạ vào khung chậu, liệu pháp hormone hoặc hóa trị liệu
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
- Uống thuốc tránh thai hoặc thuốc chống trầm cảm
- Thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo
- Không sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho vùng nhạy cảm này
4. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Khô âm đạo hiếm khi chỉ ra một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cảm giác khó chịu kéo dài hơn một vài ngày hoặc nếu bạn cảm thấy khó chịu khi quan hệ tình dục. Nếu không được điều trị, khô âm đạo có thể gây lở loét hoặc nứt các mô của âm đạo.
Nếu tình trạng này đi kèm với chảy máu âm đạo nghiêm trọng, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Trong khi khám, bác sĩ có thể kiểm tra thành âm đạo để tìm vết rách hoặc cảm giác da mỏng. Họ cũng có thể lấy một mẫu dịch tiết âm đạo để kiểm tra có vi khuẩn có hại hay không.
Ngoài ra, các xét nghiệm hormone có thể xác định xem bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh.
5. Cách điều trị khô âm đạo
Để làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô âm đạo, bạn có thể tham khảo một vài cách dưới đây:
5.1. Liệu pháp estrogen tại chỗ
Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng khô âm đạo là liệu pháp estrogen tại chỗ. Chúng thay thế một số hormone mà cơ thể bạn không còn tạo ra nữa. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ kê đơn liệu pháp estrogen dưới dạng viên uống, kem hoặc vòng, có tác dụng giải phóng estrogen.
Kem và vòng giải phóng estrogen trực tiếp đến các mô. Thuốc có nhiều khả năng được sử dụng hơn khi bạn có các triệu chứng mãn kinh khó chịu khác, chẳng hạn như bốc hỏa.
- Vòng ( Estring ): Bạn hoặc bác sĩ đặt chiếc vòng mềm, dẻo này vào âm đạo, nơi nó giải phóng một lượng estrogen ổn định trực tiếp đến các mô. Vòng được thay 3 tháng một lần.
- Thuốc đặt âm đạo ( Vagifem ): Bạn sử dụng dụng cụ để đặt viên thuốc vào âm đạo mỗi ngày một lần trong hai tuần đầu điều trị. Sau đó bạn thực hiện 2 lần / tuần cho đến khi không cần dùng nữa.
- Kem ( Estrace , Premarin ): Bạn dùng dụng cụ để đưa kem vào âm đạo. Thông thường, bạn sẽ thoa kem hàng ngày trong 1 đến 2 tuần, sau đó giảm xuống còn 1-3 lần một tuần theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bất kỳ sản phẩm estrogen nào cũng có thể có tác dụng phụ, chẳng hạn như chảy máu âm đạo và đau vú. Liệu pháp Estrogen tại chỗ này có thể không được khuyên dùng khi bạn:
- Bị ung thư vú , đặc biệt nếu bạn đang dùng chất ức chế men thơm
- Có tiền sử ung thư nội mạc tử cung
- Ra máu âm đạo nhưng không biết nguyên nhân do đâu
- Đang mang thai hoặc đang cho con bú
5.2. Kem bôi trơn/kem dưỡng ẩm âm đạo
Bạn có thể mua kem dưỡng ẩm âm đạo như glycerin-min oil-polycarbophil ( Replens ) tại hiệu thuốc hoặc siêu thị. Các chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm này cũng có thể làm thay đổi độ pH của âm đạo, làm giảm khả năng bị nhiễm trùng.
Bạn nên chọn chất bôi trơn gốc nước, không được chứa nước hoa, chiết xuất thảo mộc hoặc màu nhân tạo vì có thể gây kích ứng.
Ngoài ra, không nên chọn các chất bôi trơn như dầu khoáng, vì nó có thể làm hỏng bao cao su và màng ngăn sử dụng để ngừa thai.
Vì nhiều sản phẩm có thể gây kích ứng vùng da mỏng manh ở âm đạo, điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu kỹ và nhận sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng những cách trên.
Khô âm đạo là một triệu chứng không quá khó chữa nhưng nếu để lâu ngày mà không có hướng điều trị kịp thời có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của bạn.