Trào ngược dịch mật – Dấu hiệu và cách phòng ngừa
Tác giả: admin
Hiện tượng dịch mật trào ngược lên dạ dày rồi sau đó trào ngược lên thực quản được gọi là trào ngược dịch mật. Vậy trào ngược dạ dày có thật sự nguy hiểm không?
Dịch mật là gì?
Dịch mật là chất lỏng, hơi nhầy, màu xanh – vàng, được sản xuất tại gan và dự trữ trong túi mật. Dịch mật sẽ được đổ vào phần đầu ruột non để tham gia chức năng tiêu hóa với những vai trò như sau:
– Giúp tiêu hóa chất béo và vitamin tan trong dầu (A, D,K,E)
– Kích thích tăng tiết các men tiêu hoá của dịch tuỵ và dịch ruột, đồng thời hoạt hoá chúng.
– Tạo môi trường kiềm ở ruột, kích thích nhu động ruột, ức chế hoạt động của vi khuẩn lên men thối ở phần trên ruột non.
Ngoài chức năng tiêu hoá, mật còn loại bỏ các sản phẩm thoái hoá của hemoglobin (một chất trong tế bào hồng cầu) là bilirubin, tạo nên màu sắc của mật.
Vì đâu dịch mật trào ngược?
Khi van môn vị bị tổn thương, đóng không kín làm dịch mật trào ngược lên dạ dày làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu người bệnh cũng bị trào ngược dạ dày thực quản thì dịch mật có dịch vị sẽ trào ngược lên thực quản có thể lan lên vùng họng và thanh quản. Những trường hợp gây ra hiện tượng trào ngược dịch mật như trên là:
– Biến chứng sau phẫu thuật cắt dạ dày: Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày hoạt động đóng mở van môn vị bị ảnh hưởng, gây hiện tượng trào ngươc dịch mật và acid.
– Loét dạ dày tá tràng: Tổn thương ở dạ dày làm trương lực cơ của van môn vị yếu đi, dẫn đến trào ngược dịch mật. Thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày cũng có thể làm tăng áp lực lên cơ thắt dưới thực quản, khiến dịch mật có trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
– Phẫu thuật túi mật: Trào ngược dịch mật gia tăng trào ở những người đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật, ví dụ như viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, viêm teo túi mật, u túi mật. Tuy nhiên nguyên nhân này vẫn chưa được giải thích cụ thể.
Các phương pháp phòng ngừa và hạn chế trào ngược dịch mật
– Thay đổi chế độ ăn uống: Chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới và van môn vị. Sau khi ăn, bệnh nhân không được nằm ngay mà phải chờ tiêu hóa hết thức ăn (khoảng 2-3 giờ). Tránh sử dụng các loại thực phẩm làm tăng trào ngược acid và trào ngược dịch mật như: đồ ăn giàu chất béo, cà phê, giấm, hạt tiêu, sôcôla, cam quýt, đồ uống có ga,…
– Hạn chế hoặc tránh uống rượu: Do rượu kích thích thực quản và làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới, nguyên nhân gây trào ngược axit.
– Bỏ hút thuốc: Khi hút thuốc lá, lượng khói thuốc sẽ đưa vào cơ thể một lượng nicotin. Chất nicotin này làm tăng tiết các yếu tố tấn công: HCL, pepsin và làm hạn chế yếu tố bảo vệ: Prostaglandin – chất có vai trò bảo vệ và phục hồi niêm mạc, thu hẹp các mạch máu dạ dày, từ đó dẫn tới tổn thương lớp bảo vệ này. Ngoài ra, thuốc lá còn làm khô miệng, giảm tiết nước bọt, dẫn tới tác dụng trung hòa dịch vị trào ngược lên thực quản của nước bọt giảm, hiện tượng đau rát khó chịu của bệnh nhân tăng lên.
– Thư giãn tinh thần: Vì khi bệnh nhân bị stress kéo dài dẫn tới mất cân bằng yếu tố tấn công (HCL, pepsin) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy), khiến cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương, ảnh hưởng tới chức năng co bóp và tiêu hóa thức ăn. Quá trình làm rỗng dạ dày bị chậm, áp lực lên cơ thắt dưới thực quản tăng, lâu dần gây ra hiện tượng trào ngược.
– Lựa chọn một chiếc giường nghiêng: Khi van tâm vị và môn vị yếu, hiện tượng trào ngược rất dễ xảy ra. Việc nâng cao đầu giường khoảng 15-20cm có thể ngăn chặn các triệu chứng trào ngược. Đó là do trọng lực sẽ hỗ trợ trong việc ngăn chặn mật chảy trào ngược lên dạ dày, thực quản.
– Giảm cân: Khi giảm cân, lượng chất béo ép vào dạ dày và ruột non sẽ giảm đi, hiên tượng trào ngược dịch mật và axit sẽ giảm xuống.
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học