Có nên khám răng định kỳ cho trẻ không?
Tác giả: huong
Khám răng định kỳ cho trẻ rất cần thiết nhằm phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nha khoa, bảo vệ sự phát triển toàn diện của răng và hàm. Tuy nhiên, vẫn có bố mẹ chưa thật sự quan tâm chăm sóc răng miệng cho trẻ. Điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và khiến không ít bé tiềm ẩn những nguy cơ mắc các bệnh răng miệng ngay từ rất nhỏ.
Tầm quan trọng của việc khám răng định kỳ
Khám răng cho trẻ theo định kỳ luôn là lời khuyên chăm sóc răng miệng của hầu hết các chuyên gia nha khoa vì:
- Phát hiện sớm nhất các mầm móng gây bệnh răng miệng, làm sạch những mảng bám đã bị vôi hóa trong kẻ răng và quanh nướu răng của trẻ.
- Điều trị kịp thời những dấu hiệu của các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu, răng không mọc hoặc mọc ngầm,…
- Theo dõi quá trình phát triển của răng, hàm để nhận biết những yếu tố có thể khiến khuôn hàm biến dạng, răng bị xô lệch. Từ đó, đưa ra phương pháp điều trị, uốn nắn chỉnh răng phù hợp để răng vĩnh viễn mọc lên ổn định.
- Phát hiện và điểu chỉnh các bất thường về thắng môi, thắng lưỡi…có thể làm cản trở đến phát âm.
- Tư vấn, cho lời khuyên về cách chăm sóc răng miệng cho trẻ.
Khi nào cần đưa bé đi khám răng?
Từ 6 tháng đến 1 năm tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu mọc răng sữa, đây cũng chính là lần khám răng đầu tiên của bé.
Để theo dõi sức khoẻ răng miệng và đảm bảo sự phát triển ổn định của các răng sữa, Hiệp hội Nha khoa Trẻ em Hoa Kỳ khuyến khích bố mẹ nên đưa bé đi khám răng ít nhất 3 – 6 tháng/lần. Việc thăm khám theo định kỳ giúp các Bác sĩ phát hiện sớm nhất các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh răng miệng và có phương pháp điều trị kịp thời.
Toàn bộ răng sữa của bé (20 cái ở cả hàm trên và hàm dưới) sẽ mọc hoàn thiện khi trẻ được 2 tuổi. Khi trẻ 6 tuổi, các răng sữa dần dần được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Răng sữa không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn nhưng nếu răng sữa bị các nhổ bỏ quá sớm có thể làm chậm quá trình mọc răng vĩnh viễn. Do đó, bố mẹ cần chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé ngay từ sớm để giúp bé có một hàm răng vĩnh viễn chắc khỏe.
Bác sĩ sẽ làm gì khi khám răng định kỳ cho trẻ?
Độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm
- Đánh giá vệ sinh răng miệng của bé.
- Loại bỏ các mảng bám bằng cách dùng gạc mềm hoặc bàn chải đánh răng cọ rửa nhẹ nhàng.
- Kiểm tra và điều trị những vết lở loét nếu có ở vùng miệng.
- Điều chỉnh thói quen của trẻ kịp thời nếu trẻ thường xuyên sử dụng núm vú giả hoặc mút ngón tay.
- Hướng dẫn cha mẹ các cách phòng chống sâu răng cho trẻ.
Từ 1 năm tuổi trở lên
- Chuẩn đoán hoặc chụp X-quang để kiểm tra sự phát triển ổn định của răng, hàm, từ đó đưa ra các biện pháp nắn chỉnh, niềng răng cho trẻ.
- Tìm hiểu thói quen ăn uống và cách vệ sinh răng miệng mà cha mẹ thực hiện cho bé hằng ngày để bảo đảm lượng flour cần thiết được cung cấp có đầy đủ không, nhằm áp dụng phương pháp điều trị flour tại chỗ.
- Hướng dẫn cha mẹ cách làm sạch răng đúng cách cho bé.
- Lấy vôi răng bằng sóng siêu âm nếu có để loại bỏ những mảng bám và vi khuẩn trên răng sữa của bé.
- Trám Sealant khi cần thiết để ngăn chặn vi khuẩn, phòng ngừa sâu răng ở trẻ, có khả năng ảnh hưởng đến tuỷ răng và răng vĩnh viễn về sau.
- Theo dõi quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị, chỉnh nha nếu có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường như răng mọc lệch, mọc ngầm…
- Giải thích và minh hoạ bằng các hình ảnh để bé hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh răng miệng.
- Hướng dẫn trẻ cách chải răng, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn trên răng đúng cách.
Cách chăm sóc răng miệng tại nhà cho trẻ
Để bảo vệ sức khoẻ răng miệng cho bé, ngoài việc đưa con đi khám răng định kỳ 6 tháng, bố mẹ cần lưu ý:
Đối với trẻ chưa thể tự chải răng:
- Bố mẹ làm sạch răng cho bé bằng cách dùng gạc quấn vào ngón trỏ rồi nhẹ nhàng chùi sạch thức ăn trên nướu, răng và lưỡi hoặc dùng bàn chải nhỏ lông mềm để giúp trẻ chải răng.
- Làm sạch răng miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để tập cho bé thói quen vệ sinh răng miệng từ nhỏ.
- Để ý những thói quen không tốt của bé như mút tay, ngậm núm vú giả, ngậm đồ chơi, nghiến răng khi ngủ…để kịp thời ngăn ngừa, tránh làm ảnh hưởng đến cấu trúc hàm và sự phát triển của các răng sữa.
Đối với trẻ có thể tự chải răng:
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách, chải xoay tròn theo chiều dọc răng, tránh để trẻ hình thành thói quen chải răng ngang có hại cho nướu và chân răng.
- Tập cho trẻ thói quen sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng, đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Hạn chế để bé ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, nhai đá…
- Đảm bảo hàm lượng Flour, Canxi cần thiết và vừa đủ trong thực phẩm và hoặc các sản phẩm làm sạch răng thông thường dành cho trẻ em.
Khám răng định kỳ cho trẻ là việc làm cần thiết để đảm bảo sự phát triển ổn định, chắc khoẻ của răng, hàm cũng như phát hiện và ngăn ngừa sớm các bệnh lý nguy hiểm có thể làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên giúp bé hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng ngay từ nhỏ để trẻ có thể tự mình chăm sóc răng thật tốt.