Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ và những lỗi thường gặp
Tác giả: huong
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam, hiện nay nước ta có đến 85% trẻ từ 6-8 tuổi bị sâu răng và 60-90% trẻ bị mắc bệnh viêm lợi. Điều đó cho thấy thực trạng đáng báo động về sức khỏe răng miệng của trẻ. Nguyên nhân ngoài sự thiếu quan tâm về sức khỏe răng miệng của trẻ, còn xuất hiện những sai lầm đáng tiếc trong cách chăm sóc răng miệng cho trẻ của cha mẹ.
1. Chờ đến khi trẻ mọc đủ răng mới chăm sóc
Cha mẹ thường cho rằng khi trẻ chưa mọc đủ răng hoặc răng non còn yếu thì việc chăm sóc chưa thực sự cần thiết. Nhưng theo các bác sĩ nha khoa, đây mới chính là giai đoạn quan trọng trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ. Ở giai đoạn này, bạn nên vệ sinh răng non của trẻ bằng khăn sạch hoặc chỉ nha khoa. Điều này không chỉ bảo vệ răng non mà còn giúp sự phát triển răng miệng của trẻ được diễn ra tốt nhất. Ngoài ra, trẻ còn được hình thành thói quen chăm sóc răng miệng ngay từ nhỏ.
2. Không chú ý lựa chọn kem đánh răng và các sản phẩm chăm sóc răng miệng phù hợp với trẻ
Khi lựa chọn kem đánh răng cho trẻ có răng mới mọc, cha mẹ nên chọn sản phẩm có chứa thành phần flouride. Flouride làm men răng của trẻ trở nên cứng cáp và chống lại các thành phần axit, làm giảm nguy cơ sâu răng. Đến khi trẻ đã mọc răng đầy đủ và chắc khỏe thì cha mẹ mới lựa chọn kem đánh răng ít hoặc không có thành phần này.
Khi trẻ lớn, hãy cho trẻ làm quen với nước súc miệng. Đây là một sản phẩm không thể thiếu để rửa sạch vi khuẩn ẩn sâu trong men răng, góp phần làm răng chắc khỏe.
3. Vẫn cho trẻ ăn sau khi đã đánh răng chuẩn bị đi ngủ
Sau khi trẻ đánh răng chuẩn bị đi ngủ, cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ăn. Thành phần còn lại của thức ăn chứa nhiều vi khuẩn sẽ bám lên men răng của trẻ khi đang ngủ, sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng. Thay vào đó, hãy để trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đánh răng.
4. Để trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt
Theo nhận định của trung tâm Monell Chemical Senses: “Chúng ta biết rằng, một đứa trẻ mới sinh có thể phát hiện được vị ngọt. Đây là một phản ứng sinh học cơ bản của trẻ dù chúng chưa từng được học các vị mặn hay ngọt. Nó có từ trước khi sinh”. Điều này giải thích nguyên nhân vì sao trẻ thường thích ăn đồ ngọt. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Các hợp chất đường có trong đồ ngọt điển hình như glucose là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sâu răng sinh sôi và nảy nở. Vì vậy, cha mẹ cần phải có kế hoạch kiểm soát việc ăn đồ ngọt của con trẻ, không chỉ để chăm sóc sức khỏe răng miệng mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.
5. Để trẻ mút tay và ngậm núm vú giả quá lâu
Mút tay là một thói quen thường gặp ở trẻ. Hành vi mút tay giúp trẻ cảm thấy thoải mái nhưng gây tổn thương nghiêm trọng đến cấu trúc răng miệng. Việc mút tay liên tục trong thời gian dài tạo nên lực ma sát, làm dịch chuyển vị trí răng gây nên tình trạng răng mọc bất thường như: hàm bị hô, móm, răng mọc không đều….
Điều này cũng tương tự việc ngậm núm vú giả trong thời gian dài. Thay cho những thói quen thiếu lành mạnh đó, chúng ta nên cho trẻ tham gia nhiều hoạt động vui chơi để quên thói quen mút tay và hạn chế thời gian ngậm núm vú giả.
6. Trẻ không cần đến nha sĩ khi răng không gặp vấn đề
Khi trẻ còn nhỏ, ngoài việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, sức khỏe răng miệng cũng quan trọng không kém. Cha mẹ cần loại bỏ suy nghĩ là chỉ đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa khi đã bị vấn đề về răng miệng. Việc kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên, nhất là sau 6 tháng khi răng trẻ mới mọc là cực kỳ cần thiết.
Ở độ tuổi nào cũng vậy, cha mẹ luôn yêu thương và dành hầu hết sự quan tâm của mình cho con trẻ. Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ tốt cũng là để tránh những sai lầm đã kể trên giúp sự phát triển của trẻ diễn ra một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ để sức khỏe răng miệng của trẻ ngày một tốt hơn, mà còn giúp trẻ tự tin hơn với một nụ cười tỏa nắng.
Theo Khoe.online tổng hợp