Tức ngực khó thở và những điều bạn không nên bỏ qua
Tác giả: Phan Duong
Đau tức ngực khó thở không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ tuổi vẫn thường hay gặp tình trạng này. Đôi khi, đau tức ngực khó thở không phải vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Nhưng nếu cơn đau tức kéo dài kèm theo một số triệu chứng khác thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
1. Tức ngực khó thở kéo dài là bệnh gì?
Tức ngực khó thở có thể xảy ra ở mọi đối tượng, những cơn đau thường xuất hiện thoáng qua và hết ngay sau một thời gian ngắn. Nhưng nếu tình trạng này xuất hiện liên tục và cường độ tăng dần thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như:
- Bệnh lý về phổi, màng phổi.
- Bệnh mạch vành.
- Chấn thương ngực.
- Bóc tách động mạch chủ.
- Bệnh lý liên quan đến thần kinh liên sườn.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
Đau tức ngực, khó thở đôi khi là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng
2. Các dạng đau tức ngực thường gặp
Tức ngực khó thở
Bệnh tim mạch vành có thể là nguyên nhân gây ra những cơn đau tức ngực, khó thở. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đau tức ngực cũng được bắt nguồn từ tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hoặc hẹp đường hô hấp tạm thời.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng khiến bạn gặp tình trạng này. Nếu tâm trạng lo âu, căng thẳng hay hồi hộp diễn ra thường xuyên, nhịp thở của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng như thở dốc, thở ngắt nhịp… Những điều này khiến cơ thể thiếu oxy và xuất hiện đau tức ngực kèm khó thở.
Bạn hãy cố gắng thư giãn, cân bằng cảm xúc, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và kiểm soát những bệnh lý liên quan để hạn chế vấn đề này.
Tức ngực buồn nôn
Thông thường, những vấn đề về tâm lý sẽ gây ra biểu hiện tức ngực kèm theo buồn nôn. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như:
Trào ngược dạ dày, thực quản: Đầu mút của các sợi thần kinh nằm ở biểu mô thực quản bị kích thích khi acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Lúc này, bạn sẽ gặp những cơn đau nhói ở vùng ức. Ngoài hơi và acid dạ dày ra thì còn có thức ăn đang tiêu hóa, điều này khiến bạn có cảm giác buồn nôn.
Giai đoạn đầu mang thai: Trong thời gian đầu mang thai, thai phụ có thể gặp tình trạng ốm nghén. Ốm nghén sẽ có những biểu hiện như: đau tức ngực, buồn nôn, chán ăn, thay đổi khẩu vị, mệt mỏi. Bởi vì khi mang thai, nồng độ hormon trong cơ thể thay đổi đột ngột khiến thai phụ gặp triệu chứng đau tức ngực kèm theo buồn nôn.
Tức ngực buồn nôn có thể gặp ở thai phụ khi đang ốm nghén
Các bệnh lý đường hô hấp: Nếu đường hô hấp bị rối loạn hoặc đang nhiễm trùng sẽ gây ra những cơn tức ngực khó thở kèm theo buồn nôn. Hệ hô hấp bị ảnh hưởng khiến lượng oxy hấp thụ vào cơ thể giảm đi và hình thành những biểu hiện trên.
Tức ngực khó tiêu
Tức ngực khó tiêu có thể kèm theo một số biểu hiện như: chóng mặt, ợ chua, ợ nóng, hoa mắt khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đồng thời, vùng dạ dày cũng bị đau âm ỉ, thực quản nóng rát và ngực giữa đau tức. Nguyên nhân của các triệu chứng này bắt nguồn từ việc ăn không tiêu gây ra tình trạng đầy bụng, đầy hơi, buồn nôn sau khi ăn xong.
Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy chọn những món ăn tốt cho hệ tiêu hóa như chuối, đu đủ, sữa chua… Những món ăn nhiều dầu mỡ và thức uống có ga bạn cũng nên tránh vì chúng dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Tức ngực kèm theo ho
Bị ho và tức ngực thường gặp khi bạn đang bị cảm cúm, ho… Những bệnh này sẽ dứt điểm sau khi bạn dùng thuốc. Nếu những cơn đau tức ngực kèm theo ho khan, ho có đờm xuất hiện vào sáng sớm và kéo dài trong nhiều tuần, không trị khỏi bằng thuốc trị ho thì đây có thể là biểu hiện của bệnh ung thư phổi.
Hút thuốc lá quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý nguy hiểm này. Khi khói thuốc lá đi vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đồng thời làm thay đổi cấu trúc của tuyến tiết nhày và thành phần chất nhầy. Khả năng bài tiết đờm của cơ thể sẽ bị giảm khi tuyến tiết chất nhầy bị tắt, lâu dần dẫn đến ung thư phổi và hình thành chứng đau tức ngực kèm theo ho.
Để phòng ngừa tình trạng này, bạn hãy dừng hút thuốc lá hoặc tránh xa những nơi có người hút thuốc lá. Đồng thời, bạn cần phải thường xuyên vệ sinh khu vực sống.
Nuốt thức ăn bị tức ngực
Nếu sau khi nuốt thức ăn bạn cảm thấy nghẹn, tức ngực thì có thể là biểu hiện của bệnh ung thư thực quản. Triệu chứng của bệnh này thường không cụ thể, rõ ràng. Bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy nghẹn, đau và tức ngực khi ăn uống.
Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, vùng ngực sẽ trở nên đau thắt, khó hoặc không thể nuốt thức ăn, cảm giác có vật cản trong cổ họng gây khó chịu. Nếu tiếp tục cố gắng nuốt rất dễ bị ngạt thở, đau nhiều hơn và nghiêm trọng hơn là nôn ngược thức ăn. Khi bệnh trở nên nặng, ngay cả những dạng thức ăn lỏng như cháo hay nước cũng khiến bạn nuốt khó khăn.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư thực quản, bạn cần cai rượu, bỏ hút thuốc lá, không ăn thức ăn hộp, tránh đồ ăn hay nước uống còn quá nóng và đồ ăn to cứng. Bạn hãy cố gắng bổ sung nhiều rau xanh, uống nhiều nước mỗi ngày để mang nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tức ngực sau khi nuốt thức ăn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản
3. Điều bạn cần làm khi bị đau tức ngực
Tức ngực khó thở không phải tình trạng hiếm gặp, nhưng bạn tuyệt đối không được chủ quan. Bạn cần ghi nhớ những điều sau đây nếu bị đau tức ngực:
- Khi cơn đau tức ngực mới xuất hiện, bạn hãy dừng ngay những việc nặng nhọc, tốn nhiều sức. Sau đó, bạn cần phải nghỉ ngơi và thư giãn để cơ thể trở về trạng thái cân bằng.
- Thay thế những môn thể thao nặng, tốn sức bằng những bài tập nhẹ nhàng để không làm cho tình trạng tức ngực, khó thở chuyển biến nghiêm trọng.
- Tuyệt đối tuân thủ theo liệu trình chữa trị của bác sĩ. Hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, rèn luyện thói quen sống lành mạnh, tránh xa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
- Nếu cơn đau diễn ra thường xuyên, cường độ tăng dần và kèm theo những biểu hiện như sốt, khó thở, buồn nôn… thì bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phòng khám Quốc tế Careplus với trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, là địa chỉ cung cấp các gói tầm soát tim mạch được rất nhiều người lựa chọn để chăm sóc sức khỏe gia đình. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ biểu hiện tức ngực khó thở nào trong bài viết trên, hãy nhanh chóng liên hệ phòng khám Careplus qua số hotline 1800 6116 hoặc trang web careplusvn.com để được tư vấn sớm nhất.