Bệnh sốt xuất huyết nên làm gì và kiêng gì để mau khỏi?

Tác giả: Mỹ Lệ

Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguyên nhân chủ yếu là do virus Dengue có trong muỗi vằn gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy người bị bệnh sốt xuất huyết nên làm gì và kiêng gì để mau khỏi?

1. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Để có cách chữa trị và chăm sóc phù hợp, đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết. 

bệnh sốt xuất huyết

Chảy máu dưới da ở dạng bầm tím hoặc chảy máu nướu và mũi là một những triệu chứng dạng nặng, cần được xử lý ngay lập tức

Với sốt xuất huyết thể nhẹ, bệnh nhân sẽ sốt cao khoảng 39-40ºC kèm theo các triệu chứng như:

  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Sưng các tuyến
  • Đau hốc mắt

Sau một tuần hoặc hơn thì bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, đối với các triệu chứng nặng như: đau bụng dữ dội, khó thở hoặc thở gấp, nôn kéo dài, có máu trong nước tiểu, phân hoặc chất nôn…, bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, tránh bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

2. Người bị bệnh sốt xuất huyết nên làm gì?

Khi có các triệu chứng trên, tùy theo từng trường hợp mà sẽ có cách xử lý khác nhau.

2.1. Trường hợp bị nhẹ

Dùng thuốc giảm sốt

Bệnh nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, không nên dùng các kháng viêm như aspirin hay naproxen vì sẽ có nguy cơ chảy máu trong cơ thể.

Bổ sung nước

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị mất nước, cho nên việc bổ sung nước là rất quan trọng. Ngoài nước lọc thông thường, bạn có thể uống các loại nước trái cây như nước cam, chanh, có chứa nhiều vitamin C và các khoáng chất, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và đề kháng cho cơ thể.

Ăn cháo hoặc súp

bệnh sốt xuất huyết

Cháo chứa chất xơ, dễ tiêu hóa, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết.

Trong thời gian phát bệnh và phục hồi, người bệnh thường có cảm giác đắng miệng, ăn gì cũng không thấy ngon, gây khó chịu và mệt mỏi. Những món ăn thường ngày không còn phù hợp nữa, mà thay vào đó nên cho người bệnh ăn cháo loãng hoặc súp. Hai món này ở dạng lỏng nên dễ ăn, dễ hấp thu và có nhiều dinh dưỡng, hỗ trợ hồi phục sức khỏe tốt hơn.

2.2. Trường hợp bị nặng

Những cách trên chỉ có thể áp dụng cho trường hợp bệnh nhẹ. Tuy nhiên, nếu người bệnh có tình trạng nặng hơn thì cần phải làm như sau:

  • Đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời và đúng cách.
  • Theo dõi huyết áp
  • Truyền dịch và chất điện giải
  • Truyền máu.

2.3. Phòng chống muỗi đốt

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên tránh bị muỗi đốt trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Virus gây bệnh có thể di chuyển trong máu trong thời gian này, tức là bạn có thể truyền lại virus sang muỗi khi bị đốt, làm cho con muỗi đó mang mầm bệnh. Muỗi bị nhiễm bệnh sẽ tiếp tục lây sang người khác.

Chính vì vậy, người bị sốt xuất huyết nên mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, mắc mùng khi ngủ, tránh ở gần những khu vực dễ sản sinh nhiều muỗi,…

3. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên kiêng gì?

3.1. Đồ ăn cay, nóng

Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể sẽ yếu đi, sức đề kháng giảm và năng lượng cũng bị hao hụt. Do đó, nếu ăn những món cay, nóng như ớt, gừng… thì sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, không những làm tình trạng bệnh xấu đi mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục.

3.2. Đồ ăn nhiều dầu mỡ

Các loại thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ nướng, đồ chiên và thức ăn nhanh tuy ngon miệng nhưng không nên ăn khi cơ thể đang bị bệnh bởi những món ăn này gây đầy bụng và khó tiêu, khiến cho quá trình hồi phục bệnh chậm lại.

3.3.  Các loại thực phẩm sẫm màu

bệnh sốt xuất huyết

Nên kiêng các thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen vì người bệnh sốt xuất huyết dễ bị chảy máu

Các loại thực phẩm sẫm màu nên tránh gồm cà phê, rau có màu xanh đậm, đậu đỏ, đậu đen, socola,… Màu sắc của chúng gây khó phân biệt với màu của phân, chất nôn hay máu khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra. Việc tránh các loại thực phẩm này giúp bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh nhân có bị xuất huyết dạ dày hay không.

3.4. Đồ ngọt

Nước ngọt, bánh ngọt các loại, mật ong hay đường đều cần phải tránh. Đường khi hấp thụ vào cơ thể sẽ làm các tế bào bạch cầu hoạt động chậm hơn, khiến bệnh sốt xuất huyết lâu khỏi hơn.

3.5. Thực phẩm giàu protein

Cụ thể, người bị bệnh sốt xuất huyết nên kiêng ăn trứng. Protein trong trứng sau khi chuyển hóa trong cơ thế sinh ra một lượng nhiệt khá lớn nên nếu người bệnh đang bị sốt cao có thể sốt cao hơn nữa.

3.6. Các thói quen không tốt

Sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu bia, uống cà phê khiến cho cơ thể người bệnh thêm mệt mỏi và lâu hồi phục.

Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên, bạn đã có thêm kiến thức về bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra bạn nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và tiêm chủng theo lịch để bảo vệ sức khỏe nhé.