Ăn uống khoa học là gì? 8 mẹo ăn uống đẩy lùi bệnh tật
Tác giả: Nguyễn Huy
Bạn có biết, xây dựng chế độ ăn uống khoa học là một trong những cách hữu hiệu giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện vóc dáng. Vậy thế nào là ăn uống khoa học? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn, đồng thời chia sẻ những mẹo khi ăn uống tốt cho sức khỏe, nhờ đó, phòng tránh và đẩy lùi bệnh tật hiệu quả.
1. Thế nào là ăn uống khoa học?
Ăn uống khoa học là chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ về số lượng và chất lượng thực phẩm dựa trên nhu cầu của mỗi cá nhân. Đồng thời, chế độ ăn cần đa dạng, cân đối và hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường tự do và muối, nhằm bảo vệ các cá thể khỏi các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ và ung thư.
Những yếu tố tạo thành một chế độ ăn uống khoa học bao gồm tuổi tác, giới tính, thể chất, tình trạng sinh lý và bệnh tật, cùng yếu tố văn hóa xã hội, sự sẵn có của thực phẩm và thói quen ăn uống.
2. Tại sao nên duy trì chế độ ăn uống khoa học?
Duy trì chế độ ăn uống khoa học đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta như:
- Cung cấp đủ năng lượng cho mọi hoạt động: Chế độ ăn uống khỏe mạnh đảm bảo đủ lượng calo mà cơ thể cần mỗi ngày. Vì thế, mọi hoạt động thường ngày xảy ra bên trong hay bên ngoài đều diễn ra suôn sẻ.
- Cơ thể khỏe mạnh: Đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với đủ năng lượng hoạt động. Chính vì vậy, một người có chế độ ăn uống khoa học luôn có một cơ thể tràn trề sức sống.
- Nâng cao hệ miễn dịch, đẩy lùi bệnh tật: Ăn uống đủ chất sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển và ngăn ngừa hại khuẩn. Nhờ đó, sức đề kháng của con người được cải thiện nên hạn chế bệnh tật do vi khuẩn, virus gây nên.
- Tốt cho tóc và da: Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ hỗ trợ ngăn ngừa oxy hóa tóc và da bởi những tác nhân có hại như tia UV, khói bụi, từ đó, mang lại làn da, nước tóc trẻ khỏe từ trong ra ngoài.
3. Bật mí 8 nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp bạn tươi trẻ
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học chưa bao giờ dễ đến thế nếu bạn nắm vững 8 nguyên tắc dưới đây:
3.1. Ăn giảm mặn – Bí quyết nuôi dưỡng một trái tim khỏe mạnh
Việc sử dụng quá nhiều muối (hơn 5gram/ngày) gây ra nhiều tác hại không lường như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đột quỵ… Vì vậy, bạn nên tập luyện thói quen ăn giảm mặn bằng cách dùng nước mắm giảm mặn, hạn chế ăn đồ muối chua, giảm lượng muối ăn hằng ngày…
Ăn giảm mặn là một thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe tim mạch
3.2. Bữa ăn đủ 4 nhóm chất – Nền tảng của một bữa ăn lành mạnh
Một bữa ăn cơ bản cần có đủ 4 nhóm chất chính: Bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó:
- Chất bột đường: Cung cấp năng lượng chính cho mọi hoạt động. Bạn có thể tìm thấy bột đường trong cơm, khoai lang, ngô, khoai tây…
- Chất đạm: Giúp cơ thể tăng trưởng, duy trì hoạt động sống và tăng cường đề kháng cho cơ thể. Thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc là những thực phẩm chứa nhiều chất đạm.
- Chất béo: Hỗ trợ hấp thu vitamin dễ hòa tan như vitamin D, K, E, A và cung cấp năng lượng cho vận động. Bạn nên ưu tiên chất béo từ mỡ cá, mỡ gia cầm hay dầu thực vật thay vì mỡ động vật bởi chúng chứa nhiều chất béo chưa bão hòa như Omega-3, Omega-6, Omega-9 tốt cho sức khỏe.
- Vitamin và khoáng chất: Chứa nhiều vi lượng bảo vệ cơ thể, tăng cường miễn dịch. Có thể tìm thấy vitamin và khoáng chất có lợi trong các loại rau, củ, quả.
3.3. Uống đủ nước
Nước là chất cần thiết cho mọi hoạt động cơ thể, giúp cung cấp chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng, cung cấp oxy nuôi dưỡng tế bào. Theo đó, trung bình nam giới cần 3.7 lít nước/ngày và nữ giới cần 2.7 lít nước/ngày. Tốt nhất, bạn nên uống nước xuyên suốt một ngày thay vì chỉ uống khi khát, uống từ từ, từng ngụm nhỏ và tránh tiêu thụ các loại nước có gas.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh, làn da căng bóng, tươi trẻ
3.4. Đừng quên bổ sung rau, củ, quả trong bữa ăn
Rau, củ, quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ tốt cho cơ thể. Trong đó, chất xơ là xúc tác quan trọng cho hoạt động chuyển hóa, hấp thụ dinh dưỡng và bài tiết của cơ thể. Đặc biệt, các loại rau màu xanh đậm và củ, quả màu vàng sẽ chứa nhiều beta-caroten – có tác dụng ngừa ung thư, đẩy lùi bệnh tật. Vì lẽ đó, chế độ ăn uống khoa học luôn yêu cầu tiêu thụ nhiều rau, củ, quả trong một bữa ăn.
3.5. Ăn quá nhiều đường – Tác nhân gây lão hóa sớm, thừa cân, béo phì
Đường mang lại nhiều lợi ích cho con người như tạo ra năng lượng, cải thiện tâm trạng, cung cấp chất oxy hóa cho cơ thể… Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều đường (hơn 37.5 gram/ngày đối với nam và hơn 25 gram/ngày đối với nữ) bởi vì tình trạng thừa đường để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, thừa cân, béo phì, tim mạch, huyết áp…
Chỉ nên ăn đường với một lượng vừa phải để ngăn ngừa tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp…
3.6. Không hút thuốc, không dùng bia, rượu
Thuốc lá chứa hơn 7000 chất độc hại, trong đó, nicotine là chất nguy hiểm nhất. Hàm lượng nicotine ngấm dần vào cơ thể qua hô hấp và da, gây ra bệnh tim mạch, hô hấp, suy dinh dưỡng… Tương tự, bia rượu và các chất kích thích nói chung là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm như suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến não và thần kinh, loãng xương, gout… Như vậy, một chế độ ăn uống khoa học luôn yêu cầu “loại trừ” thuốc lá và các chất kích thích.
3.7. Tạm biệt đồ ăn chế biến sẵn – Đẩy lùi ung thư hiệu quả
Đồ ăn chế biến sẵn độc hại không khác gì thuốc lá và rượu bia bởi chúng chứa hàm lượng muối cao, nhiều dầu mỡ xấu và không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Do thế, bạn nên tập thói quen mua đồ tươi sống, nguồn gốc rõ ràng và tự chế biến ở nhà sẽ tốt hơn.
Từ chối đồ ăn chế biến sẵn giúp bạn thoát khỏi ung thư hiệu quả
3.8. Vận động cơ thể thường xuyên
Vận động có tác dụng cải thiện tình trạng sức khỏe và tăng cường đề kháng để chống lại bệnh tật. Thêm vào đó, bạn cũng trau dồi thêm các kỹ năng sống như kiên trì, tự tin và kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể thử một vài bài tập nhẹ nhàng hàng ngày để ngủ ngon, ăn ngon hơn như đi bộ, thiền, yoga, nhảy dây…
Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng trong cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Hy vọng với 8 bí quyết xây dựng chế độ ăn uống khoa học trên đây, bạn có thể xây dựng cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và đề kháng trước những tác nhân gây hại.