Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh phải làm sao?
Tác giả: sites
Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh là một trong những nhiễm trùng sơ sinh thường có thể xuất hiện trước sinh, trong sinh và sau sinh (28 ngày). Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh có thể dẫn tới nguy cơ bị uốn ván rốn – là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ sơ sinh.
Nhiễm trùng rốn là nhiễm trùng cuống rốn sau khi sinh, có thể khu trú hoặc lan rộng. Không còn ranh giới bình thường giữa da và niêm mạc rốn chỗ thắt hẹp và vùng sung huyết sẽ lan rộng ra thành bụng, kèm phù nề, rỉ dịch hôi, đôi khi có mủ.
Theo Tổ chức y tế Thế giới, có tới 47% trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng rốn gây ra và khoảng 21% trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc các bệnh khác có kèm theo nhiễm trùng rốn.
Hàng năm tỷ lệ nhập viện tại Khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng I do nhiễm trùng rốn khoảng 18%.
Nguyên nhân nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh thường là do bố mẹ và gia đình đã không vệ sinh hoặc không biết cách vệ sinh cuống rốn và thay băng rốn cho bé.
Băng rốn quá kín cũng là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh. Việc băng rốn quá kín sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển, rốn bị tấy đỏ và chảy mủ,…
Ngoài ra, nhiều mẹ còn thấy rốn của con sắp rụng, chỉ còn dính lại một phần rất nhỏ, đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Điều này sẽ gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bé.
Hoặc, một số gia đình đã sử dụng những phương thức dân gian như đắp lá, rắc tiêu, hay dùng các chất lạ lên cuống rốn của bé để giữ vệ sinh và làm cho rốn mau rụng hơn. Thực chất, đây là những cách làm lạc hậu, thiếu khoa học đã gây ra tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, rất khó để điều trị và để lại di chứng như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, vàng da.
Rốn là cửa ngõ vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bé. Do đó, rốn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Trong đó, hay gặp nhất là trường hợp viêm rốn có mủ. Ngoài ra, còn có trường hợp viêm mạch máu rốn.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Trường hợp nhiễm khuẩn rốn: Rốn trẻ thường rụng muộn, ướt và có mùi hôi. Ở giai đoạn đầu chưa có mủ, toàn thân sưng tấy, bụng chướng, rối loạn tiêu hóa.
Để điều trị, bố mẹ cần giữa rốn bé sạch sẽ, thoáng mát, không để phân, nước tiểu hay nước bẩn thấm vào.
Trường hợp viêm rốn có mủ: chân rốn bé sẽ bị tấy đỏ, phù nề, ẩm ướt, chảy mủ vàng, có mùi hôi,… lâu rụng rốn. Trẻ có thể có dấu hiệu bị sốt, quấy khóc, không chịu bú sữa,…
Nếu rốn bé chỉ viêm nhẹ, bố mẹ chỉ cần thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng oxy già và lau khô rồi rắc bột kháng sinh và băng lại bằng gạc vô trùng.
Trong trường hợp rốn bé bị viêm nặng, trẻ sẽ xuất hiện sốt cao, bỏ bú và suy yếu. Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.
Trường hợp hoại tử rốn: Hoại tử rốn là bệnh tiên phát hoặc thứ phát sau viêm rốn do vi khuẩn yếm khí gây ra. Trẻ bị rụng rốn sớm. Rốn trẻ bị tím bầm, sưng đỏ, chảy mủ hoặc máu, có mùi hôi và sưng tấy ra các vùng xung quanh. Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc thấy rõ. Nếu không được điều trị kịp thời rất dễ gây ra nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vong.
Cách phòng tránh nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Vệ sinh cuống rốn bé thường xuyên mỗi ngày bằng oxy già, cồn iod 1% sau khi tắm.
Đặc biệt trong tuần đầu sơ sinh, bố mẹ cần phải tắm cho bé bằng nước đun sôi để ấm hoặc nước lá đun sôi để ấm. Để tránh nước không sạch thấm vào rốn bé và gây ra nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.
Thay băng rốn hàng ngày cho bé sau khi tắm. Trong trường hợp băng rốn của bé bị thấm nước tiểu, phân hay nước bẩn thì cần phải thay băng ngay lập tức.
Bố mẹ cần để rốn bé được hở và khô, không thoa hay đắp bất cứ loại thuốc hay chất gì lạ lên rốn bé nếu không được sự cho phép của bác sĩ.
Quần, áo, tã của bé phải được giặt sạch hằng ngày bằng nước giặt dành riêng cho em bé và phơi nắng.
Ngoài ra, khi đang mang thai, các mẹ cần đi khám thai định kỳ và đăng ký sinh ngay tại bệnh viện mà mình khám thái để được theo dõi, chăm sóc và đỡ đẻ. Các bác sĩ tại bệnh viện sẽ chăm sóc cho sản phụ và bé sơ sinh. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn hướng dẫn tận tình cho mẹ và cả nhà cùng biết làm cách nào để kiêng cử sau sinh cũng như cách chăm sóc bé sơ sinh thế nào là tốt nhất để phát hiện và có những biện pháp phòng tránh và điều trị sớm nhất.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Gia đình cần nên đăng kí dịch vụ chăm sóc sau sinh cho cả mẹ và bé để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và sự phát triển của bé.
Theo Khoe.online tổng hợp