Cách chữa trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Tác giả: huong
Ở giai đoạn tuổi sơ sinh, nhiều trẻ nhỏ xuất hiện các nốt mụn sữa, hạt nhỏ như những hạt gạo mọc chi chít ở các vùng cánh mũi, hai bên má và trán. Tuy không có ảnh hưởng nhiều về mặt sức khỏe và biến mất sau một thời gian nhất định, nhưng mụn sữa lại khá mất thẩm mỹ. Vậy mụn sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Và mẹ nên làm gì để giảm thiểu mụn sữa ở trẻ sơ sinh?
1. Biểu hiện của mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều loại biểu hiện da liễu ở trẻ sơ sinh giai đoạn đầu, trong đó mụn sữa hay còn gọi là nang kê là thường xuất hiện nhiều hơn cả. Mụn sữa thường xuất hiện vào khoảng thời gian từ 2-3 tuần tuổi hoặc sớm hơn từ 1 tuần tuổi, với những đốm nhỏ li ti màu trắng như những hạt gạo, tùy theo tình trạng cơ thể mà mật độ mọc mụn sữa cũng nhiều hoặc ít, cụ thể ở những vùng trán, hai má, cánh mũi, lưng, ngực và cả chân tay. Cha mẹ cần phân biệt rõ giữa mụn sữa và các loại mụn thịt, mụn trứng cá, rôm sảy và đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.
2. Nguyên nhân gây ra mụn sữa ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xuất hiện mụn sữa ở trẻ sơ sinh. Cụ thể:
– Do nhận được một số hormone, kích thích tố dư thừa của mẹ thông qua nguồn sữa nạp vào mỗi ngày, khiến tuyến dầu non nớt của trẻ sơ sinh bị kích thích. Bã nhờn tiết ra nhiều hơn làm bít lỗ chân lông và xuất hiện mụn.
– Lỗ chân lông của trẻ nhỏ còn chưa phát triển toàn diện, khiến các tế bào da chết và bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tồn tại, làm bít lỗ chân lông.
– Trẻ sơ sinh bẩm sinh mắc chứng viêm da thể tạng, hoặc môi trường được vô trùng và vệ sinh quá mức sạch sẽ khiến da của trẻ sơ sinh bị viêm, xuất hiện những tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, nổi mụn.
3. Chăm sóc làn da trẻ sơ sinh khi nổi mụn sữa
Mụn sữa khi xuất hiện vài ngày sẽ dần tấy đỏ, rỉ dịch và gây xót cho trẻ. Đặc biệt những vết mụn sẽ càng nhanh tấy đỏ hơn khi tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ hoặc các dung dịch xà phòng.
– Vệ sinh cho trẻ sơ sinh khi bị mụn sữa
Tắm rửa cho trẻ hằng ngày với nước ấm nhẹ. Xả nước vào thau và dùng tay kiểm tra nhiều lần trước khi cho trẻ vào, tắm nhanh và dùng khăn mềm lau khô người rồi mặc áo quần, không nên sử dụng sữa tắm hay xà phòng giai đoạn trẻ bị mụn sữa.
Thường xuyên thay quần áo, tã lót cho trẻ để giữ sự thông thoáng, tránh tình trạng hăm, rôm sảy ở trẻ sơ sinh do bí, mồ hôi không thấm hút. Nếu mụn sữa mọc nhiều ở vùng bẹn, nách thì dùng thêm phấn rôm chất liệu an toàn.
Giữ môi trường trong nhà luôn sạch sẽ, không có các loại bụi bẩn. Những đồ dùng, chăn nệm, quần áo cho trẻ cần được sạch, thoáng, không bám bụi bởi chúng chính là yếu tố khiến da của trẻ bị ảnh hưởng.
– Chế độ ăn uống
Đối với trẻ sơ sinh còn đang bú sữa mẹ, thì vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú đều đặn để duy trì nguồn dinh dưỡng cho cơ thể. Trường hợp trẻ lớn hơn và đã dùng sữa công thức, thì nên chọn sữa có các thành phần an toàn, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây dị ứng ở trẻ.
Trẻ bị mụn sữa khi đang ở độ tuổi ăn dặm thì cần được cha mẹ cung cấp một thực đơn ăn dặm thật lành mạnh, nhiều chất xơ và cân bằng độ đạm, không nhiều dầu mỡ. Tránh sử dụng những thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm thường dễ gây dị ứng.
– Không tự sử dụng các sản phẩm dưỡng da cho trẻ
Làn da của trẻ sơ sinh còn đang rất nhạy cảm, do vậy cha mẹ không nên tự ý sử dụng các loại kem dưỡng, kem chăm sóc da của người lớn hay là cho trẻ nhỏ. Bởi loại kem sử dụng có thể sẽ là tác nhân khiến tình trạng da của trẻ nặng hơn và kéo dài thời gian chữa lành hơn.
4. Lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh giai đoạn bị mụn sữa
– Không bóp, chà hay cố gắng nặn mụn sẽ khiến làn da của trẻ sơ sinh tổn thương nặng nề hơn.
– Không dùng các loại xà phòng, sữa tắm tính sát khuẩn cao và dùng lên vùng da bị mụn.
– Dùng nước ấm rửa vùng da mụn sữa mỗi sáng khi bé tỉnh dậy.
– Tránh để bé tiếp xúc với môi trường bụi bẩn bên ngoài, hoặc tiếp xúc với người đang có vấn đề về da.
– Không nên chạm vào vùng mụn sữa thường xuyên, hoặc dùng phấn rôm hoặc các loại kem dưỡng lên vùng da bị mụn của trẻ.
Lưu ý đến cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi xuất hiện những vấn đề về làn da. Những trường hợp mụn sữa ở trẻ sơ sinh kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, thì cha mẹ nên đưa trẻ đến viện da liễu để được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp chữa trị tốt nhất. Luôn giữ gìn môi trường sống xung quanh trẻ sơ sinh luôn được trong lành, sạch sẽ, an toàn và khử trùng thường xuyên các loại đồ dùng cho trẻ để hạn chế tình trạng dị ứng và nguy cơ nhiễm khuẩn trong giai đoạn sức đề kháng của trẻ còn rất yếu.
Theo khoe.online tổng hợp