Biến động của dịch sốt xuất huyết những ngày qua

Dịch sốt xuất huyết bùng phát nhiều nơi với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ lây lan nhanh khiến người dân vô cùng hoang mang và lo lắng. Tính trong 7 tháng đầu năm 2017 đã có gần 60.000 trường hợp mắc bệnh, hơn 50.000 trường hợp nhập viện và 17 ca tử vong. Nắm bắt những thông tin biến động về bệnh giúp người dân nắm bắt được những thông tin cơ bản về dịch sốt xuất huyết và có phương pháp phòng chống kịp thời.

Tình hình dịch sốt xuất huyết

Sáng 26/7, Bộ Y tế đã có buổi gặp báo chí thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng thời gian vừa qua. Cuộc họp có sự tham gia của nhiều lãnh đạo bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội.

Những biến động về dịch sốt xuất huyết hiện nay
Ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017 cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017 cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc (Trong đó có hơn 50.000 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp đã tử vong.

Nguyên nhân bùng nổ dịch

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Hơn nữa, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

“Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối”, ông Phu nêu rõ.

Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…, không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Quận Đống Đa, Hà Nội có nhiều người bị sốt xuất huyết nhất

Cục Trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và thực tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá, theo phân tuyến điều trị, trong số các ca nhập viện có nhiều ca thuộc tuyến điều trị tại bệnh viện quận, huyện, bệnh viện thuộc tuyến thành phố Hà Nội.

“Theo số liệu báo cáo từ đầu năm 2017 đến nay, tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã điều trị nội trú 944 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó riêng người bị sốt xuất huyết tại Hà Nội là 798 ca (chiếm 85% số người bệnh). Trong số người bị sốt xuất huyết thì tại quận Đống Đa có 218 ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, tại quận Hoàng Mai 207 ca, quận Thanh Xuân 63 ca, quận Hai Bà Trưng 54 ca”, ông Khuê nêu dẫn chứng.

Những biến động của dịch sốt xuất huyết những ngày qua
Quận Đống Đa, Hà Nội có nhiều người bị sốt xuất huyết nhất

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, lứa tuổi từ 15-35 và từ 35-45 có người bệnh mắc cao nhất, tỷ lệ trẻ em 5-7%. Đa số ca bệnh đang trong lứa tuổi đi học và lao động. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục Trưởng Cục Khám, chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép bệnh nhân. Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Sẵn sàng hỗ trợ cho các tuyến dưới khi có yêu cầu, khi chuyển viện không an toàn.

Trả lời câu hỏi về nghi vấn một bé gái 8 tuổi tử vong ở tổ 4, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội ngày 23/7 vừa qua, ông Khuê cho biết, cháu bé bị tử vong là do chảy máu chân răng, nôn ra máu, chảy máu đường tiêu hoá nên bị sốc nhiễm khuẩn chứ không phải là chết do bị sốt xuất huyết.

Cảnh báo về các trường hợp bị mắc bệnh sốt xuất huyết khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết các gia đình khi thấy bệnh nhân bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được cho uống thuốc kháng sinh, chỉ cho uống nhiều nước, đảm bảo đủ dinh dưỡng để tránh rối loạn điện giải.

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng các dụng cụ chống muỗi

Để chống muỗi an toàn, hiệu quả, ngoài việc vệ sinh, quét dọn nơi sinh sống, che đậy các dụng cụ chứa nước… bạn có thể sử dụng các thiết bị đơn giản sau:

Vợt muỗi điện

Thiết bị vợt muỗi điện rất phổ biến hiện nay để diệt muỗi, ruồi hay các loại côn trùng nhỏ. Máy hoạt động dựa trên nguồn điện từ ổ cắm điện và phát ra công suất điện nhỏ đủ để diệt côn trùng.

Ưu điểm của sản phẩm này là thiết kế gọn nhẹ. Giá của một chiếc vợt cũng chỉ vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, khuyết điểm là vợt tốn thời gian cắm điện và người dùng phải liên tục cầm vợt để đuổi và diệt muỗi.

Bình xịt muỗi

Bình xịt muỗi hay còn gọi là thuốc diệt muỗi là phương pháp diệt muỗi cơ bản và rất phổ biến. Ưu điểm của cách này là giá tiền khá rẻ, khoảng 20.000 đ/chai.

Nhược điểm của phương pháp này là ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, nhất là những sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Mùi của thuốc diệt muỗi khá khó chịu. Do đó, nếu chọn cách này để diệt muỗi, bạn nên chọn những sản phẩm uy tín, có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Máy đuổi muỗi

Máy đuổi muỗi là thiết bị chống muỗi hiện đại. Nguyên tắc hoạt động của loại máy đuổi muỗi này là phát ra tiếng vo ve của muỗi đực, chuồn chuồn, hay thạch sùng giúp xua đuổi hiệu quả một số loại muỗi.

Ưu điểm của thiết bị này là dễ sử dụng, chỉ cần cắm vào ổ cắm điện và đèn led sáng màu xanh là sử dụng ngay. Phạm vi hoạt động của máy trong khoảng 30 m2 rất thích hợp dùng trong phòng rộng. Tuy nhiên, giá khá cao và có phần hơi cồng kềnh.

Tại cửa hàng bán đồ điện máy hoặc cửa hàng bán đồ cho trẻ em, máy đuổi muỗi tinh dầu giá từ 105.000 – 200.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, bạn cần mua thêm một lọ tinh dầu chống côn trùng, giá 105.000 đồng, có thể chống muỗi, gián, kiến, vắt, bọ chét…

Đèn bắt muỗi

Đèn diệt muỗi được khá nhiều người dùng hiện nay. Đèn phát ra ánh sáng thu hút muỗi lại gần dải kim loại có điện thế thấp rồi tiêu diệt. Hầu hết các sản phẩm đèn bắt muỗi hiện nay sử dụng mùi hương được kết hợp giữa CO2 và hơi nước để hấp dẫn côn trùng hút máu người nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Vì kích thước nhỏ gọn và khá nhẹ nên việc di chuyển dễ dàng. Bạn có thể sử dụng nó để thay cho đèn ngủ vì ánh sáng để hấp dẫn muỗi cũng tương tự với ánh sáng đèn ngủ, phù hợp với những gia đình có không gian chật chội.

Công suất sử dụng không lớn (chỉ khoảng 6-20W tùy sản phẩm) nên bạn không phải lo nghĩ đến vấn đề tiền điện. Đặc biệt với một mức giá khá rẻ thì đây đang là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trên thị trường online, đèn đuổi muỗi, vòng chống muỗi có xuất xứ Nhật, Hàn, Trung Quốc. Giá mỗi loại thiết bị này cũng rất phong phú, đèn đuổi muỗi Trung Quốc có giá 200.000 đồng, vòng đuổi muỗi cho bé có giá 150.000 – 250.000 đồng/chiếc tùy xuất xứ…

Lưới chống muỗi giá rẻ

Bộ lưới chống muỗi này bao gồm một tấm lưới kích thước 1,3×1,5 m và một cuộn băng móc. Cuộn băng móc dùng để dính vào viền cửa sau đó dính tấm lưới lên.

Chỉ sau một vài phút, bạn đã có được một tấm lưới chống muỗi hiệu quả. Sản phẩm thích hợp cho nhiều loại cửa sổ, phù hợp với những căn hộ nhỏ, nhà sinh viên, chung cư…

Ngoài ra, để chống muỗi đốt, bạn có thể sử dụng các sản phẩm kem bôi có mùi thơm dễ chịu lại giúp chống muỗi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, các loại thuốc xịt, kem chống muỗi giữ hiệu quả không lâu, có những sản phẩm chứa thành phần gây kích ứng cho da trẻ nhỏ, khiến nốt muỗi đốt bị sưng. Do đó nên hạn chế dùng.

Đặc biệt, nếu dùng nhang đuổi muỗi phải đặc biệt cẩn thận vì các sản phẩm không xuất xứ có thể gây ung thư. Các chất hóa học tồn dư sẽ bám vào tường và các vật dụng trong nhà. Do đó, nhà có trẻ em và người cơ địa mẫn cảm, dễ bị viêm da dị ứng thì không nên dùng.

Trên đây là những biến động của dịch sốt xuất huyết trong những ngày vừa qua. Có thể thấy bệnh bùng phát khá nhanh và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, để phòng tránh bệnh hiệu quả bạn nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống, tiêu diệt tác nhân gây bệnh muỗi vằn và có chế độ ăn uống phù hợp nâng cao sức đề kháng.

Theo Khoe.online tổng hợp 

Bình luận