Cách dùng thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng
Tác giả: huong
Trong giai đoạn thời tiết thay đổi thay đổi thất thường, trẻ nhỏ thường có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng thường xuyên. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng viêm mũi dị ứng có thể trở nên nghiêm trọng, biến chứng thành viêm xoang, viêm đường hô hấp. Thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng là một trong những giải pháp thường được áp dụng. Tuy vậy cách dùng thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng thế nào cho hiệu quả?
- Trị viêm mũi dị ứng bằng dân gian hiệu quả tại nhà
- Viêm mũi dị ứng ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Đặc điểm thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng
Thuốc xịt mũi chứa steroid là một trong những thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng. Điều quan trọng là dùng thế nào cho an toàn và đạt hiệu quả tối ưu nhất…
Viêm mũi dị ứng được định nghĩa bởi tập hợp các biểu hiện cơ năng của viêm mũi liên quan đến lượng IgE tăng trong máu gây ra các biểu hiện xảy ra ở niêm mạc mũi sau khi bị tiếp xúc với chất gây dị ứng. Biểu hiện của người bệnh là hắt hơi từng tràng, ngứa họng, ho. Đây cũng là một bệnh dị ứng thường gặp. Tại Mỹ, thống kê có từ 20-40 triệu người mắc được chẩn đoán mới trong năm, trong đó 10-30% người lớn và 40% trẻ em. Tuy không phải là một bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng lại làm cho chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh suy giảm, làm việc không hiệu quả do ngạt mũi làm thiếu ôxy cung cấp cho cơ thể, hắt hơi từng tràng nên giao tiếp khó khăn…. Viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện theo mùa hoặc quanh năm, nếu không được điều trị viêm mũi dị ứng thường dẫn đến viêm mũi xoang có polip, hội chứng xoang phế quản, biến chứng mắt do viêm xoang.
Tác dụng thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng
Qua nghiên cứu các biểu hiện đặc trưng của viêm mũi dị ứng, người ta nhận thấy việc sử dụng các thuốc xịt mũi steroid có tác dụng chống lại phản ứng ngay tại niêm mạc mũi có kết quả hữu hiệu. Bên cạnh giảm triệu chứng tức thì của dị ứng tại cơ quan đích, thuốc chỉ hấp thu toàn thân từ 2 – 10% nên cũng có giá trị giảm lượng IgE trong máu trở về trạng thái bình thường mà ít tác dụng phụ trên toàn thân.
Các loại steroid xịt mũi thông dụng hiện nay thường có thành phần như fluticasone, mometasone furoate…
Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc xịt mũi điều trị viêm mũi dị ứng theo đúng chỉ định của thầy thuốc, vì đây là thuốc có thể phải dùng dài ngày nên cần đề phòng tác dụng phụ, đặc biệt trên tuyến thượng thận của thuốc.
Thuốc có tác dụng ngăn chặn triệu chứng: chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi làm nước sau mũi chảy xuống họng gây viêm họng, viêm thanh quản và viêm phế quản (con đường gây biến chứng chính của viêm mũi dị ứng xuống đường hô hấp dưới). Điểm quan trọng là những thuốc xịt mũi chứa chất steroid thường không tác dụng ngay, cần khoảng vài ngày đến một tuần thuốc mới phát huy tác dụng, vì vậy người bệnh cần kiên trì khi sử dụng.
Cách sử dụng thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng
Tùy theo tình trạng tổn thương niêm mạc mà thầy thuốc quyết định chọn thuốc, liều lượng phù hợp. Thông thường, trong 2 tuần đầu thuốc được xịt 2 lần/ngày vào sáng và tối, mỗi mũi xịt 2 nhát xịt, khịt nhẹ nhàng sau khi xịt mũi. Sau đó có thể giảm liều tùy theo diễn biến bệnh. Nếu tình trạng bệnh thuyên giảm, thuốc thường được giảm liều xịt ngày 1 lần (trong 1 tháng), sau đó giảm dần theo diễn biến của người bệnh trong vòng 6 tháng đến khi bệnh ổn định. Việc sử dụng thuốc có thể lặp lại theo chu kì tùy diễn biến bệnh.
Nếu sử dụng steroid xịt mũi hợp lý tình trạng thuyên giảm bệnh có thể lên tới trên 90%, đặc biệt là ngăn chặn biến chứng xuống phế quản của viêm mũi dị ứng.
Cần lau sạch đầu lọ xịt bằng cồn và nước muối 0,9% trước mỗi lần xịt mũi. Thuốc phải để ở nơi mát, dưới 25 độ, tránh ánh nắng tác động vào lọ thuốc. Sử dụng một lọ thuốc tối đa 1 tháng.
Cẩn thận với trường hợp tác dụng phụ
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu người bệnh thấy có những biểu hiện bất thường cần thông báo cho thầy thuốc biết. Một trong những tác dụng không mong muốn đó là gây nấm Candida miệng – họng – mũi (do thuốc gây giảm sức đề kháng của hệ thống niêm mạc nơi tiếp xúc). Thuốc cũng có thể gây chảy máu mũi (đặc biệt là về mùa khô), khàn giọng (do tác dụng trực tiếp của thuốc hít trên dây thanh gây kích ứng dạng dị ứng, dây thanh nề, phù Reinke thanh quản dẫn đến khó điều trị). Các tình trạng kích động, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, thay đổi tâm thần, tim đập mạnh… có thể gặp nhưng rất hiếm. Các triệu chứng như kích thích dạ dày – ruột, đắng miệng, chán ăn, thèm ăn, khô miệng, khô họng, mất vị giác… có thể gặp, chúng sẽ mất đi sau khi dừng hoặc giảm liều thuốc xịt mũi khoảng ba ngày.
Theo báo Sức khỏe đời sống.