Tỷ lệ trẻ mắc bệnh tăng động ngày càng nhiều
Tác giả: uyennguyen
Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường hiếu động quá mức và khả năng tập trung kém nên dẫn đến kết quả học tập giảm sút.
Sáu tháng đầu năm 2017, khoa tâm lý – tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận 2.130 trẻ em đến khám vì rối loạn tăng động giảm chú ý (bệnh ADHD). Trong khi cùng kỳ 2016 chỉ có 1.680 trẻ đến khám vì bệnh này. Riêng tháng 7-2017, khoa này tiếp nhận đến 400 trẻ đến khám vì ADHD.
Theo BS Nguyễn Thị Giang : “Ở nước ngoài trẻ bị bệnh ADHD luôn có một êkip điều trị gồm bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý, nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, bác sĩ học đường… Tại VN, những trẻ này khi đến trường còn bị thầy cô cho là trẻ chống đối, khó dạy, bướng bỉnh, muốn đẩy các em đi nơi khác. Điều này càng khiến trẻ mặc cảm, chống đối hơn”.
Trẻ thường có biểu hiện quậy phá, mơ màng
Mới đây, chị H.T.T. (33 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) đưa con là bé N.T.P. (9 tuổi) đến khoa tâm lý – tâm thần trẻ em tái khám. Bé P. đã được điều trị ba tháng tại khoa này vì bị bệnh rối loạn giảm chú ý, rối loạn hỗn hợp về cư xử và cảm xúc.
Chị T. phát hiện con bất thường khi bé mới 18 tháng tuổi vì bé chậm nói, khó ngủ. Chị đã đưa con đi tập nói, trị bệnh ở một số nơi.
Năm 2016 thấy con có biểu hiện học không tập trung kéo dài, kết quả học không bằng các bạn nên chị đưa con đến khoa tâm lý – tâm thần trẻ em để khám.
Sau nghe nhiều người nói “nó bình thường, có gì đâu mà cứ cho uống thuốc hoài, có khi bị tâm thần” nên chị không đưa con đi tái khám. Qua năm 2017, cô giáo thường phàn nàn bé P. không tập trung, mơ màng khi ngồi học, hay nhìn trời nhìn đất, ngó ngang ngó dọc.
Cô cho P. ngồi bàn thứ nhất, đối diện với cô nhưng sự tập trung của P. rất ngắn. Ở nhà cha mẹ kêu đi tắm, làm gì cũng phải nói rất nhiều lần bé P. mới làm.
“Cháu bắt đầu điều trị đều trở lại từ tháng 4-2017. Hiện cháu trầm hơn, cô giáo khen không còn xao nhãng, đã tập trung và biết chú ý lắng nghe” – chị T. kể.
Cùng ngày khám với bé P., tại khoa tâm lý – tâm thần trẻ em có hàng chục bệnh nhi đến khám bệnh ADHD. Các bé không thể ngồi yên một chỗ, liên tục chạy nhảy, nghịch phá, leo lên bàn, mở cửa tủ, vác ghế để lên đầu quay vòng vòng, nói năng rất tự nhiên…
Hay bị xếp vào học sinh cá biệt
Bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa tâm lý – tâm thần trẻ em, cho biết bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi rối loạn trong chú ý, tập trung, mức độ hoạt động và kiểm soát xung động. Đây là bệnh có yếu tố đa nguyên nhân và mang xu hướng di truyền.
Các triệu chứng bệnh khởi phát ở độ tuổi rất nhỏ, có thể kéo dài suốt cuộc đời và cùng tồn tại với các rối loạn tâm thần khác. Trẻ bị bệnh này có chỉ số thông minh (IQ) thấp, có ít lòng tự trọng và kỹ năng xã hội kém.
Nếu bố mẹ tinh ý sẽ phát hiện được khi trẻ chưa biết đi: trẻ hay chòi đạp, liên tục vận động, khi ngủ mới không chòi đạp. Khi biết đi từ 15-16 tháng, bé chỉ chạy, luôn leo trèo, phá phách, không bao giờ ngồi yên.
Đến tuổi đi học, trẻ thường gây xáo trộn cả lớp, quậy phá liên tục, nói rất nhiều, tay chân không bao giờ để yên. Có khi cô đang dạy, trẻ tự ý đứng dậy đi lung tung trong lớp hoặc đi ra ngoài, có khi muốn nói gì thì nói…
Trẻ bị bệnh ADHD thường bị bạn bè ghét bỏ, thầy cô kỳ thị, phạt đòn vì cho là trẻ ngỗ ngược, khó dạy, thậm chí khép các em vào loại học sinh cá biệt.
Cha mẹ của trẻ hay bị thầy cô mời vào gặp, bị mắng vốn và dọa sẽ trả về nhà vì làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em khác, ảnh hưởng thành tích của thầy cô.
Theo bác sĩ Giang, khi trẻ có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý cần đưa tới bác sĩ chuyên khoa khám để có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Điều trị rất quan trọng
“ADHD là bệnh cần điều trị lâu dài. Trẻ dưới 6 tuổi được trị liệu tâm lý là chính, nhưng cũng phải dùng thuốc nếu bệnh quá nặng. Trẻ trên 6 tuổi sẽ ưu tiên điều trị thuốc đặc hiệu, kết hợp với trị liệu hành vi.
Việc điều trị cho bé còn bằng biện pháp tư vấn, huấn luyện cho cha mẹ, can thiệp giáo dục phù hợp, được nhà trường và thầy cô giáo quan tâm hỗ trợ” – bác sĩ Giang nói.
Điều trị ADHD rất quan trọng, giúp tránh được những ảnh hưởng xấu về sau cho trẻ. Nếu không được điều trị, khi còn nhỏ trẻ đến trường càng bị kỳ thị, khiến trẻ chán nản, buồn rầu, mặc cảm, tự ti, sợ đi học thì kéo theo những rối loạn lo âu, ám ảnh khác.
Lâu ngày trẻ dễ bị rối loạn hành vi như bướng bỉnh, bùng nổ chống đối, cãi tay đôi với cha mẹ và dù sai cũng không bao giờ nhận lỗi, thậm chí còn đổ lỗi cho ba mẹ.
Nặng hơn, nếu không được điều trị khi vào tuổi vị thành niên trẻ hay bốc đồng, dễ bị xúi giục, thích đua xe, tụ tập băng nhóm, tăng nguy cơ nghiện thuốc lá, rượu, ma túy, tăng nguy cơ tai nạn khi chạy xe, bỏ học, dễ bị người khác dụ dỗ làm chuyện phi pháp, tăng nguy cơ mang thai ở các bé gái. Khi trưởng thành, tăng nguy cơ thay đổi công việc thường xuyên, tự tử, gặp các vấn đề về quan hệ xã hội.
Trẻ mắc chứng tăng động được phát hiện càng sớm, càng có khả năng điều trị triệt để, bằng không nếu phát hiện muộn sẽ khó phục hồi. Hiện nay, đã có những chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các bà mẹ nên tìm hiểu kỹ trước và sau quá trình sinh đẻ để có biện pháp phòng ngừa tốt nhất chứng tăng động cho trẻ. Trong trường hợp sau sinh, biện pháp tốt nhất là xây dựng môi trường sống lành mạnh, có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ phần nào tránh được chứng tăng động ở trẻ.
Theo tuoitre.vn