Ghép xương răng là gì? Kỹ thuật ghép xương răng trong cấy ghép Implant

Tác giả: admin

Ghép xương răng là một kỹ thuật cần thực hiện trước khi tiến hành trồng răng Implant. Cấy ghép xương răng đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như tăng diện tích xương hàm, hỗ trợ khả năng chống đỡ mão sứ, giảm thiểu tình trạng tiêu xương khi mất răng… Cùng tìm hiểu thêm kỹ thuật ghép xương để cấy ghép Implant trong bài viết này. 

1. Ghép xương răng là gì?

Ghép xương răng là một thủ thuật nha khoa giúp bổ sung thêm xương vào trong hàm răng nhằm tái tạo lại một phần hoặc toàn bộ hàm bị tiêu biến do mất răng. Ngoài ra, ghép xương nhằm mục đích tăng sức chống đỡ khung hàm trước khi thực hiện trồng răng Implant.  

ghép xương răng
Tiểu phẫu ghép xương răng giúp tăng thể tích chống đỡ cho khung xương hàm trước khi lắp trụ Implant

2. Vì sao phải ghép xương răng?

Khi bệnh nhân bị mất răng do di truyền, bệnh lý, tai nạn hay dùng hàm giả tháo lắp lâu ngày thì tại vị trí răng mất sẽ có hiện tượng xương mỏng dần hoặc tiêu xương. Để khắc phục tình trạng này, có thể thực hiện ghép xương răng để:

  • Mở rộng thể tích xương để tăng khả năng chống đỡ cho hàm trước khi lắp trụ Implant.   
  • Bảo toàn xương ổ răng, hạn chế hiện tượng tiêu xương khi mất răng.
  • Thúc đẩy xương hàm tái tạo xương mới.

3. Đối tượng cần ghép xương răng

Một số trường hợp cụ thể được bác sĩ chỉ định thực hiện tiểu phẫu ghép xương:

  • Bệnh nhân vừa bị mất răng do tác nhân ngoại tại như tai nạn, răng hư.
  • Bệnh nhân bị tiêu xương hàm do mất răng lâu năm.
  • Bệnh nhân có cấu trúc xương hàm yếu nên không nâng đỡ được răng.
  • Bệnh nhân bị thiếu răng bẩm sinh do rối loạn phát triển. 

Tuy nhiên, phương pháp ghép xương răng chống chỉ định với một vài trường hợp:

  • Bệnh nhân đang thực hiện xạ trị, hóa trị tại vùng cần ghép xương. 
  • Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp, máu không đông.
  • Bệnh nhân nghiện chất kích thích. 

Xem thêm: Mất răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm?

cấy ghép Implant nha khoa
Bệnh nhân mất răng do di truyền, tai nạn hay cấu trúc xương hàm yếu nên thực hiện ghép xương răng trước khi trồng răng Implant

4. 4 kỹ thuật ghép xương răng cơ bản

Để thực hiện quy trình ghép xương răng, bạn có thể chọn 1 trong 4 kỹ thuật ghép xương sau:

4.1. Ghép xương tổng hợp

Ghép xương tổng hợp là phương pháp ghép xương bằng vật liệu tổng hợp từ Calcium Phosphate. Kết cấu của vật liệu này gần giống với xương người để tạo khả năng tương thích với xương răng bệnh nhân. 

  • Ưu điểm: Chi phí thấp, vật liệu dễ tìm và không cần thực hiện nhiều lần. 
  • Nhược điểm: Hiệu quả tương thích thấp.

4.2. Ghép xương dị chủng

Ghép xương dị chủng là cách dùng xương từ thân thể người hiến tặng hoặc động vật để lắp vào cơ thể người bệnh. 

  • Ưu điểm: Sử dụng nguồn xương có sẵn trong kho nên không phải chờ đợi lâu.
  • Nhược điểm: Tỷ lệ thành công thấp, chi phí cao và khó tìm được mẫu xương thích hợp nên ít khi được sử dụng trong ghép xương răng. 

4.3. Ghép xương đồng chủng

Ghép xương đồng chủng là phương pháp dùng phần xương của một người khác, có sự tương thích với người bệnh để lắp vào vị trí xương hàm. Cách thực hiện của phương pháp này tương tự với ghép xương tự thân. 

  • Ưu điểm: Đảm bảo độ tương thích giữa hai phần xương. 
  • Khuyết điểm: Vật liệu khó tìm. 

4.4. Ghép xương tự thân

Ghép xương tự thân là phương pháp dùng một phần xương ở vùng khác trên cơ thể như má, cằm để lắp vào xương răng. 

  • Ưu điểm: Tỷ lệ thành công tuyệt đối vì luôn đảm bảo được độ tương thích giữa hai phần xương. 
  • Nhược điểm: Cần thực hiện ít nhất 2 lần mới hoàn thiện được nên tạo cảm giác hoang mang, lo sợ cho người bệnh. Hơn nữa, chi phí thực hiện cao và phải có giấy phép từ Bộ Y tế nên rất ít cơ sở thực hiện được. 

5. Quy trình ghép xương răng nhân tạo

Ghép xương răng là một tiểu phẫu nha khoa nên thời gian thực hiện gói gọn trong 10 – 15 phút cho 1 đơn vị răng Implant. Mặc dù là tiểu phẫu nhưng cần đáp ứng quy trình 5 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Kiểm tra tình trạng răng miệng, tư vấn và quyết định phương pháp ghép xương. 

Bước 2: Thực hiện vệ sinh răng miệng kỹ càng và gây tê trước khi ghép.

Bước 3: Mở vạt lợi để tiếp cận với vị trí xương hàm cần tiến hành ghép xương.

Bước 4: Ghép xương và cố định xương hàm theo phương pháp đã thống nhất với bệnh nhân. 

Bước 5: Đóng vạt lợi. 

6. Ghép xương răng có đau không?

Khi cấy ghép xương răng, phần ghép được bác sĩ phẫu thuật gây tê cục bộ nên bạn sẽ không có bất kỳ cảm giác đau nhức nào. Tuy nhiên, sau khi thuốc hết tác dụng, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê và hơi nhức tại vùng ghép xương vì tiểu phẫu này tác động vào vùng nhạy cảm là nướu và lợi. Cơn đau sẽ nhanh chóng qua đi trong 1 – 2 tiếng. 

quá trình ghép xương răng
Trong quá trình ghép xương răng, hàm được gây tê cục bộ để hạn chế tối đa cảm giác đau cho người bệnh

7. Chi phí ghép xương răng là bao nhiêu?

Chi phí ghép xương phụ thuộc vào độ phức tạp, phương pháp thực hiện bạn yêu cầu, trình độ bác sĩ thực hiện, máy móc hỗ trợ… Mức giá ghép xương dao động: 10.000.000 – 15.000.000 VND cho 1 đơn vị răng, trường hợp phức tạp có thể lên đến 70.000.000 – 80.000.000 VND.

8. Những lưu ý trước và sau khi ghép xương răng

Để quy trình ghép xương trong cấy ghép Implant đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần lưu ý một vài điểm như sau:

  • Trước khi ghép xương răng: Cần điều trị dứt điểm các bệnh lý về răng miệng. Đồng thời, không dùng chất kích thích ít nhất 2 tuần trước khi thực hiện vì các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tế bào xương và gây tiêu xương nhanh chóng. 
  • Sau khi ghép xương răng: Không khạc nhổ trong 1 giờ đầu sau ghép. Ngoài ra, nên dùng thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn trong 7 – 10 ngày đầu để giảm đau, cầm máu và tái khám theo chỉ định. Nếu có cảm giác đau nhức và chảy máu kéo dài thì bạn nên lập tức đến bác sĩ kiểm tra và xử lý để hạn chế viêm nhiễm răng miệng. 

Với những thông tin về ghép xương răng trong bài viết này, hy vọng bạn đã biết tổng quan về phương pháp ghép xương để cấy ghép Implant thuận lợi và xử lý hiệu quả vấn đề tiêu xương do mất răng. Để quá trình ghép đạt chất lượng tốt nhất, cần kết hợp chăm sóc, vệ sinh răng miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật.