Nhiễm virus Zika có được hôn môi?

Tác giả: uyennguyen

Ngoài 3 con đường lây truyền như từ mẹ sang con, đường máu và tình dục, hiện nay có rất nhiều thắc mắc rằng liệu rằng nhiễm virus Zika có được hôn môi không?

Từ khi dịch Zika bùng nổ, các nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy virus này nằm trong nhiều loại dịch cơ thể của người bệnh, như máu, nước bọt, tinh dịch…, đưa đến nguy cơ mầm bệnh lây truyền từ người sang người, bên cạnh đường lây qua vật chủ trung gian là muỗi.

Bên cạnh đường máu và đường lây từ mẹ sang con, người bị bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cũng được khuyến cáo phải tiếp cận tình dục an toàn (dùng bao cao su) và không hôn môi, bởi lẽ mối nguy lây nhiễm qua nước bọt – nơi virus Zika có thể tồn tại cho đến hai tuần sau khi nhiễm bệnh. Tuy chưa có những khẳng định hoàn toàn chắc chắn, nguy cơ lây nhiễm qua hôn môi cũng là mối lo ngại lớn.

Nhiễm virus Zika có được hôn môi?
Virus Zika lây qua 3 con đường từ mẹ sang con, đường máu và tình dục

Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health – NIH) ủy nhiệm đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và đưa ra lời khẳng định: bạn hoàn toàn không phải sợ bị nhiễm bệnh khi hôn môi hoặc dùng chung một chiếc muỗng, nĩa ăn. Các kết luận này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 1/8.

Nghiên cứu về nước bọt này được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ từ năm 2016, với nhiều ê-kíp nghiên cứu cùng thực hiện song song nhiều khảo sát, thử nghiệm. Một trong những bước quan trọng của nghiên cứu là một thí nghiệm dựa trên các cá thể nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh thuộc loài khỉ Rhesus Macaque ở Viện Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Wisconsin. Kết quả cho thấy không có con khỉ lành nào bị nhiễm bệnh từ những con khỉ mang virus Zika, dù đã bị đưa nước bọt của khỉ bệnh vào mũi, họng, mắt.

Một số thử nghiệm khác cũng cho kết quả rất bất ngờ. Matthew Aliota, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Y khoa Thú y UW-Madison đã tiến hành thí nghiệm với nước bọt khỉ. Khi ông thêm nước bọt khỉ vào các khay chứa virus Zika trong phòng thí nghiệm, nước bọt này làm giảm hẳn khả năng lây nhiễm của virus sang các tế bào.

Trong khi đó, một ê-kíp khác thuộc nhóm nghiên cứu thực nghiệm UW-Madison Zika khẳng định nước bọt của loài linh trưởng, trong đó có con người, là một chất dẻo dai, nên ngoài khả năng làm giảm khả năng lây nhiễm của virus còn ngăn trở cả sự di chuyển của chúng đến các tế bào. Thực tế, nước bọt cũng có khả năng gây nhiễm bệnh, nhưng muốn truyền được bệnh thì hàm lượng virus có trong nước bọt phải cực kỳ cao, gấp nhiều lần so với mức virus đo lường được trong nước bọt của các bệnh nhân Zika.

Zika đã từng tạo nên một làn sóng toàn cầu vào năm 2016, khiến dư luận nhiều nước xôn xao, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu về căn bệnh này đã khẳng định loại virus này không hề nghiêm trọng, thậm chí còn nhẹ hơn rất nhiều so với sốt xuất huyết, và không để lại hậu quả gì nếu người mắc bệnh không mang thai.

Với thai phụ, nhiễm Zika có thể dẫn đến dị tật thai nhi, tỷ lệ nguy cơ nằm ở mức 1-10% thai phụ nhiễm bệnh, theo nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới. Nguy cơ dị tật thai nhi cao nhất nếu thai phụ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Virus Zika có tồn tại trong tuyến nước bọt sau 2 tuần nhiễm bệnh nhưng không có khả năng lây lan vì hàm lượng virus trong nước bọt thường thấp. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn nên hạn chế số lần hôn nhau cũng như có biện pháp bảo vệ khi quan hệ để phòng tránh lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này nhé!

Theo Zing.vn