Tự dưng bị đau cổ: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Tác giả: huong
Tình trạng tự dưng bị đau cổ không chỉ đơn giản là cảm giác nhức mỏi, khó chịu thông thường mà nó còn là dấu hiệu bệnh lý cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân gây đau cổ là gì và làm thế nào để điều trị dứt điểm?
1. Nguyên nhân gây đau cổ
Căng cơ: những thói quen không tốt hoặc do tính chất nghề nghiệp có thể làm căng cơ cổ, gây đau nhức như:
- Vặn, bẻ mạnh cổ khi nhức mỏi.
- Thường xuyên cúi đầu để xem điện thoại hoặc đọc sách.
- Nằm gối cứng, quá cao hoặc quá thấp.
- Nằm nghiêng, người cong quắp quá lâu.
- Nghiến răng.
- Ngủ trên ghế hoặc ngủ gục mặt trên bàn.
- Nằm xem Tivi.
- Xoay cổ đột ngột ra phía sau.
- Ăn uống sơ sài, không đủ bữa khiến cơ thể thiếu chất.
- Hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo…
- Những người thường xuyên phải vận động vùng cổ như thợ sửa điện, thợ cắt tóc, thợ may, bác sĩ, tài xế, nhân viên văn phòng…
Mòn khớp: thường xảy ra ở người trung niên , khớp xương bị lão hoá theo tuổi tác, gây ra những cơn đau nhức ở vùng cổ.
Nén thần kinh: các vấn đề về đốt sống cổ làm giảm không gian của các bó dây thần kinh và tuỷ sống như:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép lên các bó dây thần kinh và tuỷ sống, gây đau nhức kéo dài.
- Thoái hoá cột sống cổ: tình trạng viêm dày, lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh, khiến người bệnh cảm thấy tê mỏi, đau nhức.
- Cựa xương: khớp xương cổ phát triển nhấn vào dây thần kinh gây đau.
Chấn thương: những va chạm do tai nạn hoặc tác động mạnh từ bên ngoài lên vùng cổ gây ra các chấn thương vùng cổ, làm đau cổ về lâu dài.
Nhiễm trùng: nếu đau cổ kèm theo sốt, đau đầu, sợ ánh sáng và tiếng động thì đây là triệu chứng của nhiễm trùng do các bệnh lý như não mô cầu, viêm màng não…gây ra.
Một số bệnh lý ít gặp: các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, ung thư…cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đau cổ.
2. Các triệu chứng kèm theo
Cơn đau không chỉ xuất hiện đột ngột ở vùng cổ và xung quanh vùng cơ cổ mà còn có thể lan rộng ra hai bả vai, hai cánh tay và bàn tay hoặc lan toả lên vùng thái dương và đầu, gây đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.
Phần cổ khi đau sẽ căng cứng, đau buốt ở 1 số điểm nhất định. Cơn đau cổ tăng khi xoay chuyển cổ hoặc ho, hắt xì… Hai cánh tay và bàn tay cũng cảm thấy tê nhức, các đầu ngón tay có cảm giác như kim châm hoặc ngứa ran. Bàn tay kém linh hoạt, khó thực hiện các hoạt động tỉ mỉ, khéo léo.
Nếu đau cổ xuất phát từ các bệnh lý nghiêm trọng có thể sẽ kèm theo sốt, chóng mặt dữ dội, buồn nôn, sợ ánh sáng và tiếng động…
3. Các phương pháp giảm đau tạm thời
Massage: Thực hiện phương pháp massage mỗi khi cơn đau cổ xuất hiện giúp các bó cơ đang bị căng cứng được thư giãn và nghỉ ngơi.
Cách làm: Đầu tiên chà xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng ấm, sau đó thoa vào 1 ít dầu nóng hoặc tinh dầu. Đưa hai bàn tay lên cổ và xoa bóp nhẹ nhàng trong vài phút để dầu thấm vào cổ. Vuốt nhẹ những vùng cơ bị căng cứng, dùng đầu ngón tay day ấn điểm đau nhất từ 2 – 3 phút. Cuối cùng, đấm nhẹ vùng cổ và bả vai đang nhức mỏi.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Phương thức chườm lạnh hoặc chườm nóng giúp gia tăng lưu thông máu, làm dịu các cơn đau nhức ở vùng cổ.
Cách làm: Sử dụng túi nước đá (hoặc túi đậu xanh đông lạnh) để xoa nhẹ nhàng lên vùng cổ đau nhức. Người bệnh có thể thay thế luân phiên bằng cách dùng túi nước nóng (hoặc túi muối hột rang) đắp lên vùng đau, cơn đau sẽ giảm bớt tức thì.
Tập các động tác xoay cổ: Xoay chuyển cổ nhẹ nhàng cúi xuống rồi ngửa lên, nghiêng sang trái rồi nghiêng sang phải trong 1 – 2 phút sẽ giúp vận động, kéo giãn các cơ cổ bị căng cứng.
4. Cách điều trị các triệu chứng đau cổ
Các cơn đau cổ thường biến mất trong vài ngày nếu được chăm sóc và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn có 1 số trường hợp cơn đau ngày càng trầm trọng, thậm chí xuất hiện các biến chứng nguy hiểm kèm theo. Lúc này, người bệnh cần phải đến các trung tâm y tế để thăm khám và chữa trị kịp thời. Sau đây là một số phương pháp điều trị các cơn đau vùng cổ:
- Thuốc Tây: sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm theo sự chỉ định của Bác sĩ. Tuy nhiên điều trị bằng thuốc Tây tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không thực hiện theo đúng chỉ dẫn của Bác sĩ hoặc bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc, gây nóng trong người.
- Tập vật lý trị liệu: các động tác vật lý trị liệu, nắn chỉnh cột sống, phục hồi đường cong sinh lý của cột sống cổ. kết hợp với đó là các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt chuyên môn có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức cổ sau vài ngày.
- Phẫu thuật: đối với các cơn đau trầm trọng do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hoá, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định tiến hành phẫu thuật để ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.
5. Làm sao để ngăn ngừa tình trạng tự dưng bị đau cổ
- Dành ra 10 – 15 phút nghỉ ngơi khi bắt đầu có các dấu hiệu nhức mỏi ở cổ.
- Xoa bóp cổ nhẹ nhàng khi nhức mỏi, tránh vặn, bẻ cổ đột ngột.
- Tránh nằm coi Tivi, cuối đầu xem điện thoại hoặc đọc sách.
- Không nằm gục mặt trên bàn hoặc ngủ trên ghế.
- Chọn gối nằm mềm mại, có độ cao thích hợp.
- Luôn giữ thẳng cột sống khi đi, đứng, bưng bê, kể cả lúc ngủ.
- Khi xoay cổ ra phía sau, nên xoay luôn cả người.
- Tránh ăn các thực phẩm nhiều chất béo, uống nước ngọt, rượu bia, cà phê…
- Không hút thuốc lá.
- Ăn đúng bữa, bổ sung thêm Canxi từ các loại hải sản, sữa, trứng…và Vitamin A, C, K, D từ rau, củ, quả và trái cây.
- Uống 2 lít nước mỗi ngày.
- Tập luyện các môn thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh…giúp xương khớp và các bó cơ luôn linh hoạt, khoẻ mạnh, giữ ổn định trọng lượng cơ thể.
Tự dưng bị đau cổ là tình trạng phổ biến, hay xảy ra ở những người thường xuyên hoạt động khớp cổ nhưng chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi không hợp lý. Tuy nhiên, nếu sau 2 – 3 ngày áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà vẫn không có sự thuyên giảm, người bệnh nên chủ động đến các cơ sở y tế để thăm khám và có phương pháp điều trị tốt nhất.