Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè

Tác giả: uyennguyen

Mùa hè nhiệt độ cao, cơ thể mất nhiều nước gây mệt mõi, sức đề kháng yếu nên đây là thời điểm có khá nhiều dịch bệnh khởi phát. Đặc biệt, ở trẻ em vì sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm là rất cao. Nắm được một số kiến thức cơ bản về các bệnh thường xảy ra ở bé vào mùa nắng nóng giúp các ông bố bà mẹ có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Vậy những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè là bệnh nào? Cùng Khoe.online tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè

1. Sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ y tế, đến thời điểm này cả nước có gần 80.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 22 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn, bệnh có nhiều tuýp do đó nếu trẻ đã mắc bệnh thì vẫn có nguy cơ tái phát, thậm chí nặng hơn. Do đó, rất nhiều cha mẹ chủ quan để trẻ nhập viện muộn và dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu cơ bản để nhận bệnh là sốt cao, xuất huyết dưới da để lộ những chấm màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm hoặc chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, đau bụng, trẻ mệt, li bì, vật vã, tay chân lạnh, tiểu ít có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Dấu hiệu cơ bản để nhận bệnh là sốt cao, xuất huyết dưới da để lộ những chấm màu đỏ, đốm đỏ

Cần đưa trẻ đi viện nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết. Tuyệt đối không được điều tại nhà vì có thể để lại biến chứng nguy hiểm ở não và gây tử vong nếu điều trị muộn.

2. Sốt virus

Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho… Khi bị sốt do virut, triệu chứng sốt có thể duy trì trong vài ngày, dùng thuốc hạ sốt thông thường, thân nhiệt cũng không giảm là bao. Sau khi đỡ sốt, trẻ có thể phát ban (hay gặp nhất là sốt do virut Rubella).

Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2- 4 của bệnh, ban thường mọc tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra, trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm.

Cần theo dõi các dấu hiệu biến chứng: đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật… để phát hiện các triệu chứng của viêm não và cần được điều trị kịp thời.

3. Tay chân miệng

Đây là bệnh tăng mạnh vào mùa hè và thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc đã tăng hơn 26%, do đó cha mẹ cần lưu ý bệnh này để phòng tránh cho trẻ. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, cách phòng duy nhất là cha mẹ phòng tránh bệnh cho trẻ khi mùa dịch đến.

Tay chân miệng có thể dẫn đến biến chứng như tiêu chảy, thần kinh, phổi… Tuy nhiên, theo nhiều ghi nhận bệnh không để lại biến chứng nặng nề về não, tứ chi như nhiều bệnh khác.

Dấu hiệu phổ biến tay chân miệng là trẻ bị sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, đau bụng, nổi bọng nước trong miệng, ban đỏ trên tay, chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2 – 5, ở giữa có màu xám sẫm và hình bầu dục. Khi bị bệnh, trẻ chán ăn, không ăn vì đau miệng, do đó cha mẹ nên cho trẻ ăn đồ mềm, mát để giảm đau cho trẻ.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Mùa hè là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em phát triển mạnh

Dấu hiệu nổi ban trên da thường không đau, không ngứa nhưng có thể kéo dài 10 ngày. Bệnh có thể tái phát nhiều lần do nhiều chủng virus gây nên do đó cha mẹ cần chú ý chăm sóc vệ sinh cho trẻ.

4. Viêm não Nhật Bản B

Mùa hè nóng nực là cơ hội cho bệnh viêm não Nhật Bản B xuất hiện và khả năng bùng phát cao. Bệnh viêm não Nhật Bản B do virut Arbo gây ra. Virut gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch).

Bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng viêm não Nhật Bản B hiệu quả nhất.

5. Viêm màng não do não mô cầu

Vào mùa hè, cha mẹ cần lưu ý đến bệnh viêm màng não do não mô cầu. Số bệnh nhân tuy không nhiều nhưng đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng khác. Bệnh lây lan qua đường hô hấp nên cảnh báo nguy hiểm, có thể tử vong trong vòng 24h khởi bệnh.

Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ, dấu hiệu nhận biết gồm sốt, bỏ bú, quấy khóc, vật vã, rên, cực kỳ mệt mỏi, không thích bế ẵm, buồn nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, lơ mơ, co giật, phát ban thành những chấm đỏ hoặc bầm tím…

Bệnh rất nguy hiểm, do đó khi nhận thấy con có dấu hiệu bệnh cần cấp cứu ngay.

6. Tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp thường do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh tiêu chảy cấp.

Triệu chứng bệnh: trẻ đi ngoài 10 – 15 lần/ngày, phân lỏng, nhiều nước, có mùi chua nhiều khi có nhầy máu; Nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn; Trẻ biếng ăn hơn, uống nhiều nước, tiểu ít; Có thể có các biểu hiện về viêm đường hô hấp như ho, chảy mũi, khám thấy viêm họng cấp, phát ban.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Tình trạng kéo dài làm cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng và cơ thể suy nhược, giảm miễn dịch.

Cha mẹ phải làm như thế nào khi bé xuất hiện dấu hiệu bất thường?

Phụ huynh phải theo dõi và can thiệp kịp thời khi trẻ sốt đột ngột, co giật. Trước lúc đưa đến bệnh viện, các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh cắt cơn co giật bằng cách lau mát bằng nước ấm. Nước ấm này thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2 độ C (ví dụ sốt 38 độ C thì lau nước 36 độ C, không nên lau bằng nước đá). Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng trẻ đang co giật, hạt chanh có thể vào đường thở, rất nguy hiểm làm trẻ lộn đường thở.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Cha mẹ cần can thiệp kịp thời khi bé có dấu hiệu sốt cao, co giật bằng cách dùng khăn ấm để hạ thân nhiệt

Ngoài ra, khi trẻ có triệu chứng ho khan không nên coi thường mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị. Nếu để lâu có thể gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi.

Trường hợp trẻ bị sốt phát ban với biểu hiện sốt, ho, ban đỏ trên da, cha mẹ nên tránh những thức ăn gây dị ứng ngoài da như cá biển, cua, ốc, thịt bò… Việc vệ sinh thân thể nên vào buổi trưa, lau nhanh bằng nước ấm. Khi trẻ bị tiêu chảy nên bù dịch bằng cách cho trẻ uống nước biển khô hoặc truyền dịch muối đường.

Nặng nhất trong mùa này là viêm màng não, nhiễm huyết não mô cầu. Dấu hiệu lâm sàng: sốt, rã rượi, nhức đầu, cổ gượng, thóp phồng (ở trẻ nhỏ), co giật lơ mơ, có dấu thần kinh định vị. Cần được chẩn đoán sớm để tránh những tổn thương não bộ. Cách phòng ngừa: tiêm chủng cho trẻ, tránh tiếp xúc với trẻ bị viêm màng não, sinh hoạt – ăn uống hợp vệ sinh.

Cần làm gì để phòng bệnh mùa hè cho trẻ

1. Vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi

Để phòng bệnh mùa hè chúng ta phải làm tốt công vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ăn chín uống sôi, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột, trong đó có một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virut đường ruột (như Enterovirut, ECHO, Coxackie…).

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh về tiêu hóa

Ngoài ra, để tránh trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống cho trẻ, nếu trẻ bị tiêu chảy nên bù nước cho đủ. Ngoài nước mát do nắng nóng kể trên, nên bù nước cho trẻ bằng việc cho uống thêm nước có pha oresol.

2. Vệ sinh thân thể sạch sẽ

Tắm gội hằng ngày tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi bậm, mồ hôi ứ đọng, nhất là trẻ em; năng thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; cũng không để trẻ gãi hay “giết” rôm (sẩy) để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ giúp phòng tránh các bệnh mùa hè rất hiệu quả. (Ảnh minh họa).

Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Không đi nằm sau khi tắm xong; không đột ngột ra – vào phòng điều hòa để tránh bị cảm lạnh.

Ngoài việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da.

3. Đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng quy định của Bộ Y tế

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bảnnhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Văcxin viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi.

4. Uống nhiều nước

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất đi lượng lớn nước. Vì thế, cần uống đủ nước khi làm việc hay đi học, nhớ đội nón, đội mũ rộng vành… để không bị say nắng.

Tuyệt đối không uống nhiều nước đá, không ăn những thức quá lạnh. Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh, càng không nên bật quạt, đi nằm sau khi vừa tắm xong.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè
Cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng nước thiếu hụt trong ngày hè oi bức

5. Tiến hành diệt muỗi, bọ gậy quanh khu vực nơi ở

Diệt bọ gậy (lăng quăng), loại trừ nơi muỗi sinh đẻ, trú ngụ là biện pháp tích cực và hiệu quả nhất. Điều này đặc biệt cần thiết để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

– Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, quanh làng bản; loại bỏ những vật dụng quanh nhà, trong vườn (như thùng chứa nước tưới, gáo dừa, mảnh vỡ chai lọ bát đĩa, ly, chén, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, mảnh ni-lông…) đọng nước mưa; đậy kín chum, vại, bể chứa nước để muỗi không còn nơi đẻ; hàng tuần nhớ cọ rửa các đồ chứa nước để loại bỏ trứng muỗi, thả cá cờ để diệt bọ gậy.

– Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát; không treo mắc quần áo để muỗi không còn chỗ đậu.

– Tránh để muỗi đốt: xua muỗi, đốt hương trừ muỗi, xoa thuốc chống muỗi lên những phần da hở; cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay, không để trẻ chơi ở ngoài trời khi xẩm tối, không để trẻ ở trần hay chơi ở những xó xỉnh, tối tăm, ẩm thấp; cho trẻ ngủ màn kể cả những giấc ngủ ban ngày nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Trên đây là những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ vào mùa hè mà các bậc phụ huynh cần lưu ý. Khi thấy bé có những dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt, tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng mới điều trị sẽ kéo dài thời gian hồi phục, gây ra nhiều biến chứng đáng tiếc, nguy hiểm hơn có thể gây tử vong.

Theo Khoe.online tổng hợp