Tiêm giảm béo mang nhiều nguy cơ nguy hiểm
Tác giả: uyennguyen
Giảm cân là nhu cầu làm đẹp chính đáng cho những ai đang có một thân hình “quá khổ” nhưng cần cân nhắc trước khi quyết định giảm cân bằng thuốc – dù là thuốc uống hay thuốc tiêm.
Thuốc tiêm giảm béo là thuốc gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân là hiện tượng cân nặng vượt quá so với chiều cao, còn béo phì là sự rối loạn chuyển hóa mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, nội tiết. Khi đánh giá béo phì thì không chỉ tính đến cân nặng, mà phải tính cả tỉ lệ mỡ trong cơ thể.
Cũng theo WHO, việc giảm cân đòi hỏi một quá trình điều chỉnh dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng cơ thể, còn tác động bằng thuốc để giảm cân nhanh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi lẽ khi áp dụng biện pháp giảm cân nhanh, thì cơ thể cũng giảm trao đổi chất, thể tích các cơ giảm, dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nuôi dưỡng da…
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý của phần lớn chị em phụ nữ, muốn thon thả thật nhanh, nhiều trung tâm làm đẹp, thẩm mỹ viện đã và đang quảng cáo liệu pháp tiêm tan mỡ. Theo giới thiệu, chỉ cần tiêm thuốc gây tan mỡ vào những vùng “béo” là mỡ sẽ tan đi. Loại “thuốc” mà họ sử dụng ở đây có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) – một loại muối mật, dưới những cái tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.
Ngược dòng thời gian, năm 1975, các bác sĩ người Đức là Stohlmacher, Haferland và Gottschall đã công bố một đề tài nghiên cứu có tên “Viêm phổi sau thuyên tắc béo được điều trị bằng Lipostabil”. Và mặc dù các bác sĩ này đã chứng minh sự thiếu an toàn và hiệu quả của nó, nhưng nó vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu, chuyên dùng để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu. Khi tiêm Lipostabil vào các mô mỡ, nó sẽ dần dần phá hủy những tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương. Tuy nhiên, sau một thời gian, các bác sĩ nhận ra rằng bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh, nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc.
Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ, sẽ giải phóng ra triglyceride chất béo ở dạng nhũ tương. Cơ thể giải quyết lượng nhũ tương ấy bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính đến “ăn” phần nhũ tương và các tế bào chết. Như vậy, sẽ có một lượng lớn các hạt mỡ nằm trong các bạch cầu và đại thực bào đi vào máu, rồi đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, biện pháp ấy của cơ thể không thể giải quyết ngay được một số lượng lớn triglyceride ứ đọng, dẫn đến các hiện tượng như u mỡ tại chỗ, viêm mô tế bào, sẹo vĩnh viễn, đau nhức, thậm chí hoại tử da, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ.
Tuy nhiên, lợi dụng đặc điểm của Lipostabil, một số trung tâm săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện đã quảng cáo Lipostabil như một loại “thần dược” làm tan mỡ. Ngày 7/4/2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và sau đó là Bộ Y tế của nhiều nước như Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia…, đã ra cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Thậm chí FDA còn nhấn mạnh: “Mọi hành vi quảng cáo, mua bán, lưu hành Lipostabil trên lãnh thổ Mỹ đều bị coi là chống lại luật pháp Mỹ”.
Bà V.T.A. (65 tuổi, ngụ Hà Nội) đã mua liệu trình tiêm giảm béo và đánh mỡ bụng trị giá 17 triệu đồng của thẩm mỹ viện Rose, phố Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Trong liệu trình, bà A. cho biết có hai mũi tiêm bằng thuốc (có tên trên nhãn là Lipo…) vào các vùng có nhiều mỡ bụng, kết hợp với đánh mỡ vùng bụng. Thẩm mỹ viện quảng cáo nếu tuân thủ liệu trình, vòng bụng bà A có thể giảm 12 – 25cm.
“Tôi có đo trước và sau liệu trình nhưng thấy vòng bụng vẫn như thế, thẩm mỹ viện nói phải từ từ nhưng vẫn không thấy giảm, có cô còn mua nhiều liệu trình hơn tôi nhưng cũng bảo không thấy giảm.
Giờ Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra và nói thẩm mỹ viện Rose tiêm giảm béo “chui” nên tôi rất lo, mình giấu chồng giấu con đi làm đẹp, giờ có bất trắc gì thì gay go lắm” – bà A. nói.
Theo bác sĩ tâm lý: “Do chị em muốn đẹp nhanh mà không cần nhiều thời gian và tốn sức nên các cơ sở quảng cáo dịch vụ tiêm giảm béo, đánh trúng tâm lý chị em và thu hút được rất nhiều khách hàng”
Tiêm “chui”, phạt vẫn tiêm
Tại cuộc kiểm tra đột xuất của Sở Y tế Hà Nội ở thẩm mỹ viện Rose ngày 6-9, có hai khách hàng gồm bà V.T.A. và một người nữa có tên trong phiếu theo dõi của thẩm mỹ viện được đoàn kiểm tra gọi kiểm tra ngẫu nhiên. Cả hai cùng xác nhận có mua liệu trình tiêm giảm béo ở thẩm mỹ viện này. Bà A. cho biết giá mỗi mũi tiêm mua lẻ là 3 triệu đồng, nếu mua 2 mũi cùng lúc là 5 triệu đồng. Bà mua gói 2 mũi tiêm cùng liệu trình 20 buổi đánh mỡ bụng, giá sau khuyến mãi còn 17 triệu đồng.
Theo ông Tô Tử Anh – phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội, thời điểm kiểm tra thẩm mỹ viện Rose không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ thể hiện có liên kết với bác sĩ thực hiện dịch vụ tiêm giảm béo – dịch vụ ngoài phạm vi hành nghề của thẩm mỹ viện. Trước đợt kiểm tra này một tháng, thẩm mỹ viện này đã bị UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt do quảng cáo và thực hiện dịch vụ ngoài phạm vi được phép.
Thực tế cho thấy Rose không phải cơ sở duy nhất đang tiêm giảm béo “chui” ở Hà Nội. Các dịch vụ như tiêm trắng da, tiêm giảm béo hiện đang được thực hiện tại rất nhiều thẩm mỹ viện vốn chỉ được phép chăm sóc da thông thường. “Các thẩm mỹ viện thường quảng cáo tiêm trắng da an toàn, sau tiêm da trắng thêm mấy tone và đều màu, tiêm giảm béo giảm tối thiểu 3,5 – 5kg mỡ thừa và hàng chục centimet vòng eo sau một mũi tiêm duy nhất nên hấp dẫn nhiều chị em. Tuy nhiên, ngành y tế xử phạt các thẩm mỹ viện rất khó vì thẩm mỹ viện do quận cấp phép chứ không phải cơ quan y tế cấp phép” – một cán bộ quản lý hành nghề y tư nhân ở Hà Nội nói.
Nhiều nguy cơ nguy hiểm
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 100 loại thuốc giảm béo đang lưu hành trên thị trường, gồm 2 dạng là thuốc uống và thuốc tiêm – trong đó thuốc tiêm là những loại như Photphatidylcholine, Deoxycholate, Lipostabil, Dermaheal LL Liponsaure hoặc tổng hợp 3 chất Choline, Inostiol và Methionine. Nhưng dù thuộc dạng nào, nó cũng vẫn quy về 3 loại chính. Đó là thuốc làm no ống tiêu hóa, thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và thuốc gây chán ăn.
Theo ông Nguyễn Huy Thọ – nguyên trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt Bệnh viện T.Ư quân đội 108, trong nhiều năm làm bác sĩ thẩm mỹ, ông không sử dụng biện pháp nội khoa cho dịch vụ thẩm mỹ do thấy không an toàn. “Về nguyên tắc, nếu dùng thuốc bằng đường uống được thì không nên tiêm, mà nếu tiêm thì nên tiêm bắp hơn là tiêm tĩnh mạch. Tôi không sử dụng các phương pháp như tiêm làm liệt cơ để điều trị nếp nhăn, tiêm chất làm đầy hay tiêm giảm béo bởi có thể gây biến chứng” – ông Thọ nói.
Một bác sĩ thẩm mỹ có kinh nghiệm thực hiện dịch vụ giảm béo cho biết theo kinh nghiệm của ông, hiện chưa có loại thuốc tiêm giảm béo nào được cấp phép lưu hành tại VN. Bác sĩ này cũng cho biết do mỡ tích lũy sau một thời gian dài chế độ ăn uống, tập luyện không hợp lý, nên phải có thời gian điều tiết chế độ ăn uống kèm với tập luyện mới có thể giảm mỡ.
Một bác sĩ cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho rằng sau khi tiêm các thuốc giảm béo như Lipo… thì hoạt chất trong thuốc sẽ làm lỏng các mô mỡ rắn và đào thải qua đường bài tiết tự nhiên. Tuy nhiên, sau này các bác sĩ phát hiện bên cạnh làm lỏng mô mỡ, chất này còn làm ảnh hưởng đến màng tế bào nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc. Tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ và cơ chế đào thải tự nhiên cũng có nguy cơ ứ đọng do không đào thải hết, có thể dẫn đến biến chứng như u mỡ tại chỗ, sẹo vĩnh viễn, hoại tử da… Hiện nhiều nước đã cấm sử dụng thuốc này cho mục đích làm tan mỡ.
Theo tuoitre.vn