Khi rắn độc cắn phải xử trí như thế nào?

Tác giả: uyennguyen

Chậm trễ trong việc sơ cứu hay không kịp xác định loại rắn cắn là rắn lành hay rắn độc gây nhiều nguy hiểm cho nạn nhân. Vậy phải làm thế nào khi bị rắn độc cắn? Có áp dụng các phương pháp dân gian hay không?

Các loại rắn độc thường gặp

Việc xử trí cấp cứu khi bị rắn độc cắn tùy thuộc vào đặc điểm sinh học và độc tính của từng loại rắn độc, mức độ tổn thương trên lâm sàng của bệnh nhân.

Rắn độc có nhiều cách phân loại: theo móc (nanh) cố định hay cử động, theo môi trường sống dưới nước hay trên cạn, theo họ (họ rắn hổ, họ rắn lục, họ rắn biển).

Khi rắn độc cắn phải xử trí như thế nào?
Dấu răng cắn của rắn độc và rắn lành

– Họ rắn hổ:

+ Đặc điểm rắn:

– Rắn hổ mang (Naja siamensis): có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.

– Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah, KingCobra): cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước lớn (có thể nặng hàng chục kilôgam), dài tới vài mét.

– Rắn cạp nong (Bungarus íasciatus); cạp nia (Bungarus candidus): khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.

+ Biểu hiện nhiễm độc:

– Tại vùng vết cắn: đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

– Toàn thân: đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,… dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.

– Họ rắn lục:

+ Đặc điểm rắn: đặc điểm nổi bật chung của họ rắn lục là đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng.

– Rắn lục xanh: có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi cả ba miền.Việt Nam có rắn lục xanh đầu và đuôi đỏ.

– Rắn lục đất (Trimeresurus albolabris), rắn lục mũi hếch (Agkistrodon acutus): thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc.

– Rắn choàm quạp (Agkistrodon rhodostoma): thân màu nâu, thường ở vùng rừng phía Nam.

+ Biểu hiện nhiễm độc:

– Tại vùng vết cắn: Dấu hiệu tại chỗ rất dữ dội mặc dù vết cắn nhỏ, phù to, phù cứng, chảy thành dịch đỏ. Sau 6 giờ, toàn chi bị sưng to, tím. Sau 12 giờ chi bị hoại tử, da phồng rộp lên chứa đầy nhóc đỏ. Tổn thương nặng dần lên, 2 – 3 ngày sau có thể dẫn đến hoại thư, nhiễm khuẩn, loét mục.

– Toàn thân: chóng mặt, ngất, lo lắng, sợ hãi, tình trạng sốc. Rối loạn đông máu: đông máu rải rác trong lòng mạch, tan máu xuất huyết khắp nơi, rối loạn tiêu hoá, rối loạn thân nhiệt và vô niệu. Tử vong do chảy máu, mất máu.

Xác định sơ bộ rắn lành hay rắn độc

– Nếu tại vết cắn: không thấy vết răng nanh mà thấy nhiều vết chấm hình vòng cung là rắn lành. Nếu bị rắn cắn sau 15-30 phút mà không đau, không phù, chi bị cắn không tê bại thì cũng không phải rắn độc. Nhưng nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5-15mm, có khi lên đến 20mm tùy vào rắn to hay nhỏ và một số vết răng nhỏ thì đó là rắn độc.

– Dấu hiệu tại chỗ vùng bị rắn cắn: đau, chảy máu, bầm tím, viêm, bóng nước, hoại tử, áp xe, sưng hạch…; dấu hiệu toàn thân: buồn nôn, nôn, đau bụng, yếu toàn thân (mệt lả, chóng mặt, ngất xỉu, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, rối loạn đông máu, sụp mí mắt, liệt cơ mặt…).

– Vài phút sau: vết thương đau nhức, sưng tấy, bầm tím, sau đó phù nề và chảy máu dưới da. Tình trạng này lan ra xung quanh vết cắn, nạn nhân bị nổi hạch khu vực. Vài giờ sau, nạn nhân cảm thấy bồn chồn, khó thở, vã mồ hôi lạnh, tê bại chân tay, nôn ra mật và máu… Khám thấy mạch nhanh không đồng đều, đồng tử co nhỏ, hôn mê, có thể tử vong rất nhanh.

Nguyên tắc sơ cứu tại chỗ

– Mục tiêu trên hết: không làm gì có hại thêm cho bệnh nhân.

– Làm chậm sự hấp thu của nộc độc về tuần hoàn hệ thống.

– Bảo vệ tính mạng của bệnh nhân: kiểm soát các triệu chứng nguy hiểm xuất hiện sớm, ngăn chặn biến chứng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế.

– Vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (có cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc đặc hiệu).

Các biện pháp sơ cứu được khuyến cáo

Khi rắn độc cắn phải xử trí như thế nào?
Sơ cứu chậm trễ khi bị rắn độc cắn gây nhiều nguy hiểm cho nạn nhân

– Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại. Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện cơ giới đến cơ sở y tế.

– Băng ép, bất động chi bị cắn bằng băng thun và nẹp.

– Duy trì băng ép bất động đúng cách:

+ Tới khi đến được cơ sở y tế có cấp cứu hồi sức hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

+ Không làm mất mạch ngoại biên và dễ dàng cử động đầu chi.

+ Không làm giảm áp lực băng ép cho đến khi bệnh nhân nhập viện và tránh giải phóng băng ép đột ngột.

+ Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực.

+ Vết cắn ở đầu, mặt, cổ: khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

– Nếu bệnh nhân bị liệt phải khai thông đường hô hấp (tư thế, hút đờm rãi), thông khí nhân tạo.

– Nếu đau nhiều: uống hoặc tiêm thuốc giảm đau.

– Nếu có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu thì tiêm ngay 1 lọ tĩnh mạch hoặc tiêm tại chỗ xung quanh vết cắn.

– Không cần băng ép nếu trong 30 phút có thể đến cơ sở y tế.

Các biện pháp không được khuyến cáo

– Garrot kiểu động mạch.

– Chích rạch và hút nọc ở vết cắn.

– Bôi các hóa chất.

– Chườm lạnh hoặc chích điện tại vị trí vết cắn.

– Không uống hoặc đắp bất kỳ thuốc lá gì lên vết cắn.

– Đổ dầu vào đường hô hấp.

Trên đây là nguyên tắc sơ cứu ban đầu khi bị rắn độc cắn mà bạn có thể tham khảo. Khi bị rắn cắn, nạn nhân và người thân cần phải bình tĩnh để kịp thời sơ cứu cũng như không áp dụng các biện pháp dân gian để điều trị. Thay vào đó, cần kịp thời đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tiến hành tiêm huyết thanh kháng nọc rắn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM