Cắt bao quy đầu và những biến chứng thường gặp
Tác giả: uyennguyen
Cắt bao quy đầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe và theo thống kê có khoảng 0,2% đến 0,5% bệnh nhân gặp phải các biến chứng. Chúng có thể xảy ra ngay lập tức lúc phẫu thuật hay vài tháng, thậm chí vài năm sau đó.
- Hẹp bao quy đầu phải làm sao?
- Bao quy đầu dài có ảnh hưởng gì?
- Bao quy đầu bị bong tróc da: Nguyên nhân và cách chữa trị
Khi nào cần cắt da bao quy đầu?
Dương vật có phần đầu gọi là quy đầu, phần da che chở cho phần quy đầu gọi là da quy đầu. Thật ra da quy đầu không “thừa”. Da quy đầu có một số chức năng quan trọng như giúp che chở, bảo vệ cho quy đầu vốn là phần khá nhạy cảm khỏi những “va chạm” trong lúc sinh hoạt thường ngày, tránh cho nam giới có cảm giác khó chịu. Bao quy đầu còn là vật liệu tự thân rất quý trong trường hợp nam giới cần ghép da, hoặc tạo hình niệu đạo…
Nam giới khi sinh ra cũng có da quy đầu. Bác sĩ cho chỉ định cắt da quy đầu trong trường hợp bao quy đầu bị chít hẹp, là tình trạng nam giới không thể tuột bao quy đầu ra hoặc bị thắt nghẽn bao quy đầu, viêm nhiễm tái phát nhiều lần.
Ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu che hoàn toàn quy đầu, không tuột lên được thì có phải là hẹp bao quy đầu?
Đa phần trẻ sơ sinh có tình trạng dính da quy đầu sinh lý, do đó lúc này chưa thể tuột được bao quy đầu cho trẻ. Sau 3-4 năm hoặc trong thời gian đến tuổi trưởng thành, phần da quy đầu này sẽ tự nhiên tách khỏi quy đầu. Thống kê cho thấy có 90% bé trai tuột được da quy đầu lúc 3 tuổi, có đến 99% nam giới trên 16 tuổi không hẹp bao quy đầu.
Biến chứng có thể gặp phải sau khi cắt bao quy đầu
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đông Hưng, khoa Phẫu thuật Niệu sinh dục Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), cho biết cắt da quy đầu được chỉ định cho trường hợp hẹp quy đầu hoàn toàn.
Khi phẫu thuật, các bác sĩ cần lưu ý giữ lại tối đa phần niêm mạc bao quy đầu để bảo tồn khả năng cảm nhận khoái cảm tình dục. Tuy nhiên, nếu tiến hành phẫu thuật trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, kỹ thuật kém, nam giới dễ xảy ra biến chứng.
Cũng theo bác sĩ Hưng, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng sau khi cắt bao quy đầu là 0,2% đến 5%. Chúng có thể xảy ra ngay lập tức hoặc vài tháng, vài năm sau sau khi cắt.
Chảy máu
Biến chứng thường gặp nhất là chảy máu, thường gặp ở dây thẳng dương vật và mạch máu lớn ở thân dương vật gây chảy máu ồ ạt, hoặc từ mép cắt da quy đầu giữa các mũi khâu. Chảy máu sau khi cắt da quy đầu thường tự cầm hoặc cần phải băng ép.
Nhiễm trùng vết cắt
Nhiễm trùng vết cắt hiếm gặp hơn. Bạn có thể dùng kháng sinh dạng kem sau khi cắt da bao quy đầu để phòng ngừa.
Lột da “cậu nhỏ”
Cắt quá nhiều da hoặc mép trong và ngoài vết cắt không dính nhau có thể gây lột da “cậu nhỏ”. Thân dương vật thường tự mọc biểu mô, bắc cầu ngang qua hai lớp mà không cần can thiệp, người bệnh chỉ cần dùng kháng sinh dạng kem và đắp ấm để phòng ngừa sẹo xấu.
Biến chứng da
Kích thước miếng da quy đầu bị cắt có thể dẫn đến biến chứng. Cắt da quy đầu quá ít hoặc cắt không đối xứng gây mất thẩm mỹ
Cắt nhiều da làm cong, xoắn, lệch trục dương vật. Nếu các biến chứng này nặng nề, cần phải chỉnh sửa, bác sĩ phải tạo vạt ghép “cậu nhỏ” hoặc tạo hình chữ Z.
Dính quy đầu và các cầu da
Hai biến chứng này có thể xảy ra trong tình huống cắt da quy đầu không đúng và đẹp, thường là hậu quả của sự co rút tự nhiên dương vật gây ra.
Hẹp lỗ tiểu
Hẹp lỗ tiểu sau cắt da bao quy đầu xảy ra thường xuyên ở trẻ nhỏ. Nếu cắt quy đầu không đúng và đảm bảo sẽ gây ra hiện tượng viêm dẫn đến viêm lỗ tiểu và tạo sẹo. Viêm xơ bao quy đầu mạn tính cũng là một nguyên nhân gây hẹp lỗ tiểu.
Chấn thương cậu nhỏ
Đây là biến chứng nặng nề nhất, bao gồm tổn thương niệu đạo, cắt đứt quy đầu, hoại tử thân dương vật. Đối với bệnh nhân chấn thương niệu đạo, bác sĩ cần phải tạo hình lại.
Viêm xơ quy đầu
Đây là tình trạng da hóa sẹo và viêm thâm nhiễm mạn tính gây ra hẹp bao quy đầu bệnh lý. Biểu hiện thường gặp là không thể kéo bao quy đầu lúc dậy thì và hiếm gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Chăm sóc sau cắt da bao quy đầu như thế nào?
Sau phẫu thuật, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau, sát trùng tại chỗ. Bên cạnh đó người được cắt da quy đầu cần chăm sóc tốt phần vết thương như thay băng, giữ khô vết thương. Nếu băng bị dính nước tiểu hoặc dịch tiết cần được thay lại. Ngoài ra cần băng cố định dương vật lên bụng để tránh nguy cơ phù nề. Khi vết thương liền, bé có thể tắm rửa, tiếp xúc với nước. Thông thường nếu bác sĩ sử dụng khâu vết thương cho bệnh nhân bằng chỉ tan như chromic, chỉ sẽ tự tiêu trong khoảng một tuần.
Cần giữ vệ sinh cho trẻ như thế nào nếu không cắt da quy đầu?
Khi trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng vùng da nhạy cảm này.
Khi trẻ có thể tự chăm sóc, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, khi tắm cần kéo da quy đầu để rửa với xà bông, rửa lại bằng nước sạch và lau khô, sau đó nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho quy đầu.
Đến khi trẻ dậy thì, có hoạt động sinh dục thì các tuyến mồ hôi, tuyến bã sẽ tăng tiết nên cần rửa thường xuyên hơn để tránh ứ đọng nước tiểu và các chất tiết.
Như vậy, rất hiếm trẻ nhỏ cần cắt da quy đầu do hẹp da quy đầu. Phụ huynh cần kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn cho trẻ tự chăm sóc về sau thay vì cố gắng tuột da quy đầu của trẻ nhỏ một cách thô bạo.
Khi da quy đầu hẹp rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật nếu cần thiết.
Vệ sinh thường xuyên vùng da quy đầu là việc cần thực hiện để tránh viêm nhiễm, nhất là khi trẻ bước vào lứa tuổi có các hoạt động sinh dục.
Tổng hợp từ nhiều nguồn