Làm đẹp răng và những sai lầm thường gặp
Tác giả: uyennguyen
Một hàm răng được đánh giá là đẹp khi phù hợp với khuôn mặt, tính cách và màu da của chủ nhân. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều người lạm dụng răng sứ, tẩy trắng răng quá đà khiến đi cách cả chục mét vẫn nhận ra đó là răng giả.
PGS.TS Võ Trương Như Ngọc – trưởng bộ môn răng trẻ em, Viện Đào tạo răng hàm mặt, ĐH Y Hà Nội – nói với Tuổi Trẻ về những sai lầm trong chăm sóc và làm đẹp hàm răng của người Việt.
Nhiều tai nạn khi làm đẹp răng
Cách đây 5 tháng, bác sĩ Ngọc tiếp nhận một nữ bệnh nhân có biểu hiện ê buốt răng, khó khăn khi nhai sau khi mài và chụp 20 răng sứ. Theo lời kể của bệnh nhân, răng chị không được trắng, chị đã mong ước có hàm răng trắng, nụ cười tươi từ rất lâu. Lần này chị đã dồn sức để vượt qua nỗi sợ đau và cả vấn đề tài chính để làm 20 răng sứ hết gần 200 triệu đồng.
“Chúng tôi kiểm tra, xác định người bệnh bị viêm tủy, phải gỡ 3 răng sứ ra để chữa tủy. Những người làm răng sứ mà giữ được tủy là tốt nhất, nếu không rất dễ có nguy cơ bị viêm. Bệnh nhân này đã phải chữa tủy ở 3 răng và có nguy cơ phải chữa thêm, nhưng chữa còn khó và phức tạp hơn cả làm mới” – bác sĩ Ngọc cho biết.
Đây chỉ là một trong những tai nạn thường gặp ở nhóm khách hàng làm răng sứ. Nhiều người bệnh bị viêm lợi, tụt lợi, có kẽ chỉ đen ở chân răng sau khi làm răng sứ. Cũng có những người bệnh thường xuyên ê buốt, khó nhai sau khi làm thẩm mỹ răng cùng nhiều “tai nạn” khác, khiến răng sứ không bền như mong muốn của khách hàng.
Khi các hàm răng đều y hệt
Một hàm răng đẹp, theo bác sĩ Ngọc, phải phù hợp với khuôn mặt, làn da và tính cách, ví dụ như người có tính cách tinh nghịch thì răng không thể tất cả đều hình vuông. Nhưng thực tế thì các nha sĩ đang làm những hàm răng sứ y hệt nhau cho khách hàng, người mặt vuông, tròn, trái xoan… đều có răng như nhau, tất cả đều vuông hoặc oval. Màu da người Việt là da hơi nhờ, nếu làm răng sứ quá trắng, thậm chí trắng lóa sẽ dễ khiến người khác nhận biết ngay hàm răng đó là răng giả.
Trước khi đi làm thẩm mỹ răng, các bác sĩ khuyến cáo khách hàng nên cân nhắc giữa bảo tồn răng tự nhiên và răng sứ, nên làm gì tốt hơn, trong trường hợp răng bẩm sinh quá xấu, quá đen, cần phải làm răng sứ thì nên lựa chọn bước đầu tiên là nắn chỉnh hàm, sắp xếp để khớp cắn chuẩn chứ không làm răng sứ ngay khi răng đang trong tình trạng chen chúc, nếu không sẽ dễ bị viêm lợi và các biến chứng.
Bác sĩ Ngọc cho biết đang có tình trạng lạm dụng chỉ định làm răng sứ, đặc biệt là tại các đô thị. “Hãy nhìn các nha sĩ xem họ có làm răng sứ không? Vì sao nha sĩ không làm? Vì họ đã cân nhắc lợi và hại khi có hàm răng mới, không phải cứ thấy xấu là đi mài và làm răng sứ” – ông Ngọc phân tích.
Giữ răng đẹp từ bào thai
Răng người Việt đa số đều không trắng bằng răng người châu Âu, châu Phi, đó là điều làm nhiều người Việt băn khoăn. Theo các bác sĩ răng hàm mặt, ngoài lý do chủng tộc còn một số lý do như chế độ ăn. Người Việt hay ăn uống thực phẩm và đồ uống có màu, lâu dần màu “ngấm” làm ảnh hưởng đến màu răng.
Giữ hàm răng đẹp, nên chăm sóc răng trẻ ngay từ giai đoạn bào thai. Bà mẹ mang thai nên đến gặp bác sĩ răng trẻ em để được tư vấn về chế độ ăn. Những lần khám kế tiếp là khi trẻ chưa mọc răng, trẻ bắt đầu mọc răng và khi trẻ được 1 tuổi.
Lưu ý nắn chỉnh hàm
Theo bác sĩ Ngọc, nếu làm răng sứ đúng chỉ định và kỹ thuật thì răng rất khó hỏng, nhưng nếu làm răng sứ ngay khi chưa nắn chỉnh hàm thì nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn răng sứ. Trong trường hợp phải làm răng sứ, ông Ngọc cũng khuyên người bệnh nên giữ tủy, điều đó sẽ giúp hàm răng (dù là răng giả) sẽ bền chắc hơn do còn nền móng.
Ông Ngọc cũng khuyến cáo các bà mẹ giữ răng cho trẻ từ khi trẻ còn trong bào thai, để trẻ có hàm răng trắng và đều đặn sau này.
Do đó không phải lúc nào bạn cũng có thể bọc răng sứ mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ và chỉ tiến hành bọc răng sứ trong những trường hợp cần thiết như vỡ không trám được, sâu răng…Cần theo dõi sức khỏe răng miệng sau khi làm đẹp răng, nếu thấy những dấu hiệu như ê buốt, đau, chảy máu chân răng cần thăm khám ngay lập tức để điều trị kịp thời.
Theo tuoitre.vn