Bệnh dại: 100% tử vong khi đã lên cơn

Bệnh dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

Tử vong do chó cắn mà không chích ngừa

Ngày 24.8, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh này.

Vào ngày 20.8, bà T.T.T (52 tuổi, ngụ xã Ea Tân, H.Krông Năng) có biểu hiện mất sức, nôn ói, sợ gió, sợ nước, mạch đập nhanh, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Đến chiều 21.8, bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh dại, sốt nhiễm trùng, động kinh. Qua tìm hiểu, người nhà bà T. cho biết, trước đó 2 tháng bà T. bị chó chạy rông cắn vào bàn chân nhưng bà không đến cơ sở y tế để kiểm tra, tiêm phòng.

Bệnh dại: 100% tử vong khi đã lên cơn
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong

Một trường hợp tử vong do bệnh dại khác xảy ra tại huyện Ea H’leo. Vào giữa tháng 6, anh N.V.H (33 tuổi, trú thị trấn Ea Drăng, H.Ea H’leo) bị chó dại cắn, sau đó vết thương bị nhiễm trùng và được điều trị tại một bệnh viện. Ngày 6.7, bệnh nhân được đưa về nhà và tử vong sau đó một tuần, chẩn đoán do bệnh dại.

Theo ông Lào, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk đã cùng Trung tâm y tế các huyện Krông Năng và Ea H’leo tiến hành điều tra, giám sát tại hộ gia đình các bệnh nhân tử vong, truyền thông cho người dân cách phòng chống bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 2.800 người tiêm huyết thanh phòng chống bệnh dại.

Dấu hiệu và triệu chứng

Theo Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia, người mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng như: đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp); sốt, mệt mỏi, đau đầu; sợ nước; sợ tiếng ồn, ánh sáng hoặc gió; tức giận, bứt rứt và trầm cảm; tăng động…

Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng. Thời gian bị bệnh thường là 2 – 3 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 5 – 6 ngày hoặc dài hơn nếu được chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị đặc biệt nào một khi đã phát bệnh. Hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn.

100% tử vong khi đã lên cơn

Theo TS-BS Tạ Anh Tuấn, trong gia đình có vật nuôi (nhất là vật nuôi khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi rút dại. Bệnh dại do vi rút từ động vật lây sang người. Vi rút này xâm nhập vào cơ thể người từ vật bị nhiễm vi rút dại như chó, mèo qua vết cắn, vết xước, vết thương trên da. Thời gian ủ bệnh dại là dài (từ 2 – 8 tuần, thậm chí có thể kéo dài cả năm), phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. “Để phòng tránh bệnh dại cho trẻ và các thành viên trong gia đình, phải tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi như chó, mèo, đồng thời hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc quá gần gũi với chúng”, TS-BS Anh Tuấn đặc biệt lưu ý.

Bác sĩ cho biết thêm, nếu bị chó, mèo nhiễm vi rút dại cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày với tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt. Co thắt cơ hô hấp và co thắt thanh quản gây khó thở; bệnh nhân có biểu hiện sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển gây liệt, bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên; có thể bị kích thích quá độ, thậm chí có phản ứng dữ tợn nhưng sau đó suy sụp nhanh, hôn mê và tử vong.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tại TP.Hà Nội đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong do dại. Cả hai trường hợp này đều không tiêm vắc xin dại. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn theo dõi sức khỏe hoặc chỉ định tiêm vắc xin. Người bị dại đã lên cơn thì 100% tử vong.

Nhanh chóng xử trí vết thương

PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý, khi bị con vật nghi mắc bệnh dại cắn, cần sơ cứu rửa ngay vết thương bằng cách: xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong vòng 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i ốt để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Tiếp theo, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vắc xin dại. Nếu được xử lý tất cả các vết thương bằng huyết thanh kháng dại và tiêm vắc xin dại ngay trong ngày bị cắn sẽ cho kết quả tốt nhất.

Bệnh dại: 100% tử vong khi đã lên cơn
Khi bị con vật nghi bệnh dại cắn cần rửa sơ cứu ngay lập tức

Bệnh dại rất nguy hiểm vì vậy để phần nào ngừa bệnh, nên tiêm dự phòng cho những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại do công việc hoặc nghề nghiệp như: cán bộ thú y, kiểm lâm, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề chế biến thực phẩm động vật. Khi bị vật nuôi cắn cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được sơ cứu, tiêm phòng vắc xin, tiến hành điều trị để ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng của bệnh.

Theo Khoe.online tổng hợp 

Bình luận