Bệnh Lupus ban đỏ-căn bệnh nguy hiểm chớ nên coi thường

Tác giả: uyennguyen

Lupus ban đỏ hệ thống (tên tiếng Anh:  Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus), là bệnh tự miễn của mô liên kết, hệ miễn dịch tấn công vào các tế bào và mô của cơ thể gây viêm và hoại tử mô. Bệnh có thể ảnh hưởng tới mọi bộ phận của cơ thể, nguy hiểm nhất là tim, khớp, da, phổi, mạch máu, gan, thận và não bộ.

Lupus ban đỏ được xem như là một vấn đề toàn cầu với hàng triệu người mắc phải mỗi năm nhưng xã hội vẫn còn rất ít người biết đến sự tồn tại của căn bệnh nguy hiểm này. Sự tiến tiển của bệnh rất khó đoán trước với nhiều biểu hiện không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh thông thường khác. Có những giai đoạn người bệnh bị ốm, sốt, mệt mỏi nhưng tự phục hồi sau đó. Theo thống kê của nhiều tổ chức y tế trên thế giới, phụ nữ là đối tượng mắc lupus ban đỏ cao gấp 9 lần so với đàn ông, đặc biệt từ 15 – 50 tuổi và phổ biến hơn ở những người không có nguồn gốc châu Âu. Tại Mỹ, hiện nay có khoảng 2 triệu người mắc bệnh và số người tử vong ngày càng cao. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm có khoảng 400 – 500 bệnh nhân tiến hành điều trị bệnh này, chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.

Bệnh Lupus ban đỏ - căn bệnh nguy hiểm chớ nên coi thường
Bệnh Lupus ban đỏ – căn bệnh nguy hiểm chớ nên coi thường

Nguyên nhân gây bệnh chưa xác định rõ ràng

Đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nào gây ra lupus ban đỏ bởi bệnh được gây ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, cụ thể như:

Di truyền

Bệnh phát sinh có thể là do gen, bệnh di truyền theo gia đình nhưng vẫn chưa xác định được một gen riêng lẻ nào là nguyên nhân gây bệnh. Khi có những yếu tố môi trường tác động, nhiều gen có thể có ảnh hưởng đến nguy cơ khởi phát bệnh như kháng nguyên bạch cầu người nhóm I, nhóm II, và nhóm III, IRF5, PTPN22, STAT4, CDKN1A, ITGAM, BLK, TNFSF4, BANK1.

Yếu tố nội tiết

Hoóc môn sinh dục (như estrogen) có vai trò quan trọng trong sự hình thành bệnh. Do đó đối tượng chủ yếu mắc bệnh là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Sau giai đoạn mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh và mức độ diễn biến của bệnh đều giảm đáng kể.

Môi trường sống

Môi trường sống có thể là yếu tố kích thích sự khởi phát của bệnh cũng như làm tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Yếu tố này bao gồm không khí, nguồn nước, đặc biệt là tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Tia UV là tác nhân chính kích hoạt việc hình thành các vùng phát ban lupus, thay đổi cấu trúc DNA, hình thành kháng thể tự miễn.

Phản ứng thuốc

Với những người sử dụng thuốc lâu dài rất dễ gặp phải tình trạng phản ứng thuốc. Lupus do thuốc gây ra có những triệu chứng cũng gần giống như Lupus ban đỏ hệ thống nhưng thường tự mất đi khi dừng sử dụng các loại thuốc gây dị ứng. Có khoảng 400 loại thuốc có thể gây ra lupus ban đỏ, những loại phổ biến nhất là procainamide, hydralazine, quinidine, phenytoin, procainamide, Acébutolol, D pénicillamine, quinidine, Isoniazide, chlorpromazine, sulfasalazine, minocycline, carbamazépine, interfenon α và γ.

Ngoài ra, các chất cytokine như interfon, yếu tố kích thích sinh bạch cầu hạt, các kháng thể dùng trong lâm sàng như anti TNF hay  tác nhân nhiễm trùng như parvovirus B19 cũng là một trong những tác nhân gây bệnh.

Triệu chứng bệnh Lupus ban đỏ thường không cụ thể

Biểu hiện của Lupus ban đỏ hệ thống có thể bùng phát bất thường hoặc từ từ sau nhiều tháng hoặc năm ủ bệnh. Bệnh có ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể nên biểu hiện bệnh cũng hết sức đa dạng, khó xác định, có chiều hướng nặng vào các tháng lạnh.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh có các triệu chứng mơ hồ và giống nhiều bệnh lý, thời gian từ khi triệu chứng sớm nhất xuất hiện đến có thể xác định đúng bệnh có thể kéo dài đến vài năm. Bệnh thường được phát hiện khi đã chuyển qua giai đoạn toàn phát với nhiều biểu hiện bệnh nguy hiểm, khó điều trị.

Theo số liệu tại các bệnh viện cho thấy có hơn 90% bệnh nhân đến thăm khám có các triểu chứng không đặc hiệu như sụt cân, người mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, miệng viêm loét, đau khớp, rối loạn kinh nguyệt. Trong đó, khoảng 3/4 bệnh nhân có dấu hiệu nổi ban đỏ bất thường trên da ( hình cánh bướm trên mặt) – một dấu hiệu đặc trưng riêng của Lupus ban đỏ.

Bệnh Lupus ban đỏ - căn bệnh nguy hiểm chớ nên coi thường
Nổi ban hình cánh bướm trên mặt là dấu hiệu đặc trưng bệnh Lupus ban đỏ

Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện những tổn thương ở nội tạng như tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận, co giật, rối loạn thần kinh, xuất huyết. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở người bệnh vì các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột, xen kẽ giữa những thời gian bệnh lui bệnh.

Bệnh Lupus ban đỏ có chữa được không?

Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh Lupus ban đỏ nhưng có bệnh có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ khi phát hiện. Mục đích của các liệu pháp điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng và hạn chế sự tiến tiến của bệnh.

Một số loại thuốc được sử dụng để chống viêm giảm đau ở khớp thường được sử dụng như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Nimesulide. Tuy nhiên những loại thuốc này có tác dụng phụ là gây viêm loét dạ dày tá tràng nên trước khi sử dụng bạn nên ăn no. Với những bệnh nhân ở giai đoạn toàn phát, bác sĩ sẽ cho sử dụng các loại thuốc như prednisolone, methylprednisolone (Solu-medrol, Medrol), prednisone (Cortancyl), betamethasone (Celeston). Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh hơn nhóm NSAIDs nhưng cũng nhiều tác dụng phụ hơn và chỉ dùng trong trường hợp bệnh nặng. Các loại thuốc chống sốt rét như  Hydroxychloroquine, Chloroquine,  ức chế miễn dịch như azathioprin (Imuran), cyclophosphamide (Endoxan), cyclosporin (Sandimmun).

Nói chung, chưa có một loại thuốc nào chứng minh được hiệu quả đặc hiệu trong điều trị mà cần kết hợp nhiều loại với nhau. Những loại thuốc dùng điều trị đa số đều có những tác dụng phụ nguy hiểm nếu không sử dụng đúng cách. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo sự hưỡng dẫn và liều lượng của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng không mong muốn, đe dọa đến tính mạng.

Bệnh Lupus ban đỏ cực kỳ nguy hiểm nhưng hiện tại chưa có biện pháp phòng tránh nào, tuy nhiên người bệnh có thể giảm thiểu các tác hại do bệnh gây ra bằng cách ngăn chặn các đợt tái phát bệnh nhờ chế độ ăn uống phù hợp, tăng cường vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống và quan trọng hơn là phải kiên trì, giữ vững tinh thần trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Theo Khoe.online tổng hợp