Bệnh răng miệng và mách bạn cách điều trị hiệu quả
Tác giả: uyennguyen
Theo thống kê 90% người Việt mắc phải các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, hôi miệng… nhưng phần lớn chưa được mọi người quan tâm. Họ thường chỉ thăm khám khi bệnh có diễn biến nặng gây rất nhiều khó khăn trong điều trị và rất khó chữa dứt điểm.
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có hơn 90% dân số mắc các bệnh về răng lợi. Trong đó, 75% người bị sâu răng, 90% người trưởng thành viêm lợi và viêm quanh răng. Riêng ở trẻ em 6 – 8 tuổi, hơn 85% sâu răng nhưng 94% không được điều trị.
Mỗi ngày chúng ta đưa vào khoang miệng vô số thực phẩm, điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi. Vi khuẩn trong khoang miệng không chỉ là nguyên nhân dẫn đến bệnh sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu… mà còn gây ra các phiền toái khó chịu như đau đớn, ăn uống kém, hôi miệng dẫn đến ngại giao tiếp…
Các bệnh răng miệng phổ biến
1. Sâu răng
Các bác sĩ nha khoa cho biết, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sâu răng, nhưng đối tượng phổ biến và thường gặp nhất vẫn là trẻ em. Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng cũng có thể là triệu chứng của sâu răng.
Nguyên nhân chính gây sâu răng là do thói quen vệ sinh răng miệng. Mảng bám thức ăn thừa trên răng không được vệ sinh sạch, sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, hình thành chấm đen li ti. Theo thời gian, những lỗ sâu này phát triển rộng hơn, gây cảm giác đau nhức, khó khăn khi nhai. Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, sâu răng không chỉ gây chết tủy mà còn ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
Cách phòng chống bệnh sâu răng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giữ vệ sinh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì 6 tháng/lần. Ngoài ra, nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.
2. Viêm lợi
Đây là bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh và nâng đỡ răng. Lợi của người bệnh sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng. Viêm lợi tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm quanh răng, mất răng.
Để điều trị bệnh này, cần làm sạch bề mặt, loại bỏ các mảng bám, vệ sinh răng miệng tốt.
3. Viêm quanh răng (bệnh nha chu)
Ngoài sâu răng, viêm quanh răng là bệnh có tỷ lệ người mắc rất cao. Bác sĩ Phạm Thị Huyền Trang, Trưởng đơn nguyên Răng hàm mặt, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
cho biết bệnh gây tổn thương lợi, các dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng, có thể gây đau, hôi miệng, chảy máu khi đánh răng, nướu đỏ, sưng, răng bị lung lay khi nhai.
Bệnh viêm quanh răng nặng có thể gây biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống, dễ dẫn đến đau dạ dày, ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa.
Bệnh do các mảng bám và cao răng chứa nhiều vi khuẩn gây tổn thương lợi và quanh răng. Ngoài ra, yếu tố như răng mọc lệch… cũng góp phần làm cho tình trạng viêm tiến triển nặng thêm. Bệnh cũng có thể là do yếu tố bên trong như suy dinh dưỡng, thiếu vitamin C, thay đổi nội tiết ở tuổi dậy thì, sức đề kháng yếu…
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào trị bệnh viêm quanh răng. Vì vậy, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn.
Nướu răng khỏe mạnh là phần chắc, có màu hồng nhạt. Nếu nướu sưng húp, màu nâu sẫm đỏ, dễ chảy máu, hơi thở hôi, rất có thể bạn đã bị mắc bệnh.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào trị bệnh viêm quanh răng. Vì vậy, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn.
4. Hôi miệng
Theo bác sĩ Phạm Thị Huyền Trang bệnh hôi miệng tuy không nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong giao tiếp.
Nguyên nhân chính dẫn đến hôi miệng là do vệ sinh răng miệng không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi ăn, một số thức ăn nhỏ dính trong kẽ răng, hốc răng sâu bên trong bị vi khuẩn phân hủy gây ra mùi hôi; ăn các loại thức ăn có mùi nồng như hành, tỏi…Lượng nước bọt không đủ để làm sạch răng cũng có thể là nguyên nhân của hôi miệng. Ngoài ra, bị mắc các bệnh như nhiễm trùng phổi mãn tính, ung thư phổi, viêm phổi hoặc có vật lạ trong mũi…cũng có thể bị hôi miệng.
Để điều trị hôi miệng, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần/ngày, thường xuyên súc miệng sau khi ăn, không hút thuốc lá…
5. Viêm tủy răng
Viêm tủy răng có nhiều dạng, có thể đau dữ dội, đau thoáng qua, hay không đau nhưng tiến triển âm ỉ và chỉ biểu hiện khi viêm cấp hay thấy sưng tấy vùng chân răng. Nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là làm sạch hết chiều dài ống tủy, hàn kín ống tủy, việc này đòi hỏi trang thiết bị đầy đủ, chụp Xquang kiểm tra kỹ càng. Có thể điều trị xong trong một lần hay nhiều lần.
6. Nứt răng, nứt gãy chân răng
Nguyên nhân giống như trường hợp răng sứt mẻ. Có thể nứt vỡ đột ngột và có đau ngay lập tức hay nứt không có triệu chứng và nặng dần theo thời gian: ăn nhai thấy ê buốt, buốt khi uống nước lạnh, cơn đau tự nhiên dữ dội. Chẩn đoán dựa vào mắt thường và phim Xquang, đôi khi không thấy đường nứt gãy trên phim. Điều trị: Bọc răng sứ, chữa tủy nếu có viêm tủy không hồi phục, bỏ mảnh răng nứt nếu đã tách rời, có thể phải nhổ răng nếu nứt gãy quá sâu dưới chân răng.
7. Biến chứng do răng khôn
Là răng mọc muộn nhất (17 – 21 tuổi) và thường không đủ chỗ trên cung hàm nên hay bị mọc lệch, ngầm, lợi trùm gây nhiều biến chứng: viêm quanh thân răng, dắt thức ăn gây sâu răng số 7, tiêu xương, đẩy nhóm răng phía trước xô lệch… Nên khám phát hiện răng khôn sớm và nhổ răng khôn trước khi gây biến chứng, nhổ răng khôn thường an toàn và nhẹ nhàng. Đặc biệt phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm có răng khôn lợi trùm rất dễ bị sưng đau, xử lý khó khăn do hạn chế dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.
8. Đau quai hàm (viêm khớp thái dương hàm)
Gây ra cơn đau ở hàm, mặt, vùng tai hoặc cổ, khó khăn khi ăn nhai, nói, há miệng, có thể có tiếng lục cục khi há ngậm miệng. Nguyên nhân: chấn thương, viêm khớp thái dương hàm, thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm, trạng thái stress, tật nghiến răng, khớp cắn sai… Điều trị theo nguyên nhân, có thể phối hợp: liệu pháp tâm lý, thuốc giãn cơ, giảm đau, phẫu thuật, máng nhai, chỉnh răng và các nguyên nhân do răng, khớp cắn.
9. Răng sỉn màu, đổi màu
Màu sắc răng khác với bình thường có thể do nhiều nhóm nguyên nhân: nhiễm màu nội sinh (dùng thuốc, bệnh bilirubin máu cao bẩm sinh – răng sữa màu xanh, nhiễm màu Porphyrin – răng màu nâu đỏ), nhiễm màu ngoại sinh (do thức ăn, nước uống có màu, các vi khuẩn sinh màu, các vết trám răng…), nhiễm fluor, mòn răng, sau điều trị tủy, sau chấn thương gây chết tủy răng… Điều trị theo nguyên nhân: loại bỏ mảng bám, thay đổi môi trường miệng, tẩy trắng răng, dán răng sứ veneers với trường hợp nhiễm màu nặng.
Biện pháp phòng bệnh răng miệng hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh răng miệng, bạn phải chải răng đúng cách khoảng 2 lần mỗi ngày; dùng chỉ tơ nha khoa để lấy đi thức ăn, mảng bám trên răng; đồng thời thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
Ngoài ra, bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần và thay bàn chải 3-4 tháng/lần vì bàn chải là ổ tích tụ vi khuẩn. Điều này giúp nâng cao hiệu quả chải răng và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn mỗi lần đánh răng.
Đừng quên rèn luyện thói quen súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày để tiêu diệt và ngăn ngừa khả năng phát triển, sinh sôi các hại khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.
Bệnh răng miệng tuy không gây nhiều nguy hiểm nhưng thường gây nhiều khó chịu trong ăn uống, sinh hoạt do đó bạn nên có phương pháp bảo vệ sức khỏe răng miệng phù hợp như chải răng đúng cách, chế độ ăn uống ít đường…Bên cạnh đó cũng nên theo dõi răng miệng theo định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị nếu mắc phải các bệnh về răng miệng.
Theo Khoe.online tổng hợp