Điều trị, chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não hiệu quả
Tác giả: huong
Xuất huyết não là một trong những trường hợp đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi, chiếm từ 8-11% tỷ lệ các ca đột quỵ có nguy cơ gây tử vong cao. Nguy cơ xuất huyết não thường xuất hiện ở những người có tiền sử huyết áp cao, tăng huyết áp đột ngột, mắc chứng bệnh mạch máu não thoái hóa hoặc có dị dạng động tĩnh mạch não.
Những trường hợp nghiêm trọng dù cứu chữa kịp thời, bệnh vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài. Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não sau đây sẽ giúp hiệu quả điều trị được tốt hơn.
Chăm sóc bệnh nhân theo hướng điều trị của bác sĩ
Sau khi bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch do xuất huyết não, nguy cơ di chứng để lại là rất cao. Trong đó 2 di chứng thường gặp nhất là tình trạng liệt 1 chi, bán thân hoặc toàn thân và rối loạn ngôn ngữ, nhận thức, thậm chí là trở thành người thực vật. Tùy theo tình trạng bệnh nhân đang phải đối mặt, mà liệu trình điều trị cũng sẽ khác nhau.
Việc điều trị và chăm sóc đúng cách đóng vai trò rất lớn đến kết quả hồi phục của bệnh nhân. Chăm sóc sai cách, lơ là trong công tác điều trị khiến khả năng hồi phục có thể không cải thiện, nguy cơ tái phát cao. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 4-6 tháng, cho đến vài năm hoặc thậm chí là suốt đời, tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Khi đến giai đoạn tự chăm sóc tại gia, người nhà cần tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về các phương pháp điều trị để giúp bệnh nhân hồi phục.
Thực hiện bài tập phục hồi chức năng vận động và nhận thức
Đây là một trong những giải pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhân cần thực hiện nhiều nhất sau dư chấn xuất huyết não. Đối với những trường hợp nhẹ vẫn có thể tự cử động, người nhà cần thường xuyên giúp đỡ tập các bài tập vật lý trị liệu phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ tại bệnh viện và tại nhà. Cụ thể:
– Hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác vận động, co duỗi chân tay ngày 2 lần để các cơ được vận động, không bị co cứng.
– Xoa bóp các cơ, chi cho bệnh nhân để giảm thiểu nguy cơ teo cơ, rút gân do ít vận động.
– Nếu bệnh nhân bị liệt toàn thân, nên thường xuyên giúp bệnh nhân thay đổi tư thế nằm nghiêng, ngồi… để tránh nguy cơ lở loét vùng lưng,
– Đưa bệnh nhân đến bệnh viện theo đúng hẹn để thực hiện các bài tập vật lý trị liệu.
– Giúp bệnh nhân có thể tự thực hiện các động tác sinh hoạt cá nhân nếu có thể càng nhiều càng tốt, đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái được vận động mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Những ảnh hưởng từ việc tăng hàm lượng cholesterol trong máu, tiểu đường, thói quen sử dụng bia, rượu, chất kích thích… và ăn uống các thực phẩm không lành mạnh cũng chính là những nguyên nhân gây ra xuất huyết não thường gặp.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều rất cần thiết để bệnh nhân hồi phục hiệu quả:
– Bệnh nhân xuất huyết não cần nạp từ 1.800 – 2.200 kcal mỗi ngày làm năng lượng. Tuy vậy nên chia nhỏ bữa ăn hằng ngày, tránh việc để bệnh nhân ăn quá no có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây khó thở, nghẹt thở.
– Chọn lựa các thực phẩm giàu chất xơ có trong các loại rau củ, trái cây.
– Chế biến thực phẩm thanh đạm, hạn chế sử dụng dầu mỡ và nhiều gia vị cho bệnh nhân.
– Chế biến các món ăn dạng lỏng, mềm, dễ hấp thu để bệnh nhân tiêu hóa tốt hơn.
– Nếu có thể tự ăn uống nên để bệnh nhân tự thực hiện, không thúc ép, nhai nuốt chậm rãi để tăng thêm cơ hội vận động tay.
– Trường hợp hôn mê sâu, sống thực vật sẽ được tiến hành truyền dinh dưỡng qua ống theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên truyền chậm, nhẹ nhàng để tránh gây nguy hiểm cho người bệnh.
Các lưu ý khác khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não
Ngoài ra người nhà cũng cần lưu ý một số điều sau khi chăm sóc xuất huyết não:
– Đảm bảo giữ gìn vệ sinh cơ thể bệnh nhân sạch sẽ, thay quần áo mỗi ngày, luôn đảm bảo cơ thể khô thoáng trước khi nằm. Những vùng da kín, vùng xương cụt, xương 2 bả vai, gót chân, mông, ót đầu, lưng… nên được vệ sinh sạch sẽ, dùng phấn rơm để hạn chế nguy cơ lở loét.
– Bệnh nhân chỉ có thể nằm một chỗ cần được lăn trở thường xuyên để hạn chế nguy cơ bị lở loét. Nếu có dấu hiệu lở loét, nên vệ sinh sạch sẽ, khử trùng ngay cũng như xoa bóp thường xuyên để máu huyết lưu thông, hồi phục vết thương sớm.
– Giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân dù bệnh nhân đã mất nhận thức hay chưa, để tinh thần người bệnh luôn được thoải mái, sảng khoái.
– Cho bệnh nhân nằm chiếu cói, nệm nước, không sử dụng loại nệm cao su, chiếu nhựa.
Thường xuyên cập nhật các kiến thức chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não để có thể hỗ trợ điều trị bệnh được tốt hơn, giúp bệnh nhân có được kết quả hồi phục tốt hơn.
Theo khoe.online tổng hợp