Chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ do sinh lý hay bệnh lý?

Tác giả: huong

Mồ hôi trộm ở trẻ là tình trạng xảy ra phổ biến vào ban đêm, khi trẻ đang ngủ. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường khi hệ thần kinh của trẻ còn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ ra mồ hôi trộm liên tục và kèm theo chán ăn, da dẻ nhợt nhạt, mệt mỏi…thì đó lại là dấu hiệu của những bệnh lý.

Đặc điểm mồ hôi trộm ở trẻ

Mồ hôi trộm ở trẻ xuất hiện ở lưng, nách, gáy, bàn tay, bàn chân. Vì tất cả những nơi đó có nhiều tuyến MH nằm dưới da. Trong khi đó, những vị trí khác như cánh tay, bụng và đùi không hề có mồ hôi. Hiện tượng này hay gặp vào ban đêm khi trẻ ngủ. Kể cả khi thời tiết trở lạnh, trẻ vẫn ra mồ hôi nhiều. Trẻ thường tiết mồ hôi khi đã ngủ sâu. Dù mồ hôi ướt đẫm cả quần áo nhưng bé vẫn thấy thoải mái khi ngủ.

mồ hôi trộm ở trẻ

Cách phân biệt mồ hôi trộm sinh lý và bệnh lý

1. Mồ hôi trộm do sinh lý

Trẻ nhỏ có hệ thần kinh đại não còn khá non nớt. Sự trao đổi chất ở trẻ có thể diễn ra mạnh hơn ở người lớn. Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ cơ thể còn chưa hoàn thiện. Đồng thời, tỷ lệ số lượng tuyến mồ hôi so với kích thước cơ thể quá cao. Tất cả những điều đó dẫn đến chứng mồ hôi trộm sinh lý ở trẻ. Nó hoàn toàn không gây hại với sức khỏe.

Khi ngủ thời tiết trong phòng quá nóng hoặc mẹ đắp quá nhiều chăn cho bé cũng là nguyên nhân khiến bé đổ nhiều mồ hôi. Tiết mồ hôi nhiều là cách để cơ thể tỏa nhiệt. Vì thế cha mẹ đừng nên ủ kỹ bé quá mà vô tình tạo nên sự bí bách nóng bức.

mồ hôi trộm ở trẻ

Theo một nghiên cứu khoa học, mồ hôi trộm ở trẻ là do gen di truyền. Đa số hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ có người thân trong gia đình gặp chứng ra mồ hôi nhiều.

2. Mồ hôi trộm do bệnh lý

– Trẻ mắc bệnh còi xương: Chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ là một biểu hiện sớm của bệnh còi xương. Hầu hết ở giai đoạn sớm của tình trạng còi xương, bé sẽ gặp nhiều triệu chứng như: đổ mồ hôi trộm, quấy khóc, ngủ không yên giấc. Nếu quan sát, cha mẹ sẽ thấy con tiết mồ hôi nhiều ở vùng trán, vùng gáy. Thậm chí một số trường hợp còn bị rụng tóc ở phần sau gáy. Nguyên nhân chủ yếu là do bé thiếu vitamin D, thiếu ánh nắng mặt trời. Chế độ ăn uống thiếu canxi cũng là lý do dẫn đến còi xương.

mồ hôi trộm ở trẻ

– Đường trong máu thấp: Nếu trẻ đổ mồ hôi trộm kèm theo nhiều triệu chứng sắc mặt nhợt nhạt, tay chân lạnh run thường xuyên, cha mẹ có thể nghi ngờ lượng đường trong máu của con đang hạ thấp.

– Cơ thể suy nhược: Đổ mồ hôi trộm đi cùng sắc mặt trắng nhợt, mất cảm giác thèm ăn, tinh thần kém…Đó là tín hiệu trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, cơ thể suy nhược.

Cách khắc phục và chăm sóc khi trẻ ra mồ hôi trộm

– Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát. Cha mẹ cần kiểm soát nhiệt độ trong phòng một cách hợp lý. Đối với trẻ nhỏ, 26 – 28 độ C là nhiệt độ lý tưởng nhất để hạn chế trẻ ra mồ hôi.

– Khi trẻ ra mồ hôi trộm, bạn cần lau khô ngay. Nếu để mồ hôi thẩm thấu nhiều vào quần áo, trẻ rất dễ bị cảm lạnh.

– Không nên ủ trẻ quá kỹ, đắp quá nhiều chăn khiến trẻ nóng bức. Trẻ nhỏ cần được quần áo có chất lượng vải mềm, thấm hút tốt.

– Cho trẻ uống nhiều nước là cách để cơ thể trẻ không mất nước sau khi ra mồ hôi quá nhiều.

mồ hôi trộm ở trẻ

– Thường xuyên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng để tăng cường vitamin D. Thời điểm từ 8 đến 10 giờ mỗi buổi sáng là hợp lý. Tuy nhiên thời gian tắm nắng cho trẻ chỉ nên tăng dần từ 10 đến 30 phút/ngày. Lưu ý, chỉ nên cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng, không để cho đầu hoặc mắt trẻ tiếp xúc trực tiếp.

Khi chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ “song hành” cùng các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám. Nếu phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời, trẻ hoàn toàn có thể khỏi hẳn. Nhưng nếu cha mẹ chủ quan thì con sẽ phải gánh chịu suốt đời, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi và cuộc sống sau này.

Theo Khoe.online tổng hợp