Hen phế quản và những điều cần lưu ý

Tác giả: sites

Hen phế quản, hay còn gọi là bệnh hen suyễn, bệnh suyễn. Khi bị hen phế quản, người bệnh sẽ thấy khó thở từng cơn do phế quản bị co thắt kèm theo tăng tiết dịch, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.

hen phế quản

Nguyên nhân hen phế quản

Hen phế quản có thể do nhiều dị nguyên kích thích gây ra như: bụi, nấm mốc, lông chó mèo, phấn hoa,…

Theo BS. Đào Thế Tân, bệnh hen phế quản có thể có yếu tố di truyền, không do vi khuẩn trực tiếp gây nên nhưng các viêm nhiễm hô hấp mạn tính đường hô hấp có thể phối hợp dẫn đến cơn hen. Các yếu tố về thời tiết như thay đổi thời tiết, đổi mùa, mưa phùn gió bấc ẩm ướt, nhiễm lạnh là những yếu tố gây khởi phát các cơn hen.

Theo thống kê cho thấy, ở Việt Nam, cứ 1000 người thì có khoảng 50 – 60 người mắc bệnh hen phế quản. Đây là một trong những căn bệnh chiếm tỷ lệ cao trong số các căn bệnh không do nhiễm khuẩn.

Triệu chứng chủ yếu của hen phế quản

Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần. Thường là từ đêm khuya tới sáng. Do tăng tiết dịch nhầy ở phế quản và các cơ phế quản co thắt nên gây khó thở, đặc biệt là khó thở ra. Khó thở tạo thành các tiếng rít, như tiếng cò cử, bác sĩ và kể cả những người xung quanh đều có thể nghe được mà không cần ống nghe.

Tùy vào độ nặng nhẹ mà các cơn khó thở này có thể kéo dài từ 5 – 10 phút lên đến hàng giờ.

Đây vừa là triệu chứng mà cũng vừa là những phiền toái của bệnh cần điều trị. Do đó, chữa hen phế quản thực chất là chữa những cơn khó thở này. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là cơn hen ác tính khó thở trầm trọng, có khi ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp và dẫn đến tử vong.

Cách điều trị bệnh hen phế quản

Với những lý do như trên, theo BS. Đào Thế Tân điều trị hen phế quản là nhằm vào điều trị cắt cơn hen, dự phòng cơn hen và điều trị dự phòng để các cơn hen càng thưa ra càng tốt.

Ngày nay, người bệnh hen phế quản đã quá quen thuộc với các loại thuốc cắt cơn hen, các loại thuốc dạng hít, thuốc xịt mà bác sĩ chỉ định cho nhiều lần. Do đó, việc cắt cơn hen đã không còn khó khăn đến mức phải nhập viện như ngày xưa. Tuy nhiên, người bệnh cần phải luôn chú ý mang theo thuốc bên người để phòng ngừa những trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cứ định kỳ 6 tháng đến 1 năm, người bệnh vẫn phải đi tái khám để được theo dõi, đánh giá lại tình trạng bệnh và điểu chỉnh thuốc cho phù hợp nhằm chủ động kiểm soát cơn hen.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần điều chỉnh, thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh của mình để giảm bớt các cảm xúc tiêu cực, stress dẫn đến các cơn ho hen. Và tránh xa các dị nguyên gây dị ứng như: phấn hoa, khói bụi, lông chó mèo, các loại sợi trong chăn, đệm, thảm,…

Tập thể dục và các bài tập thở hàng ngày cũng là cách để rèn luyện sức lực, tăng cường hệ hô hấp và giảm thiểu các cơn hen.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng bài viết trên có thể đem đến cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh hen phế quản.

Theo Khoe.online tổng hợp