Nguyên nhân trẻ sơ sinh tăng cân chậm và cách khắc phục
Tác giả: huong
Khi nuôi con, bà mẹ nào cũng mong muốn bé nhà mình luôn khỏe mạnh và tăng cân đều. Thế nhưng tình trạng trẻ sơ sinh tăng cân chậm, thậm chí là sụt cân vẫn xảy ra phổ biến. Đó có thể là do chế độ dinh dưỡng của bé không đủ chất, do cách cho bé bú hoặc bé ăn không hợp lý cùng rất nhiều những nguyên nhân khác mà chúng ta thường bỏ qua trong quá trình chăm con.
Do đâu trẻ sơ sinh tăng cân chậm?
1. Trẻ sinh non
Khi mẹ sinh bé vào tuần thứ 34 – 37 thay vì một chu kỳ 42 tuần như bình thường thì được gọi là sinh non. Trong giai đoạn này, cơ thể bé rất yếu ớt, hệ miễn dịch còn kém. Các chuyên gia cho rằng, hệ tiêu hóa của bé khi ấy còn non nớt. Vì thế bé rất cần sữa mẹ để cung cấp các men tiêu hóa dễ hấp thu. Nếu khả năng ngậm, nuốt và hít thở của bé khó khăn, mẹ nên cho ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn cần tham khảo ý kiến và lời khuyên rõ ràng từ bác sĩ.
2. Tắm sau khi ăn
Có nhiều mẹ thường tắm cho bé ngay sau khi ăn. Đây là một thói quen hoàn toàn sai lầm. Bởi sau khi ăn, trẻ sơ sinh cũng cần thời gian để dạ dày làm việc. Nếu đi tắm ngay, quá trình tiêu hóa của bé sẽ diễn ra chậm hơn. Từ đó quá trình trao đổi chất của bé cũng giảm đi. Nếu trẻ sơ sinh tăng cân chậm, mẹ cần thay đổi thói quen này. Hãy tắm cho bé trước rồi ăn sau, mẹ nhé!
3. Trẻ sơ sinh nhiễm giun
Theo các chuyên gia, các bậc phụ huynh cần tẩy giun định kỳ cho con 6 tháng/lần. Nếu không, giun trong đường ruột sẽ ngăn chặn hết nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm. Sự xuất hiện của các ký sinh trùng sẽ chia bớt lượng thức ăn vào cơ thể. Điều này càng khiến trẻ khó hấp thu dinh dưỡng và chậm tăng cân, thậm chí là sụt cân.
4. Do gen di truyền
Nếu các mẹ chăm sóc con chu đáo nhưng bé vẫn chậm tăng cân? Hãy xem lại yếu tố di truyền từ phía gia đình. Thông thường, hai bên nội ngoại của bé có ông bà, người thân, bố mẹ có vóc dáng nhỏ gầy thì bé ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đây chỉ là yếu tố khách quan, phụ huynh đừng nên lo lắng quá! Tình trạng trẻ sơ sinh chậm tăng cân do di truyền chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, về sau khi con lớn hơn thì cân nặng sẽ được cải thiện tích cực.
5. Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài
Khi nuôi con, các mẹ có biết rằng nếu chúng ta không quan tâm đến thời gian giữa các cữ ăn, cữ bú cũng ảnh hưởng đến cân nặng của bé? Khoảng cách giữa các bữa ăn càng dài thì dạ dày của bé sẽ sinh ra nhiều khí gây đầy hơi. Kết quả là bé không muốn ăn nữa và hấp thu dinh dưỡng ít đi.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian lý tưởng giữa các bữa ăn nên cách nhau từ 2,5 – 4 giờ. Trẻ sơ sinh cần được ăn 8 – 12 lần trong ngày. Mẹ nên cho bé ăn trong 30 phút sau khi thức dậy. Trong trường hợp trẻ sơ sinh ngủ nhiều nhưng lại bú không đủ cữ, mẹ hãy đánh thức bé dậy để bú.
6. Dinh dưỡng không hợp lý
Vì lý do nào đó, có thể là do mẹ không có thời gian nên cho bé bú không đủ. Đôi khi, mẹ dùng sữa công thức pha không đúng cách hoặc không lựa chọn nhiều thực phẩm ăn dặm đa dạng khiến bé thiếu chất. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý là một nguyên nhân rất quan trọng khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm.
Ngoài ra, một số mẹ còn có quan niệm sai lầm lấy nước hầm xương nấu cháo cho con. Hầu như chúng ta thường nghĩ rằng nước hầm xương chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên nó chỉ góp phần tăng khẩu vị cho món ăn thêm ngon ngọt. Chất dinh dưỡng thực sự vẫn còn nằm trong xác thịt và xương. Về lâu dài, nếu các mẹ cứ tiếp tục chỉ lấy mỗi nước hầm mà bỏ qua thịt hoặc xương thì tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ là khó tránh khỏi.
Cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân đều
Ngoài những cách khắc phục đi cùng với các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tăng cân chậm như đề cập ở trên, các mẹ có thể lưu ý thêm những điều sau:
– Mẹ cần đảm bảo số lượng sữa và số cữ bú ở trẻ: Bé mới sinh cần 30 – 90ml sữa sau mỗi vài giờ. Bé 2 tháng tuổi cần 120 – 150ml sữa sau 3 – 4 tiếng. Bé 4 tháng tuổi cần 120 – 180ml sữa sau 4 tiếng.
– Nếu trẻ tới độ tháng tuổi ăn dặm, mẹ cần lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm sao cho đủ 4 nhóm chất: đạm, bột, béo và rau.
– Khi bé bị ốm, các mẹ càng cho con ăn nhiều để kịp thời cung cấp nhiều dinh dưỡng giúp con nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Hy vọng qua những thông tin trên, các mẹ có thể trang bị thêm nhiều kiến thức nuôi con khỏe mạnh và khôn lớn, phòng tránh tình trạng trẻ sơ sinh tăng cân chậm lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng.
Theo Khoe.online tổng hợp