Nói lắp ở trẻ em – Bố mẹ cần phải làm gì?
Tác giả: sites
Nói lắp ở trẻ em (nói cà lăm) là một tật rất phổ biến ở trẻ em. Tật nói lắp thường xuất hiện khi trẻ đang trong giai đoạn tập nói (2 – 4 tuổi) và thường sẽ tự khỏi khi trẻ đã biết nói những câu ngắn có nghĩa. Nhưng cũng có trường hợp trẻ bị nói lắp do nhiều nguyên nhân, không thể tự khỏi được và trở thành mãn tính. Đây là bệnh và cần kiên trì điệu trị trong thời gian dài.
Không giống như ở những đứa trẻ bình thường khác, trẻ bị nói lắp có vấn đề đặc biệt trong phát âm từ đầu tiên của câu hay khi bắt đầu nói một từ nào đó. Trẻ không thể nói ra một cách trơn tru và dễ dàng như bình thường mặc dù trẻ có thể biết rất rõ điều mình muốn nói là gì.
Nói lắp ở trẻ em là gì?
Nói lắp ở trẻ em là một sự lặp đi, lặp lại kéo dài hoặc bị tắc nghẽn không tự nguyện của một người đang cố nói một từ hoặc một phần của một từ nào đó. Đôi khi trẻ bị căng thẳng nên đã kéo dài và phóng đại âm thanh của từ. Hoặc dường như trẻ bị kẹt và không thể phát ra âm thanh hay nói ra từ đó.
Theo TS. BS.Nguyễn Duy Dương – Khoa Thính – thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TW cho biết, nói lắp ở trẻ em có thể là lặp từ như “Bố, bố, bố,… ơi”. Nếu không được phát hiện và điểu chỉnh kịp thời có thể chuyển thành tình trạng kéo dài từ như “Bố… ố… ơi”. Hoặc bị mất hẳn từ như “Bố… ố…” không thể phát ra được từ ơi. Và tình trạng nói lắp ở trẻ em có thể sẽ diễn tiến nặng hơn khi người lớn có thái độ quát mắng, trách móc và chỉnh sửa không phù hợp,… Khi đó, trẻ sẽ “nhát” nói hoặc phải dùng sức nhiều khi nói, khiến từ bị mất hẳn.
Nói lắp ở trẻ em là do đâu?
– Do di truyền: Trẻ có bố hay mẹ, anh, chị có tiền sử nói lắp thường có nguy cơ bị tật nói lắp bẩm sinh cao gấp 10 lần những trẻ bình thường.
– Trẻ bị tổn thương vùng Broca trong não (vùng phân tích vận động của lời nói), dẫn đến nói lắp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng forceps trong khi sinh nở hay đầu trẻ bị va đập khi còn nhỏ là nguyên nhân dẫn đến tổn thương vùng Broca trong nào và là nguyên nhân gây nên tật nói lắp ở trẻ.
– Trẻ thuận tay trái đang trong quá trình chuyển sang dùng tay phải, do trung tâm thần kinh của lời nói có liên quan chặt chẽ với trung tâm chỉ huy cánh tay nên việc thay đổi dễ khiến trẻ sinh tật nói lắp.
– Do tác động tâm lý: Nhiều trẻ nói lắp khi xúc động, cáu gắt, hay khi nói trước đông người. Trẻ bị trêu đùa, quấy rối quá mức cũng dễ sinh nói lắp. Có thể nói đây là nguyên nhân khiến trẻ nói lắp phổ biến nhất hiện nay. Khi trẻ có biểu hiện nói lắp trong những trường hợp này, bố mẹ nên nhẹ nhàng trấn tĩnh trẻ và nói với trẻ cứ từ từ mà nói.
– Vốn từ của trẻ còn hạn chế khiến trẻ khó diễn đạt đúng vấn đề, việc trẻ lặp đi lặp lại cũng nhằm mục đích tìm từ ngữ thích hợp để diễn tả.
Biểu hiện của trẻ nói lắp
- Trẻ nói khó khăn, khó phát âm.
- Trẻ nói nhát gừng, dằn mạnh từng tiếng.
- Câu nói ngắt quãng, một số từ lặp lại nhiều lần, ví dụ: mẹ ơi, con… con mèo nó… nó… bắt… bắt chuột.
Một số biện pháp khắc phục tình trạng nói lắp ở trẻ
– Tìm hiểu và khắc phục vấn đề căng thẳng thần kinh của trẻ. Nếu trẻ nói lắp do xúc động, cáu gắt hay bị trêu chọc, hãy gợi ý trẻ diễn đạt vấn đề khi đã hoàn toàn bình tĩnh trở lại.
– Dạy trẻ nói chậm, rõ ràng, rành mạch, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu. Để trẻ nói những câu ngắn, nếu có từ mới, mẹ nên nói thật chậm hoặc giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu.
Không ngắt lời trẻ khi trẻ đang nói, lặp lại một cách chính xác câu trẻ nói để trẻ nói lại theo bạn là một phương pháp khắc phục tật nói lắp ở trẻ mà đa số các bác sĩ đều khuyên bố mẹ nên thực hiện. Ví dụ khi bé nói: Mẹ ơi, con…con cóc nó…nó…nó đang bắản …bắt…muỗi đấy, bạn hãy nhắc lại: Phải rồi, con cóc nó đang bắt muỗi.
– Chỉ trả lời câu hỏi của trẻ khi trẻ đã hỏi xong, không trả lời trong khi trẻ đang nói hay lái trẻ sang chủ đề khác khiến trẻ quên mất nội dung cần biểu đạt.
– Để trẻ nói một cách tự nhiên bằng cách tạo môi trường giao tiếp không có tình trạng nói lắp để trẻ diễn đạt lời nói một cách trôi chảy.
– Kiên nhẫn: Chữa nói lắp cho trẻ không khó, nhưng đòi hỏi bố mẹ phải hiểu bé, đồng thời cần phải kiên nhẫn với bé, không ép buộc hay dọa dẫm khiến trẻ sợ hãi. Đây là cách khắc phục tật nói lắp ở trẻ hiệu quả nhất. Bởi chỉ khi kiên nhẫn với trẻ thì trẻ mới hiểu và bình tĩnh diễn đạt.
90% số trẻ nói lắp có thể nói bình thường trở lại sau một thời gian, do vốn từ của trẻ đã đầy đủ hơn, trẻ cũng tự tin, bình tĩnh hơn trong việc thể hiện lời nói. Tuy nhiên, để tránh tình trạng nói lắp ở trẻ kéo dài gây ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt, bố mẹ cần chú ý phát hiện, tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục tật nói lắp ở trẻ càng sớm càng tốt. Hy vọng với một số biện pháp trên đây sẽ giúp trẻ nhà bạn tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Theo khoe.online tổng hợp