Tăng cơ cấp tốc hại nhiều hơn lợi
Tác giả: uyennguyen
Nhiều bạn trẻ vì mong muốn nhanh chóng có được thân hình chữ V vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, bụng 6 múi… đã dùng “phương pháp” tăng cơ cấp tốc nhưng không hề biết phương pháp này gây khá nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe.
Trên các trang mạng xã hội, tràn đầy những thông tin bài viết, hình ảnh về các trường hợp “biến hóa bất ngờ”, tăng cơ cấp tốc. Từ cậu trai gầy gò thành hotboy có thân hình chữ V (vai rộng, ngực nở), cơ bắp săn chắc khiến nhiều bạn trẻ tìm đủ mọi cách để được… “lột xác”. Các chủ tài khoản tranh thủ rao bán nhiều loại sản phẩm giúp tăng cơ nhanh chóng.
Đáng sợ tăng cơ cấp tốc 1 tuần?
Sử dụng tính năng livestream (phát video trực tiếp) của mạng xã hội, sau vài phút một người mẫu nam có thân hình săn chắc ra giới thiệu sản phẩm, chị N. bắt đầu giải đáp thắc mắc của nhiều bạn trẻ với nội dung người dùng chỉ cần sử dụng từ 1-2 tuần là có ngay thân hình “vạn người mê”.
Tại một trang khác, chủ cửa hàng online đăng tải hàng loạt hình ảnh sản phẩm hỗ trợ tăng cơ của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài và khẳng định: “Hàng xách tay chính hãng, anh chị đặt mua ngay để có thân hình mơ ước”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không có chuyện “tăng cơ cấp tốc”. Những sản phẩm loại này chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng người dùng.
Có thể gây hỏng tim, gan
Theo các chuyên gia về thể hình, trên thị trường hiện đang có 3 nhóm sản phẩm hỗ trợ người tập thể hình.
Phổ biến nhất là các loại bột đậu, bột ngũ cốc giá cả bình dân, dùng cho mọi đối tượng. Loại này ít được người muốn tăng cơ cấp tốc mua dùng vì cơ thể hấp thu thành phần dinh dưỡng của nhóm sản phẩm này diễn ra chậm.
Loại thứ hai được rao là các thực phẩm chức năng (dạng viên, nước, bột…) có xuất xứ các nơi như Mỹ, Anh, Pháp… Giá dao động từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng cho liều dùng 2-3 tháng (đối với người bình thường) hoặc 10-20 ngày (đối với vận động viên).
Loại cuối cùng là thuốc uống (hoặc tiêm) kích thích tăng cơ (còn gọi là steroid). Loại này giúp tăng trọng nhanh, giảm và biến chất béo thành cơ bắp, tăng độ dẻo dai khi tập luyện. Nhưng về bản chất, steroid chứa chất tổng hợp liên quan đến testosterone – hormone sinh dục nam, can thiệp vào hệ thống nội tiết, có thể gây hỏng tim, gan, ảnh hưởng tâm lý và nhiều nguy cơ khác về sức khỏe.
Chú ý dinh dưỡng, tập luyện
Bác sĩ Phạm Minh Toàn cho biết muốn có thể hình săn chắc, cơ bắp phát triển phải kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện. Việc tập luyện tại nhà bằng các động tác đơn giản như hít đất, hít xà đơn, gập bụng… chỉ giúp thể trạng của bạn thêm khỏe mạnh, cải thiện vóc dáng. Muốn cải thiện thể hình cần tập luyện với những dụng cụ chuyên biệt tương ứng với các nhóm cơ xương khác nhau như ngực, vai, đùi…
Vận động viên thể hình Trần Hữu Thuận cho rằng muốn tập thể hình đúng cách, các bạn trẻ cần tìm đến các cơ sở uy tín, có những huấn luyện viên “chuẩn” – đủ kiến thức để hướng dẫn bạn từ những bước cơ bản. Vì không phải huấn luyện viên nào cũng có những kiến thức đúng và phù hợp với người mới bắt đầu tập luyện.
Sai lầm cơ bản nhất đối với người mới tập thể hình là tự tìm kiếm các thông tin, hình ảnh, video trên mạng rồi tập theo mà không biết đâu là những bài tập cơ bản, đâu là bài tập nâng cao. Chưa kể những trường hợp thông tin trên mạng sai lệch dẫn đến động tác sai, dễ gây chấn thương nếu tập theo. Ngoài ra, nhiều người còn xem thực phẩm chức năng là “thần dược” trong khi lại coi nhẹ chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Theo bác sĩ CKII Đào Thị Yến Thủy – cố vấn dinh dưỡng tại một bệnh viện quốc tế, tùy vào tình trạng dinh dưỡng hiện tại của người tập thể hình mà có chế độ ăn phù hợp để giảm mỡ, tăng cơ. Nguyên tắc chung là ăn đủ thực phẩm giàu đạm, chất bột đường, giảm chất béo, ăn đủ rau trái.
BS Yến Thủy lưu ý: “Việc sử dụng thực phẩm chức năng hay ngũ cốc cần cân đối trong bữa ăn. Nên tham khảo thực đơn chế độ ăn ở các bác sĩ dinh dưỡng nếu cần có chế độ ăn chuyên biệt”.
Vận động viên Trần Hữu Thuận cho rằng chế độ ngủ nghỉ khoa học càng giúp quá trình tập luyện thêm thuận lợi. Cần lưu ý chế độ ăn uống đối với người tập thể hình sẽ khác nhau với từng trọng lượng cơ thể và tiền sử bệnh lý khác nhau: người 70kg sẽ cần lượng đạm khác với người 100kg, người bình thường có thể ăn 2-3 quả trứng/ngày nhưng người bệnh gan thì không được…
Lượng thức ăn cần phù hợp thì cơ thể mới có thể dung nạp được. Nếu không, dễ gây rối loạn tiêu hóa, béo phì, sinh ra nhiều sản phẩm chuyển hóa không tốt cho cơ thể, axit uric trong máu tăng cao, nguy cơ mắc bệnh gout, tổn thương gan, thận…
Ăn bao nhiêu thì đủ?
Theo BS Đào Thị Yến Thủy, một người trưởng thành cần ăn khoảng 50-100 gam thực phẩm giàu đạm trong một bữa ăn chính, 1-2 chén bột đường, 1-3 muỗng cà phê dầu ăn, 1 chén rau, 200 gam trái cây/ngày. Người tập thể hình không nên ăn quá nhiều đường bột, dầu mỡ và cũng không phải ăn thật nhiều thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng… thì cơ bắp mới phát triển. Chỉ cần ăn đủ đạm và tập luyện bài tập phù hợp để phồng cơ.
Tuyệt đối không được sử dụng thuốc kích thích tăng cơ nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, việc thực hiện những động tác không phù hợp khi tập thể hình sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như gây đau cơ, đau khớp, nhức mỏi…
Theo tuoitre.vn