Bệnh tai mũi họng có dấu hiệu khởi phát khi giao mùa
Tác giả: uyennguyen
Giao mùa là khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mình từ mùa này sang mùa khác, khi mùa hè qua thì mùa thu tới cũng là thời điểm bệnh tai mũi họng có dấu hiệu khởi phát.
Mùa hè tiết trời oi bức không khí nóng, độ ẩm cao, khi chuyển sang mùa thu thì thời tiết hơi lạnh về sáng và đêm là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sinh sôi nảy nở của virus, vi khuẩn, vi nấm…; đặc biệt là các virus, vi khuẩn, vi nấm gây bệnh cho đường hô hấp nói chung hay bệnh lý về tai-mũi-họng nói riêng như: virus Rhino, Corona, Á cúm Para influenza, Adeno, virus hợp bào RSV, vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Streptoccocus Pyogenes, Staphilococcus aureus, Pneumococcus, Corynebacterium, một số vi nấm, phấn hoa… Nên trong thời điểm này chúng ta dễ mắc bệnh liên quan đến tai – mũi – họng như: viêm mũi cấp, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm tai, viêm xoang cấp…
Biểu hiện bệnh và phân loại bệnh
Các dấu hiệu chung của bệnh lý tai – mũi – họng là: sốt, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…
Tùy thuộc vào cơ quan bị bệnh mà mỗi bệnh cụ thể đơn lẻ sẽ có những dấu hiệu điển hình và đặc thù khác nhau. Mặc dù vậy, nhưng vì lý do giữa các bộ phận mũi họng thanh quản đều có thông với nhau bằng đường khí và dịch nên khi một cơ quan bị bệnh thì sẽ nhanh chóng lan qua cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.
Biến chứng
Thường gặp ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người suy giảm miễn dịch…
Một trong những biến chứng nặng và tử vong thường gặp là viêm đường hô hấp dưới do đồng nhiễm hoặc do xử trí bệnh lý tai – mũi – họng không đúng cách và đúng mức. Ngoài những biến chứng trên còn có những biến chứng khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, vì vậy cần phải sự chuẩn bị cho những biến chứng có thể xảy ra của bệnh lý này.
Phòng bệnh
– Giữ môi trường trong và ngoài nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt.
– Với trẻ em và người già, gần sáng và đêm lạnh nên mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra, không mặc nhiều.
– Tắm giặt, vệ sinh tai – mũi – họng, cơ thể hàng ngày sạch sẽ.
– Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm… hợp lý.
– Chú ý tới giấc ngủ, giấc ngủ sâu sẽ khiến người khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn.
– Ăn uống hợp vệ sinh, chọn thực phẩm phù hợp, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, cân đối giữa chất đạm, bột, chất xơ.
– Bảo quản tốt đồ ăn, hạn chế lưu trữ đồ ăn từ ngày này sang ngày khác.
– Tập thể dục đều đặn, bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, rửa tay thường xuyên sẽ giúp tránh nhiễm bệnh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ.
– Cần điều trị sớm và đúng cánh để phòng ngừa các biến chứng.
– Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM