Trị mụn nhọt hăm tã cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ nhi

Tác giả: uyennguyen

Hăm tã, mụn nhọt là hai chứng bệnh ngoài da phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng thường kéo dài dai dẳng, dễ tái phát, khiến không ít mẹ bỉm sữa mệt mỏi tìm cách chăm sóc và điều trị.

Nỗi lo khi trẻ bị hăm tã, rôm sảy, mụn nhọt

Trong thời tiết chuyển mùa, bé dễ bị hăm tã, khô da, hay bé phải dùng kháng sinh dài ngày khiến cơ thể nóng gây ra mụn nhọt, rôm sảy. Không điều trị kịp thời, vùng da bị bệnh có thể nhiễm khuẩn, sưng đỏ, sinh mủ, chảy nước, tay bé gãi nhiều khiến tình trạng bệnh nguy hiểm và nặng hơn có thể nhiễm trùng máu. Các bố mẹ đều lúng túng không biết xử lý ra sao, bệnh chưa đến mức đi viện mà để bé ở nhà quấy khóc, khó ngủ khiến mẹ lại thêm lo lắng.

Trị mụn nhọt hăm tã cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ nhi
Hăm tã, mụn nhọt là hai chứng bệnh ngoài da phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Thói quen bôi các loại kem khi trẻ bị hăm tã, mụn nhọt của bố mẹ cũng khiến da bé nhờn dính, khó chịu, tay bé dễ quẹt vào vị trí bôi kem, rồi các bé lại đưa lên miệng ngậm, vô tình tạo nên sự nguy hiểm khi các hoạt chất trong kem bôi dùng ngoài da không được cho lên miệng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng hăm tã do làn da mỏng manh của trẻ thiếu lớp mảng bảo vệ, dễ kích ứng khi thường xuyên phải tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh (môi trường ẩm ướt, bụi bẩn, hóa chất…).

Trong khi đó, mụn nhọt thường do vi khuẩn hoặc tụ cầu gây ra. Bên cạnh đó, trẻ rôm sảy nếu không vệ sinh kỹ cũng dẫn tới việc hình thành mụn nhọt, có thể nhiễm trùng gây mủ.

Chứng hăm thường xảy ra ở khu vực mặc tã với các dấu hiệu đặc trưng: vùng da tấy đỏ; da căng khiến trẻ đau rát, khó chịu. Mụn nhọt có thể mọc ở bất kỳ đâu trên cơ thể, nhiều nhất ở các vùng thường xuyên ma sát như cổ, mặt, đùi, nách và mông. Các nốt to bằng hạt đậu, đỏ tấy và gây đau đớn cho trẻ.

Tuy là bệnh ngoài da, nhưng hăm tã và mụn nhọt có thể gây biến chứng nguy hiểm với sức khỏe. Tác hại trước mắt là hạn chế khả năng vận động, trẻ đau rát, khó chịu, cáu gắt, không chịu chơi, kém ăn uống. Đặc biệt, hăm tã sẽ chuyển thành dạng nấm hoặc nhiễm khuẩn nếu không điều trị dứt điểm.

Mụn nhọt có thể gây sốt, mưng mủ, thậm chí là tác nhân gây nhiễm trùng máu, viêm mủ màng phổi, tràn mủ màng tim, viêm màng não mủ ở trẻ. Do đó, các mẹ không nên xem nhẹ khi con mắc hai bệnh này.

Điều trị mụn nhọt rôm sảy hăm tã cho bé

Để phòng bệnh, bác sĩ Lộc tư vấn có thể sử dụng bài thuốc dân gian thoa lên vùng da mắc bệnh. Trong thiên nhiên, có rất nhiều cây cỏ có chất kháng sinh. Nhiều cây thuốc được nhân dân ta dùng làm thuốc tiêu độc, tiêu viêm, sát khuẩn, chữa các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da: rôm sảy, mụn nhọt, chốc lở, hăm tã và nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác có kết quả tốt như mướp đắng, lá trầu không, sài đất, xuyên tâm liên, kim ngân hoa…

Một minh chứng rõ ràng nhất cho việc sử dụng kháng sinh thực vật để điều trị và phòng ngừa hăm tã, mụn nhọt, rôm sảy ở trẻ nhỏ là sử dụng nước lá chè xanh để tắm cho trẻ. Trong trà xanh có chất Lyzozym giúp sát trùng da và thổi bay những vi khuẩn gây bệnh bám trên da của trẻ. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng một số thảo dược khác như: lá trầu không, lá khế, cây mã đề… để tắm khi trẻ.

Thông thường, mẹ chỉ cần dùng một nắm lá tươi, rửa thật sạch rồi vò nát để pha nước tắm cho bé. Nếu là lá khô thì đem nấu sôi chừng 10 phút rồi làm tương tự như vậy. Cách làm đơn giản nên rất tiện lợi, được nhiều bà mẹ áp dụng.

Tuy nhiên, khi sử dụng các loại lá tắm cho trẻ, mẹ hết sức lưu ý chọn những loại lá sạch, không có sâu bọ hay thuốc bảo vệ thực vật bởi các loại lá này có thể không rửa hết được vi khuẩn trên lá, lá có lông, là nguồn đưa vi khuẩn vào cho bé.

Bác sĩ Lộc cho biết, trẻ hăm tã hoặc mụn nhọt tắm sạch mỗi ngày sẽ nhanh khỏi, nên dùng các sản phẩm thảo dược thiên nhiên an toàn như tinh chất hoàng liên, tinh dầu mùi… Ngoài ra, cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát; không chà sát, gãi hoặc nặn mụn; tạm ngưng dùng các sản phẩm chứa hóa chất bảo quản, tẩy rửa, kích ứng.

Trị mụn nhọt hăm tã cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ nhi
Vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tắm bột thảo dược… là giải pháp phòng và chữa hăm tã, mụn nhọt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Những trường hợp cần bố mẹ đặc biệt chú ý

Mụn nhọt là một chứng bệnh phổ biến và thường tự hết sau 8-10 ngày và thường không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bé gặp phải những trường hợp sau thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám:

– Mụn nhọt ở trên mặt bé

– Mụn tiếp tục sưng to sau hơn 2 tuần

– Có những triệu chứng khác như trẻ bị sốt hay mệt mỏi, khó chịu

– Sờ vào thấy xốp hay mềm

– Tiến triển thành bệnh hậu bối

– Bé vẫn tiếp tục mọc thêm mụn nhọt

Những bệnh ngoài da này tuy nhẹ nhưng nếu không biết cách can thiệp kịp thời cũng khiến các bé rất khó chịu, quấy khóc, lười ăn, ngủ không ngon giấc, do đó mẹ nên kịp thời có phương pháp điều trị cũng như phòng bệnh cho bé.

Theo Khoe.online tổng hợp