Ung thư hạch – Căn bệnh ác tính
Tác giả: huong
Ung thư hạch là căn bệnh ác tính và ngày càng có xu hướng tăng dần, ước tính trung bình tỷ lệ mỗi năm tăng đến 7.5%. Việc chữa trị bệnh còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện sớm hay muộn. Ung thư hạch nếu phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công lên đến 80%.
Ung thư hạch là gì?
Ung thư hạch là một dạng ung thư xảy ra tại tế bào lympho. Đây chính là các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch nằm trong tủy xương, lá lách, hạch bạch huyết và những bộ phận khác. Chúng thay đổi nhanh đến mức mất kiểm soát. Ung thư hạch thường gặp 2 loại: u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin.
Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời đến khi dẫn đến di căn thì người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một số di căn có thể xảy ra ở gan, lách sưng to, tắc ruột, cản trở hệ thống tiêu hóa gây chảy máu đường ruột, tràn dịch màng phổi, gãy xương. Đặc biệt, khi bệnh nhân ở giai đoạn cuối thì tế bào ung thư có thể di căn đến hệ thống thần kinh. Một số người bị đau thần kinh sọ hoặc bị nén cột sống.
Yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh
Cho đến nay y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư hạch nhưng có một số yếu tố góp phần tăng nguy cơ gây bệnh như:
– Do di truyền: Người có đột biến gen hoặc sai sót gen khiến dễ phát triển thành ung thư sau này.
– Tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
– Môi trường ô nhiễm, nhiều bức xạ.
– Chế độ ăn uống không lành mạnh, hấp thụ nhiều protein, ít vitamin làm tăng nguy cơ ung thư hạch.
– Do tuổi tác cao, đột biến DNA xuất hiện nhiều dễ làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư hạch
– Hạch sưng to, có thể khối u không có cảm giác đau, bề mặt nhẵn. Hạch thường xuất hiện ở phần cổ và xương thượng đòn.
– Sốt, thường xuyên đổ mồ hôi trộm, sụt cân.
– Biến đổi làn da: da nổi ban đỏ, xuất hiện mụn nước, da lở loét, tiết dịch và mủ.
Chẩn đoán ung thư hạch
– Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra vùng trên nách và bẹn để sờ thêm có khối u hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước cũng như số lượng khối u. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử của gia đình và bản thân.
– Chẩn đoán hình ảnh: chụp X quang (quan sát hạch ở cuống phổi, hạch vú, hạch trung thất), chụp CT, siêu âm (đối với hạch có đường kính >2cm), chụp cổng hường từ MRI, chụp đồng vị phóng xạ.
– Sinh thiết: sinh thiết hạch, xét nghiệm máu, sinh thiết tủy, sinh thiết gan. Vì đây là các kỹ thuật khá phức tạp, bác sĩ chỉ tiến hành khi những phương pháp chẩn đoán khác chưa có kết luận chính xác để xác định ung thư hạch.
Điều trị ung thư hạch
– Phẫu thuật ít được áp dụng để điều trị nếu bệnh không liên quan đến hệ tiêu hóa.
– Ghép tủy chỉ được thực hiện khi bệnh tái phát, không đáp ứng điều trị hoặc tiên lượng xấu.
– Xạ trị chủ yếu hỗ trợ sau hóa trị.
– Hóa trị: Đây chính là phương pháp chủ yếu điều trị ung thư hạch. Thuốc theo máu di chuyển đến các tế bào ung thư ở khắp cơ thể để ức chế sự phát triển của chúng, tiêu diệt ở mức độ nhất định. Hóa trị có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh, bổ trợ cho phẫu thuật hoặc xạ trị. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ giảm được đau đớn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, hóa trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý cơ hội khác. Do đó, trong giai đoạn này, người bệnh cần có thời gian nghĩ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tránh những chấn thương, vết thương, trầy xước không đáng.
Ung thư hạch là một trong những căn bệnh ung thư phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Đây là căn bệnh quái ác và hoàn toàn không có biện pháp để phòng ngừa. Chúng ta chỉ có thể xây dựng thói quen sống lành mạnh như ngưng hút thuốc lá; tránh xa rượu, bia; ăn nhiều rau xanh, trái cây và tăng cường tập luyện để góp phần làm giảm nguy cơ gây bệnh.
Theo Khoe.online tổng hợp