Ung thư túi mật là gì? Biểu hiện và phương pháp điều trị

Tác giả: sites

Ung thư túi mật là một bệnh lý khá hiếm gặp và thường để lại nhiều di chứng xấu cho người bệnh. Hiện nay với phương tiện siêu âm, chụp đường mật ngược, chụp cắt lớp tỉ trọng và đặc biệt là phương pháp phẫu thuật nội soi, các báo cáo về căn bệnh ung thư túi mật này ngày càng nhiều hơn và đã có thể dễ dàng hơn việc chẩn đoán cũng như điều trị.

ung thư túi mật

Nguyên nhân gây ung thư túi mật

Ung thư túi mật là sự phân chia “vô tổ chức” của các tế bào niêm mạc thành túi mật. Túi mật là cơ quan nhỏ nằm dưới gan, chức năng chính là lưu trữ và cô đặc dịch mật – một loại dịch tiêu hóa được tiết ra từ gan, giúp cơ thể sử dụng được chất béo trong thức ăn.

Đây là một bệnh ít gặp, tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn so với phụ nữ và nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi (trên 70 tuổi).
Có khoảng 9/10 trường hợp ung thư túi mật là ung thư tế bào tuyến (adenocarcinomas), tức là bệnh bắt nguồn từ sự tăng sinh lên quá mức của các tế bào tuyến trong niêm mạc túi mật.

Sỏi mật và viêm túi mật là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn tới ung thư túi mật. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, quá trình viêm túi mật có thể dẫn đến những thay đổi nhất định trong ADN của tế bào, làm quá trình phân chia của các tế bào thành túi mật bị biến đổi, tế bào cũ không chết đi trong khi tế bào mới vẫn tiếp tục được sản sinh đã hình thành nên bệnh ung thư túi mật. Ngoài ra, sự bất thường trong cấu trúc của ngã ba mật tụy có thể dẫn đến tình trạng trào ngược dịch tụy vào đường mật và túi mật, cũng là một yếu tố gây viêm và tăng nguy cơ bị ung thư túi mật.

Một số người thừa hưởng đột biến ADN từ cha mẹ và có nguy cơ ung thư túi mật cao hơn. Nhưng, ung thư túi mật do di truyền rất hiếm gặp, sự đột biến ADN gây ung thư thường xuất hiện sau khi sinh ra.

Triệu chứng của bệnh ung thư túi mật

Ung thư túi mật thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng điển hình cho đến giai đoạn nặng.

Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng của ung thư túi mật cũng tương tự với các bệnh lý của đường mật, bao gồm:

– Đau bụng: Hầu hết những người bị ung thư túi mật sẽ bị đau bụng, thường là bụng trên bên phải.

– Buồn nôn và/hoặc nôn: là triệu chứng thường gặp khi bị ung thư túi mật.

– Vàng da và tròng trắng mắt: Khi tế bào ung thư phát triển đủ lớn có thể gây ứ trệ dịch mật, làm cho thành phần bilirubin có mặt trong dịch mật thấm ngược trở lại máu, gây ra dấu hiệu vàng da, vàng mắt.

– Có khối u trong bụng: Nếu có khối u, túi mật sẽ bị sưng to. Ung thư túi mật cũng có thể lây lan đến các bộ phận lân cận như gan. Qua thăm khám trên lâm sàng, bác sỹ có thể thấy khối u ở bụng phải của người bệnh.

– Các triệu chứng khác ít gặp hơn: Ung thư túi mật có thể làm giảm cảm giác ngon miệng, gây sút cân, chướng bụng, sốt, ngứa da, nước tiểu đậm màu, phân có màu sáng hoặc vấy mỡ.

Vì ung thư túi mật không phải là một bệnh phổ biến, các triệu chứng của bệnh cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh gan mật thường gặp khác như sỏi mật, viêm gan… nên thường bị bỏ qua. Do vậy, nếu bạn có một hoặc nhiều trong các triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh.

Các giai đoạn phát triển của ung thư túi mật

Để dễ dàng trong việc điều trị, ung thư túi mật được chia thành 4 giai đoạn phát triển:

– Giai đoạn I: các tế bào ung thư mới chớm bắt đầu hình thành và phân chia ở trong lớp lót phía trong của túi mật.

– Giai đoạn II: các tế bào ung thư tiếp tục phát triển và xâm lấn một phần ra lớp ngoài của túi mật.

– Giai đoạn III: tế bào ung thư phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn, chúng đã bắt đầu xâm nhập một phần hoặc gần như toàn bộ đến các cơ quan lân cận như gan, ruột non, dạ dày. Thậm chí chúng có thể đã lan lên đến các hạch bạch huyết gần đó.

– Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối hay các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn đến các khu vực xa của cơ thể.

Điều trị bệnh ung thư túi mật

Do phần lớn trường hợp ung thư túi mật không được chẩn đoán sớm, do đó việc cắt bỏ để điều trị triệt để chỉ thực hiện được trong khoảng 15-30% trường hợp và hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất hoàn toàn trong việc cắt bỏ đến một mức độ nào. Sau cắt bỏ túi mật có thể bổ sung bằng chiếu xạ vùng quanh túi mật.

Trường hợp ung thư túi mật không cắt bỏ được mà có kèm theo vàng da thì một điều trị tạm thời được đề nghị là: đặt ống dẫn lưu qua nội soi hoặc qua gan hoặc xạ trị liệu cũng làm giảm đau và giảm vàng da vàng mắt trong 50% trường hợp, tuy nhiên, nó cũng không làm cải thiện được thời gian sống của bệnh nhân.

Trị liệu phối hợp nhiều thuốc cũng ít có kết quả trong trường hợp ung thư đường mật.
Tiên lượng ung thư túi mật phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư. Phần lớn ung thư túi mật khi phát hiện (75%) là đã quá giai đoạn mổ được. Trong trường hợp ung thư còn trong niêm mạc túi mật thì thời gian sống sót trên 5 năm lên đến 85%. Khi ung thư chưa vượt quá lớp cơ thành túi mật thì thời gian sống sót trên 5 năm lên đến 70%, nhưng khi ung thư đã lan đến lớp thanh mạc thì thời gian sống trên 5 năm chỉ còn dưới 5% và khi ung thư đã lan đến hạch quanh túi mật thì không có trường hợp nào thời gian sống trên 5 năm. Khi không cắt bỏ được thì tỉ lệ tử vong sau 1 năm lên đến 95%, chỉ có khoảng 5% là có thể sống sót sau 5 năm.

Theo khoe.online tổng hợp