Ung thư tuyến nước bọt cực kỳ nguy hiểm

Tác giả: huong

Cảm giác khó nuốt, khó mở rộng miệng, tê một phần của khuôn mặt là những triệu chứng thường gặp của căn bệnh ung thư tuyến nước bọt. Theo thống kê, trong khoảng 100.000 người có 1 – 3 người mắc bệnh trong năm, nữ nhiều hơn nam. Đây là bệnh hiếm gặp trong tất cả các loại ung thư nhưng lại có nguy cơ tử vong rất cao nếu phát hiện muộn.

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh gì?

Trong cơ thể con người, tuyến nước bọt làm nhiệm vụ giữ cân bằng pH, tiết ra nước bọt giúp tiêu hóa thức ăn. Ung thư tuyến nước bọt có thể xảy ra từ tuyến nước bọt lớn ở mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi và ngay cả dưới niêm mạc đường hô hấp trên và đoạn trên ống tiêu hóa. Trong các trường hợp ung thư vùng đầu cổ thì ung thư tuyến nước bọt chiếm chỉ 3 – 6%. Đây là dạng ung thư hiếm gặp, đa số ở người từ 55 – 65 tuổi.

Triệu chứng của bệnh

Dựa vào các triệu chứng sau bạn có thể nghi ngờ bản thân hoặc người thân có mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt hay không:

– Tê một phần khuôn mặt, yếu cơ bắp một khuôn mặt, thậm chí là liệt cả mặt. Đây không chỉ là dấu hiệu của ung thư tuyến nước bọt mà còn là triệu chứng của các u ác tính ở tuyến mang tai nói chung.

– Nuốt vướng, khó nuốt, sưng phồng ở vùng tuyến.

– Sưng hàm, sưng miệng hoặc vùng cổ.

– Không mở rộng miệng được.

– Bên trái và bên phải vùng mặt hoặc vùng cổ có sự khác biệt về hình dạng và kích thước.

ung thư tuyến nước bọt

Yếu tố tăng nguy cơ ung thư tuyến nước bọt

Y học vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân gây u tuyến nước bọt. Thế nhưng một số nguy cơ sau khiến nguy cơ ung thư tuyến nước bọt ngày càng tăng cao:

– Môi trường độc hại: người đã từng điều trị bức xạ hoặc làm việc ở nơi có nhiều chất phóng xạ, nhiều hợp kim niken, bụi silic.

– Bệnh nhân xơ gan hoặc mắc các bệnh ung thư khác.

– Người có tiền sử nhiễm trùng tuyến nước bọt.

– Gia đình có tiền sử bị ung thư tuyến nước bọt.

– Chế độ ăn uống: giàu chất béo lại ít rau củ quả.

Hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

– Người lớn tuổi: Tuy đây là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng đa số các ca mắc bệnh gặp ở những người trên 40 tuổi, có trường hợp mắc bệnh khi 70 tuổi.

– Trong một nghiên cứu mới đây, môi trường không khí có nồng độ amoniac cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh

1. Chẩn đoán

Các u tuyến nước bọt phân bổ rải rác kèm theo các triệu chứng nghèo nàn khiến việc chẩn đoán vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, có 3 thủ thuật được các bác sĩ áp dụng phổ biến nhất:

– Chụp cắt lớp CT.

– Chụp cộng hưởng từ MRI.

– Sinh thiết: lấy mẫu mô khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi.

ung thư tuyến nước bọt

2. Điều trị

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến trước khi khối u lan rộng và di căn đến vùng lân cận. Tuy nhiên, thủ thuật này có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt và lưỡi. Bởi chúng hoàn toàn có thể bị cắt bỏ. Vì vậy, trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà cần được giải thích rõ và chấp nhận biến chứng có thể bị liệt dây mặt.

Xạ trị

Phương pháp này được thực hiện đối với những trường hợp sau:

– Khối u không thể cắt bỏ hoặc bị tái phát.

– U ở thùy sâu, xâm nhiễm ra ngoài.

– Có di căn hạch tấn công vào dây thần kinh.

Xạ trị không được áp dụng cho các khối u lành tính. Xạ trị có thể để lại nhiều biến chứng nhìn chung không quá nguy hiểm như da bị nổi đỏ, khô rát, ngứa ngáy, không thể mọc râu, mất vị giác. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nặng nhất là mất tuyến nước bọt khiến đau họng, miệng khô và rất khó nuốt.

Có nhiều loại khối u dẫn đến ung thư tuyến nước bọt, trong đó có một số ít loại không gây nguy hiểm, đa phần những loại khác ác tính và âm thầm tiến triển rất nhanh. Vì vậy, khi có những dấu hiệu bất thường xung quanh vùng tuyến nước bọt, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Theo Khoe.online tổng hợp