4 tác nhân hàng đầu gây bệnh gan mà bạn nên biết
Tác giả: uyennguyen
Theo thống kê của các tổ chức Y tế, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mắc các bệnh về gan cao nhất thế giới. Những thói quen xấu gây hại cho gan hay chế độ ăn uống không khoa học….là những tác nhân khiến hàng triệu người Việt tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này.
- Giải đáp viêm gan B lây qua đường nào
- Bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và không nên ăn gì?
- 10 dấu hiệu bệnh gan bạn cần nhận biết sớm
Gan có chức năng chuyển hóa; dự trữ máu, glucid, sắt và vitamin, bài trừ chất độc cho cơ thể. Nếu gan tổn thương, lục phủ ngũ tạng cũng chịu ảnh hưởng theo.
Bệnh gan thường diễn tiến âm thầm, giai đoạn đầu ít biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt. Phần lớn người bệnh phát hiện muộn, nguy cơ biến chứng cao, khó chữa trị. Bạn cần nhận diện và tránh xa các tác nhân gây hại dưới đây để bảo vệ lá gan khỏe mạnh.
Virus viêm gan
Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh gan ở mức cao trên thế giới. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, 1,4 triệu ca tử vong do viêm gan siêu vi. Theo Bộ Y tế, một số nhóm dân cư có tỷ lệ 6-20% nhiễm virus viêm gan B, khoảng 0,2-4% virus viêm gan C. Việt Nam cũng từng ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E nhập viện.
Hai năm trở lại đây, số lượng người nhiễm virus viêm gan C đã tăng lên 3 triệu người, 40% ung thư và tử vong. Cứ 10 người trưởng thành thì có một ca nhiễm virus viêm gan B. Căn bệnh nguy hiểm và thầm lặng vì đa số những người bệnh không biết mình nhiễm virus, chúng còn có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau. Siêu vi B tồn tại trên 6 tháng (mạn tính) có nguy cơ cao tiến triển thành xơ, ung thư gan.
Rượu bia
Khi uống rượu bia, quá trình xử lý và trao đổi chất thực hiện chủ yếu ở gan. Chỉ một lượng nhỏ bài tiết ra ngoài qua đường thở và tuyến mồ hôi. Phần còn lại sẽ cùng với ethanol hình thành dehydrogenase gây hại tế bào gan.
Thông thường, một người uống rượu hơn 10 năm với liều lượng hơn 250ml mỗi ngày đều có nguy cơ cao xơ gan. Bệnh không bộc phát ngay mà mất 10-20 năm để bắt đầu phá hủy cơ thể người.
Theo WHO, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh xơ gan cao, chiếm 5% dân số. Trong đó, xơ gan do rượu bia khoảng 18%. Việt Nam hiện tiêu thụ lượng bia lớn nhất quốc gia Đông Nam Á. Ước tính có gần 75% đàn ông Việt uống rượu bia. Cứ 4 người thì có một người sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ có hại, tương đương 6 cốc bia hơi mỗi ngày.
Thực phẩm bẩn, không khí ô nhiễm
Sử dụng thực phẩm thiếu an toàn, ô nhiễm, nguồn gốc không rõ ràng, chứa nhiều hóa chất độc hại, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh… làm chức năng gan suy giảm. Về lâu dài sẽ dẫn đến men gan cao, viêm, xơ gan.
Ngoài ra, môi trường ô nhiễm bởi khí thải, chất độc hại, khói thuốc lá… khiến gan phải gồng mình làm việc. Khi cơ quan này hoạt động liên tục, quá tải, tổn thương, chức năng giải độc sẽ suy giảm. Đây chính là tiền đề khiến bệnh tật phát triển.
Thuốc tây
Khi cơ thể đau ốm, bạn sử dụng dù nhiều hay ít thuốc điều trị đều có ảnh hưởng tới gan. Việc sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc càng khiến gan làm việc cực nhọc hơn. Một số bệnh nhẹ (cảm lạnh, cúm…) không nên lạm dụng dược phẩm, chỉ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước để phục hồi sức khỏe.
Để bảo vệ lá gan, cần tăng cường tập luyện thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân đối. Nên chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh; ăn uống đầy đủ các loại đạm, béo, vitamin và khoáng chất; ưu tiên thực phẩm tươi, giàu chất xơ, rau xanh, trái cây…; tránh đồ chiên nướng; uống đủ nước (2,5 lít mỗi ngày).
Bạn cũng cần hạn chế rượu bia, thuốc lá; xét nghiệm máu kiểm tra gan mỗi 6 tháng; tiêm vắcxin ngừa siêu vi viêm gan và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh . Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thảo dược, sản phẩm nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ và phục hồi tế bào gan tổn thương, hỗ trợ điều trị viêm gan, gan nhiễm mỡ, hạ men gan… Chúng cần được nghiên cứu khoa học, chứng minh công dụng giải độc gan hiệu quả và an toàn, tránh gây tác dụng ngược.
Bệnh gan nên ăn gì?
Tùy theo thời gian kéo dài của bệnh mà người ta phân chia thành bệnh viêm gan cấp tính và bệnh viêm gan mạn tính. Mỗi thể bệnh có những đặc điểm riêng.
Viêm gan cấp: được đặc trưng bởi sự phá hủy tế bào gan và sự hiện diện tế bào viêm trong mô gan kéo dài dưới 6 tháng. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường tự phục hồi. Viêm gan cấp có thể xảy ra ở các nguyên nhân viêm gan do virut (thường là viêm gan A, B), viêm gan do ký sinh trùng, viêm gan do thuốc (ngộ độc paracetamol liều cao), viêm gan do rượu bia… Viêm gan cấp thường có những triệu chứng như mệt mỏi, ăn không tiêu, buồn nôn, có khi bị nôn, sốt. Sau nhiều ngày có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt. Một số bệnh nhân bị viêm gan cấp do virut B có thể bị đau khớp, bị lú lẫn và hôn mê. Bệnh nhân bị viêm gan cấp nếu được chữa trị và chăm sóc tốt sẽ giảm nhẹ dần sau 4-6 tuần và có thể phục hồi sau 3 tháng. Ngược lại, nếu không được quan tâm chăm sóc tốt, một số trường hợp có thể nặng dẫn tới viêm gan mạn tính.
Viêm gan mạn tính: là bệnh gan có tổn thương hoại tử và viêm diễn ra trong thời gian trên 6 tháng. Viêm gan mạn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính. Viêm gan mạn tính có thể xảy ra ở các trường hợp viêm gan virut (thường gặp là viêm gan b , C và phối hợp với D); viêm gan tự miễn, viêm gan do thuốc, viêm gan do rượu bia. Ở viêm gan mạn tính, triệu chứng khởi đầu có thể biểu hiện những đợt rầm rộ như trong viêm gan cấp, phần còn lại thường có những triệu chứng âm thầm như mệt mỏi, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, đau cơ, đau khớp hoặc nhiều lúc chỉ có cảm giác nhức mỏi thông thường làm bệnh nhân không nhận biết được.
Khi đã bước sang giai đoạn xơ gan, các biểu hiện viêm thường giảm dần, thay vào đó là các triệu chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy tế bào gan là nổi bật.
Chế độ ăn uống đối với bệnh nhân viêm gan
Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh gan tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Trong trường hợp viêm gan cấp – tế bào gan bị phá hủy cấp tính; các hoạt động bình thường của gan có thể bị xáo trộn; thường biểu hiện mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa (chán ăn, ăn không tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, hay nôn ói).
– Những thực phẩm tốt cho gan
Protein (chất đạm): Là chất vô cùng quan trọng đối với người bệnh về gan. Cần bảo đảm 1g protein/kg cơ thể/ngày. Trong đó, 50% lượng protein này do ngũ cốc và rau quả cung cấp nên chỉ còn 50% là lấy từ thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như: đậu phụ… có nghĩa một ngày chỉ cần 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng và cốc sữa là đủ. Protein từ cá và sữa bò rất tốt cho người yếu gan vì dễ tiêu hóa. Trong sữa bò tươi hoặc sữa bột pha tương ứng có khoảng 3,7% chất đạm và 3,5% chất béo. Chất béo trong sữa bò thuộc loại khó tiêu hóa nên người ta thường khuyên người yếu gan không nên uống nhiều sữa chứ không phải là kiêng sữa (mỗi ngày nên uống 1 cốc).
Chất béo: Người bệnh gan cần giảm các chất béo, hạn chế ăn các món rán, chứ không phải kiêng hẳn chất béo. Một nghiên cứu cho thấy: ăn nhiều chất béo cùng với giảm protein và bột đường làm gia tăng quá trình xơ gan ở người viêm gan siêu vi C. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chứng minh chất lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng gà và đậu mè các loại chứa nhiều acid béo, omega-3 rất cần cho người bị bệnh về gan mạn tính kể cả viêm gan siêu vi A, B, C. Lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Như vậy, người bệnh về gan có thể cách ngày ăn một quả trứng luộc. Acid béo và omega-3 từ thực vật hay từ cá đều tốt cho gan và làm chậm quá trình ung thư hóa gan. Do đó, chất béo từ cá, trứng, đậu mè tốt cho gan. Điều cốt yếu là không dùng dư thừa. Chú ý nên chế biến thực phẩm theo lối kho, nấu, luộc, hấp chưng chứ không nên rán.
Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan. Mỗi ngày cần bảo đảm đủ rau quả tươi (rau xanh 200g + củ quả non 1.000g + quả chín tươi 200g). Trường hợp người già yếu không thể ăn đủ sinh tố qua rau quả thì có thể bổ sung thêm viên đa sinh tố khoáng chất..
– Những thực phẩm người bệnh gan nên tránh
Các thức uống có chất cồn (rượu, bia…), thuốc lá, tránh ăn thực phẩm ôi thiu, nhiễm hóa chất, tránh lao động quá sức. Người bệnh gan cần chú ý ăn uống hợp lý, không được ăn dư thừa hoặc đưa các chất độc hại vào cơ thể. Nguyên tắc ăn uống hằng ngày là chọn thức ăn dễ tiêu và không kiêng quá mức sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể.
Khi mắc bệnh về gan, chế độ ăn uống không phù hợp sẽ làm bệnh lý càng nặng thêm. Chế độ ăn uống lúc này có vai trò rất lớn trong việc điều trị. Ăn uống phải có sự cân đối giữa các thành phần như đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi, điều tiết công việc, luyện tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe cũng hết sức cần thiết nhằm giúp bệnh mau hồi phục.
Theo Khoe.online tổng hợp