Trẻ đi ngoài ra máu – Dấu hiệu của nhiều loại bệnh

Tác giả: huong

Khi phát hiện trẻ đi ngoài ra máu, các bậc phụ huynh cần đưa con đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dựa vào màu máu trong phân, bác sĩ sẽ chuẩn đoán chính xác nguồn gốc của máu và kịp thời đưa ra phương hướng điều trị thích hợp.

Trẻ đi ngoài ra máu

Tình trạng trẻ đi ngoài ra máu

Có 2 nguồn gây nên tình trạng dính máu ở trong phân của trẻ:

– Đường tiêu hóa trên (bao gồm ruột non và dạ dày)

– Đường tiêu hóa dưới (bao gồm đại tràng, trực tràng và hậu môn).

Nếu ở mức độ nhẹ, trẻ đi ngoài ra máu chút ít dính vào phân nhưng vẫn ăn uống và hoạt động bình thường. Nếu ở mức độ nặng, phân của trẻ chỉ toàn là máu kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi, làn da nhợt nhạt.

Trẻ đi ngoài ra máu

Nguyên nhân trẻ đi ngoài ra máu

1. Do táo bón

Táo bón chính là “thủ phạm” hàng đầu dẫn đến tình trạng trẻ đi ngoài ra máu. Khi ấy máu đỏ tươi dính bên ngoài phân hoặc trên giấy vệ sinh. Táo bón khiến hậu môn của bé bị rách, nứt kẽ hoặc trầy xước gây xuất huyết. Mỗi lần đi tiêu bé gặp rất nhiều khó khăn, thường khóc thét. Phân khô và cứng khiến bé phải rặn nhiều. Nguyên nhân này có thể do bé uống ít nước, ít ăn rau, thường nhịn đi ngoài, nhịn đi tiểu.

2. Do bé nhạy cảm với protein của sữa

Khi nuôi trẻ sơ sinh, chắc hẳn có nhiều bà mẹ gặp phải trường hợp bé bị dị ứng với sữa. Các bác sĩ đã giải thích rõ đây là triệu chứng xảy ra thường xuyên mỗi khi cơ thể bé nhạy cảm với thành phần protein có trong sữa công thức, sữa bò hoặc sữa đậu nành. Ngoài dấu hiệu có máu trong phân, trẻ còn kèm theo các triệu chứng nôn ói hoặc tiêu chảy. Tình trạng bất dung nạp protein trong sữa thường chấm dứt khi bé được 1 tuổi. Nếu nghi ngờ bé nhà mình gặp phải hiện tượng này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có một chế độ ăn kiêng sữa cho phù hợp.

3. Do sốt thương hàn

Trẻ đi ngoài ra máu là một trong những triệu chứng của sốt thương hàn, sốt xuất huyết. Khi ấy, phân của bé thường có màu đen, hơi xám hoặc pha chút đỏ tươi. Đồng thời, bé gặp thêm các triệu chứng khác như nôn ói, mệt mỏi, vật vã…

Trẻ đi ngoài ra máu

4. Do bệnh lồng ruột

Lồng ruột là một dạng tắc nghẽn đường ruột nguy hiểm. Nó gây nên những cơn đau bụng dữ dội, kèm theo nôn ói, phân có máu. Chứng bệnh này không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ nhỏ cũng mắc phải. Nếu thấy bé đau bụng dữ dội hoặc đau từng cơn thắt, bé khóc thét, chúng ta cần đưa bé đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ thăm khám.

5. Do viêm đường ruột

Một khi các niêm mạc ruột bị viêm sẽ gây nên những rối loạn về đường ruột. Nhiễm khuẩn đường ruột là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Hầu hết các bé ở những năm đầu đời có hệ tiêu hóa còn non nớt. Do đó, tình trạng trẻ đi ngoài ra máu là một triệu chứng điển hình mà chúng ta dễ bắt gặp.

6. Do tiêu chảy viêm nhiễm

Việc thay đổi môi trường sinh hoạt đột ngột, thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng tiêu chảy do viêm nhiễm. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ độ tuổi mẫu giáo. Khi ấy, trong phân vẫn xuất hiện máu kèm theo triệu chứng đau bụng và sốt cao.

Cần làm gì khi trẻ đi ngoài ra máu?

– Đi ngoài ra máu là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế chúng ta cần đưa bé đến gặp bác sĩ. Bằng cách thăm khám hậu môn, xác định màu máu trong phân qua các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chuẩn đoán cụ thể tình trạng sức khỏe của bé.

Trẻ đi ngoài ra máu

– Để phân của bé mềm hơn, thuận tiện cho việc đi tiêu, mẹ cần cho bé uống nhiều nước. Lưu ý kể cả nước lọc lẫn nước ép trái cây nhé! Đồng thời, chúng ta nên cho bé ăn nhiều rau và trái cây để tăng cường chất xơ. Tạm thời, nên ngưng các món bổ dưỡng nhưng khó tiêu như bí ngô, cà rốt, chuối…Hãy cho bé ăn nhiều món ăn nhuận tràng như: đu đủ, khoai lang, quả bơ…

– Nếu trẻ đang bú mẹ mà bị táo bón thì lúc này chính bản thân người mẹ cần tăng cường chất xơ và đảm bảo uống 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày.

– Vệ sinh hậu môn cho bé sạch sẽ sau mỗi lần bé đại tiện, tránh cọ xát mạnh, chỉ dùng nước ấm và khăn mềm lau khô.

Như vậy, trẻ đi ngoài ra máu tuy đáng sợ nhưng đây lại là hiện tượng phổ biến, nó hoàn toàn có thể chữa trị dứt nếu phát hiện sớm.

Theo Khoe.online tổng hợp