Mọi điều cần biết về bệnh uốn ván ở trẻ nhỏ
Tác giả: huong
Bệnh uốn ván là một trong những chứng bệnh nhiễm khuẩn vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Uốn ván thường xuất hiện do sự nhiễm trùng của các vết thương hở, khi tiếp xúc với bụi bẩn, vi khuẩn và không được sát trùng kịp thời.
Sự hiếu động của trẻ nhỏ thường là lý do khiến các bé té ngã thường xuyên, gây các vết thương hở, nếu không làm sạch vết thương kịp thời khuẩn uốn ván sẽ có điều kiện sinh sôi, vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
1. Bệnh uốn ván là gì?
Uốn ván hay còn có tên gọi là phong đòn gánh là chứng bệnh nhiễm khuẩn phát sinh từ các vết thương hở của người bệnh. Khi phát bệnh, cơ thể con người bắt đầu có những biểu hiện co giật, căng cứng cơ bắp, tê cứng lưỡi và hàm sau đó tê cứng toàn bộ cơ thể, theo hình dạng lưng cong cứng, ưỡn ngực ra sau như đòn gánh. Khi cơn co giật lên đến đỉnh điểm, hệ cơ lồng ngực căng cứng quá mức dẫn đến tử vong.
Là một trong những chứng bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cho cả người lớn và trẻ nhỏ, uốn ván được nhận xét là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất vào thời kì trước thế chiến thứ nhất. Ngày nay hầu hết trẻ nhỏ đều được khuyến cáo tiêm phòng ngừa uốn ván theo định kỳ từ khi mới sinh ra, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván
Như đã nêu, nguyên nhân chung khiến uốn ván xuất hiện do sự nhiễm trùng của các vết thương hở khi tiếp xúc với bụi bẩn, đất cát và không được sát trùng kịp thời. Cụ thể hơn, uốn ván hình thành do một loại vi khuẩn có tên gọi Clostridium Tetani, hay khuẩn uốn ván lẫn trong đất cát, bụi bẩn, dụng cụ phẫu thuật chưa được tiệt trùng sạch sẽ…
Có thể thấy nguy cơ nhiễm khuẩn uốn ván là rất cao, đặc biệt là khi vết thương không được xử lý và sát trùng kịp thời. Tại Việt Nam bệnh xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và đã có không ít trường hợp tử vong do không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Uốn ván tiềm ẩn những nguy cơ xuất hiện từ khi trẻ mới ra đời khi cần thực hiện thủ thuật cắt bỏ cuống rốn, hoặc khi lớn lên với những nguy cơ té ngã, rách da, hở vết thương.
3. Triệu chứng của bệnh uốn ván
Khuẩn uốn ván xâm nhập và phát triển trong cơ thể trung bình sau 7 ngày vết thương không được sát trùng, một số trường hợp có thời gian ủ bệnh nhanh hơn chỉ trong vòng 3 ngày. Đối với trẻ sơ sinh, uốn ván thường có nguy cơ xuất hiện trong 2 tuần đầu mới sinh (khi mới được cắt bỏ cuống rốn).
Sau khi phát bệnh, người bị uốn ván thường có những biểu hiện ban đầu là đau nhức vùng cổ, vai, lưng và thường xuyên chán ăn, mệt mỏi, da tái dần đi. Tiếp đến là những biểu hiện của tăng trường lực cơ ở các vùng cơ bụng, cơ bắp tay, bắp chân… cứng lại, thậm chí cả cơ mặt cũng không thể hoạt động linh hoạt với những biểu hiện đơ cứng hoặc nhăn nhó, méo miệng…
Từ những biểu hiện trên, nếu không được chữa trị, chuẩn đoán kịp thời bệnh nhân sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái co giật mạnh, co cứng toàn thân kịch phát. Đỉnh điểm sẽ là những cơn đau toàn thân khiến bệnh nhân sốt cao, hô hấp khó khăn, lồng ngực đau, chân tay co quắp, cứng hàm khiến răng cắn chặt, lưng cong và ngực ưỡn lên như đòn gánh.
Trẻ sơ sinh khi mắc uốn ván, do cơ thể đang còn quá yếu nên sẽ xuất hiện những biểu hiện như bỏ bú, cơ căng cứng và uốn ván toàn thân dẫn đến tử vong đột ngột chỉ trong vài ngày nếu không được phát hiện sớm.
4. Điều trị và phòng tránh bệnh uốn ván
– Điều trị uốn ván
Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như đã kể trên từ 4-5 ngày sau khi bị thương, cha mẹ cần đưa bé đến ngay các bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuẩn đoán và đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng khuẩn tại nhà bởi có thể khiến thuốc phản tác dụng, khiến tình trạng bệnh nguy hiểm hơn.
– Phòng ngừa uốn ván tại nhà
Chiến dịch phòng ngừa uốn ván luôn được Bộ Y tế kêu gọi vào nhiều thời điểm trong năm. Giải pháp đầu tiên cha mẹ cần quan tâm là đưa trẻ nhỏ đến ngay các trung tâm y tế, bệnh viên nhi để được tiêm phòng định kỳ các mũi ngừa uốn ván ngay từ khi mới sinh.
Khi bị vấp té, ngã, chảy máu cần nhanh chóng khử trùng vết thương, băng bó và làm sạch vết thương thường xuyên để tránh nguy cơ khuẩn uốn ván phát sinh.
Bệnh uốn ván là một trong những căn bệnh nguy hiểm và thường xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Người lớn khi thấy trẻ có các vết thương hở cần nhanh chóng sát trùng, băng bó an toàn để đảo bảo vết thương để ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Cả mẹ và bé trong giai đoạn thai kỳ và cho con bú đều được khuyến cáo sử dụng thuốc ngừa uốn ván, tiêm ngừa uốn ván để bảo vệ sức khỏe. Cập nhật những thông tin y tế và kiến thức sức khỏe thường xuyên để có được những biện pháp phòng tránh kịp thời.
Theo khoe.online tổng hợp