Trẻ bị bỏng nước sôi và những sai lầm thường mắc phải
Tác giả: sites
Theo báo điện tử Vietnamnet, rất nhiều bố mẹ đã tỏ ra lúng túng và không biết cách sử lý như thế nào khi trẻ bị bỏng nước sôi. Thậm chí, có nhiều bố mẹ đã áp dụng ngay biện pháp dân gian để làm dịu vết thương của bé và để da bé không để lại sẹo. Nhưng nào biết rằng, việc áp dụng các phương pháp dân gian không đúng lại khiến cho vết bỏng của bé càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Và đây là những biện pháp sơ cứu dân gian sai lầm mà các bậc cha mẹ thường hay mắc phải khi trẻ bị bỏng nước sôi.
Sử dụng đá làm mát vết thương
Dùng đá lạnh để làm mát vết thương là biện pháp sơ cứu thường được nghĩ ngay đầu tiên để làm dịu vết thương của bé. Tuy nhiên, khi trẻ bị bỏng nước sôi, bố mẹ chỉ cần dùng loại nước sạch, mát thông thường. Vì khi dùng đá lạnh, vết thương của bé rất dễ bị bỏng kép. Do phản ứng đối kháng nhiệt độ khi nhiệt độ bỏng gặp nhiệt độ lạnh đột ngột, vết thương sẽ trở nên nặng hơn và rất dễ gây ra nhiễm trùng, hoại tử.
Kem đánh răng
Sử dụng kem đánh răng hay rắc vôi bột để làm dịu vết thương cũng là biện pháp được rất nhiều người hay dùng để chữa bỏng. Vì khi thoa lên da sẽ tạo cảm giác mát mát rất dễ chịu. Nhưng thực tế, việc sử dụng kem đánh răng hay vôi bột là quan niệm sai lầm do tính kiềm có trong thành phần của kem đánh răng và vôi bột.
Kem đánh răng và vôi bột chỉ sử dụng có hiệu quả trong trường hợp bỏng axit nhằm trung hòa axit còn xót lại. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bị bỏng khác, kem đánh răng và vôi bột có thể gây biến chứng, khiến các vết bỏng trở nên trầm trọng và đau đớn hơn. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không sử dụng kem đánh răng hay vôi bột để sơ cứu hay chữa bỏng cho trẻ khi trẻ bị bỏng nước sôi.
Lòng đỏ trứng gà
Theo quan niệm dân gian cho rằng, lòng đỏ trứng gà có chứa rất nhiều Collagen sẽ giúp làm lành các vết bỏng và liền sẹo nhanh chóng. Tuy nhiên, việc thoa lòng đỏ trứng gà lên các vết bỏng sẽ khiến các vết bỏng rất dễ bị nhiễm khuẩn và nguy hiểm hơn.
Ngoài ra, một số nơi còn dùng cả các cách sơ cứu nguy hiểm và lạc hậu như: dùng tương, nước mắm, nước tiểu, nước củ chuối, củ ráy,…
Mỡ trăn, dầu cá
Với đặc tính là mát tuyệt vời từ mỡ trăn, một số gia đình đã sử dụng ngay loại thuốc dân gian này để làm dịu vết bỏng của bé ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huệ – Nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia đã khuyến cáo, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc thoa ngay mỡ trăn lên khi vừa bị bỏng sẽ giúp điều trị bỏng hiệu quả. Và PGS. TS Nguyễn Văn Huệ cũng khuyên rằng, chỉ nên sử dụng mỡ trăn trong khoảng thời gian sau điều trị. Lúc đó, mỡ trăn sẽ giúp làm se vết thương nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng hay bảo quản cẩn thận bị vi khuẩn tấn công. Nếu dùng để bôi lên vết thương, vết thương rất dễ bị nhiễm trùng.
Đối với dầu cá, chứa lượng lớn vitamin A như mỡ trăn. Nhưng dầu cá có tính giữ nhiệt tốt. Khi bôi lên vết bỏng không những không giúp làm dịu vết thương mà còn gây hiện tượng khó nhiệt. Bên cạnh đó, dầu cá cũng rất thu hút ruồi, muỗi và cô trùng, dẫn đến nhiễm trùng vết thương.
Dùng thuốc khi chưa kiểm chứng rõ vết bỏng
Khi chưa kiểm chứng được mức độ bỏng của bé, bố mẹ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị bỏng. Không có loại thuốc nào có thể giúp tránh sẹo bỏng. Có để lại sẹo hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết là mức độ bỏng nông hay sâu. Rồi đến các yếu tố liên quan đến cơ địa hay do điều trị và chăm sóc sau bỏng.
Đối với trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi vào mùa lạnh, bố mẹ cần giữ ấm vùng da không bị bỏng. Hoặc dùng khăn ẩm để đắp lên vết bỏng chừng 30 phút.
Bố mẹ tuyệt đối không thoa bất kì các loại hóa chất gì vào vết thương của bé khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Không cởi bỏ quần áo hay lấy di vật gì còn dính lại trên vết bỏng để tránh trường hợp lột da. Và đưa bé đến ngay bệnh viện gần đó để được chăm sóc kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh – Chuyên khoa Vi phẫu tạo hình – Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện Saigon ITO cho biết: “Những di chứng của bỏng nước do không được điều trị đúng cách thường để lại cho trẻ những sẹo xấu và thương tật vĩnh viễn như: sẹo co rút, sẹo dính ngón”.
Do đó, khi trẻ bị bỏng nước sôi, gia đình cần bình tĩnh, xử lý vết thương đúng cách và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Tuyệt đối đừng chủ quan với các vết bỏng mà để ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé.
Theo Khoe.online tổng hợp