Cẩn thận với chứng say cà phê!
Tác giả: huong
Cà phê là thức uống yêu thích hằng ngày của dân văn phòng. Nó giúp chúng ta tỉnh táo và tập trung hơn trong công việc. Tuy nhiên, có một số người sau khi uống cà phê lại bị chóng mặt, khó chịu, tim đập nhanh… Biểu hiện này thường được gọi là chứng say cà phê, nhưng vì nguyên nhân gì mà gây ra hiện tượng này? Mời bạn cùng tìm hiểu.
Nhận biết triệu chứng say cà phê
- Khi uống cà phê quá mức, cơ thể bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, mất ngủ triền miên, sốt cao, cáu gắt.
- Trong một số trường hợp, người say cà phê có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như khó thở, buồn nôn, đãng trí, tim đập nhanh, tức ngực, thường bị ảo giác, co giật, cơ thể không cử động được.
Khi thấy cơ thể có các triệu chứng trên, bạn nên dừng uống cà phê và đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị.
Lưu ý cần nhớ khi uống cà phê
Theo như khuyến cáo của các chuyên gia y tế, liều lượng an toàn cho người trưởng thành trong điều kiện sức khỏe ổn định là khoảng 400mg caffein một ngày. Say cà phê có thể xảy ra nếu bạn hấp thụ vượt quá số lượng này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cân năng, tuổi tác, tình hình sức khỏe mà liều lượng caffeine an toàn sẽ khác nhau. Nếu bạn rơi vào các trường hợp dưới đây thì nên xem xét lại thói quen sử dụng cà phê của mình
– Khi bạn chỉ uống 1 ly cà phê vào ban ngày nhưng ban đêm bạn bị mất ngủ thì nên dừng việc uống cà phê. Dấu hiệu này chứng tỏ bạn rất nhạy cảm với thức uống này. Việc tiếp tục sử dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
– Nếu bạn không nhạy cảm với cà phê không có nghĩa là nó không gây hại đến sức khỏe của bạn. Lượng cà phê hấp thụ mỗi ngày trên 500-600mg ( tương đương với 4-7 tách) có thể gây ra các rối loạn bất thường cho cơ thể như tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, mất ngủ, tim đập nhanh, tâm trạng bất an, lo lắng,…
– Khi đang dùng thuốc điều trị bệnh, bạn nên thận trọng khi sử dụng cà phê vì một số loại thuốc có thể gây ra các phản ứng bất lợi khi có sự tham gia của caffeine. Một số kháng sinh như Ciprofloxacin và Norfloxacinsẽ sẽ làm chậm quá trình đào thải caffeine khỏi cơ thể, gia tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ không mong muốn. Việc uống cà phê trong khi điều trị với thuốc giãn phế quản Theophylline có thể làm gia tăng nồng độ của thuốc, gây ra các phản ứng phụ như buồn nôn, rối loạn nhịp tim…
– Khi uống cà phê, bạn không nên pha trộn cà phê với bất cứ chất kích thích nào như rượu, bia hoặc các thức uống bổ sung năng lượng. Việc pha trộn này có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể.
Việc uống cà phê có thể giúp bạn tỉnh táo, tập trung nhưng lại có thể đe dọa đến sức khỏe nếu bạn uống quá nhiều! Vì vậy, các bạn nên nhớ chỉ uống trong chừng mực cho phép của cơ thể thôi nhé!
Theo khoe.online tổng hợp