Bệnh bạch hầu ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Tác giả: sites

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính được gây ra bởi các vi khuẩn bạch hầu. Đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu nhất chính là trẻ em. Bệnh bạch hầu gây nên những thương tổn ở vòm hầu, thanh quản, họng, mũi hay thậm chí là ở da và một số vùng niêm mạc… Vậy bạn biết gì về bệnh bạch hầu ở trẻ em? Đặc điểm cũng như nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé?

bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan ở trẻ

Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu ở trẻ

Loại vi khuẩn Corynebacterium diphtheria chính là tác nhân gây nên bệnh bạch hầu ở trẻ em. Bệnh bạch hầu có thể dễ dàng lây lan từ người này qua người khác thông qua việc sử dụng chung chén, ly, khăn giấy, muỗng… Mặt khác, trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh bạch hầu khi trẻ tiếp xúc với nước bọt từ việc nhảy mũi của người mắc bệnh.

Vi khuẩn bạch hầu thường gây ảnh hưởng rất lớn đến mũi và họng. Khi trẻ đã bị nhiễm khuẩn bệnh bạch hầu thì lập tức loại vi khuẩn này sẽ giải phóng ra hàng loạt những độc tố xâm nhập vào máu gây ra các lớp màng dày có màu xám ở các vị trí như mũi, họng, lưỡi, khí quản. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp các loại độc tố này còn có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tim, não, thận của trẻ.

Các thể của bệnh bạch hầu

Bạch hầu họng

Trẻ sẽ sốt nhẹ, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và trẻ cảm thấy đau họng. Trẻ thường khóc, làn da trẻ trở nên xanh xao, biếng ăn, bỏ bú, ói mửa, buồn nôn và khi trẻ nuốt thường có cảm giác đau. Tiêu biểu nhất chính là giả màng màu xám trắng, chúng thường ở bề mặt của amiđan, chúng sẽ lan ra xung quanh đến lưỡi gà, vòm họng, hầu, mũi và thanh quản. Phần giả màng thường bám chặt vào mô bên dưới, nếu chúng ta tách nó ra thì sẽ làm chảy máu, còn khi ta bỏ chúng vào nước thì chúng cũng không tan. Cổ của trẻ có tình trạng phù nề làm cho vòng cổ bạnh ra, phần hạch ở quanh cổ trẻ có cảm giác đau và sưng nhẹ, trẻ thở ra mùi hôi.

Bạch hầu thanh quản

Loại bệnh bạch hầu thanh quản thường xuất hiện sau bệnh bạch hầu họng. Bệnh nhân vẫn có triệu chứng sốt nhẹ và thường hay khàn tiếng, trẻ nói giọng khàn và từ từ trẻ sẽ bị mất tiếng. Trẻ sẽ có cảm giác khó thở, lõm ngực, nếu như phần giả màn lan xuống đến khí quản, chúng sẽ làm cho trẻ bị tắc nghẽn đường thở, trẻ trở nên vật vả, cơ thể trẻ tím tái và đổ mồ hôi nhiều. Nếu như không mở khí quản kịp lúc, có thể sẽ làm trẻ bị tử vong vì ngạt thở.

Bạch hầu ác tính

Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất và có nhiều biểu hiện hơn so với các thể bệnh vừa nêu trên. Trẻ sẽ lập tức bị nhiễm độc nặng với các biểu hiện là huyết áp của trẻ bị tụt, tím tái cơ thể, sốt cao và mạch nhanh. Các giả màng sẽ lan nhanh từ amiđan qua vòm hầu rồi lên vùng sau mũi, tiếp tục đến hai lỗ mũi. Phần hạch quanh cổ của trẻ sẽ có dấu hiệu phù nề, sưng to, trẻ sẽ hay bị chảy máu ở miệng, mũi và da.

Ngoài 3 thể bệnh bạch hầu ở trẻ vừa kể trên, bệnh bạch hầu còn có khả năng gây bệnh ở những vị trí khác như mũi, lỗ tai, da, kết mạc, âm đạo. Chúng thường có những biểu hiện nhẹ và ít xảy ra các tình trạng nhiễm độc cho cơ thể trẻ.

Cách phòng chống bệnh bạch hầu ở trẻ em

bệnh bạch hầu
Cần sớm phát hiện và điều trị bệnh bạch hầu cho trẻ

Biện pháp chung

Chúng ta cần phải nhanh chóng báo cho cơ sở y tế khi phát hiện những trường hợp trẻ mắc bệnh hoặc có triệu chứng liên quan đến bệnh bạch hầu.

Phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám cũng như điều trị và cách ly sớm nhất nhằm hạn chế lây lan cho người bên cạnh.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế các biến chứng và gây giảm tỉ lệ tử vong cho trẻ.

Ngay từ ngày đầu của bệnh, trẻ sẽ được chỉ định dùng huyết thanh nhằm chống lại bệnh bạch hầu. Trẻ cần phải được tẩy uế trong suốt thời kỳ trẻ mắc bệnh và kể cả sau khi trẻ khỏi bệnh.

Đối với những người đã từng tiếp xúc với trẻ bị bệnh bạch hầu, chúng ta cần phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.

Tạo môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, thông thoáng nhằm hạn chế những tác nhân gây bệnh cho trẻ.

Vào mùa đông, chúng ta nên giữ ấm cho trẻ và vệ sinh cổ họng sạch sẽ cho trẻ.

Biện pháp đặc hiệu

Tạo miễn dịch chủ động chính là biện pháp hiệu quả nhất. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ dưới 1 tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Đối với những người từng tiếp xúc với trẻ mắc bệnh bạch hầu, chúng ta cần phải được tiêm huyết thanh nhằm kháng độc. Lúc này, miễn dịch thụ động sẽ xuất hiện trên cơ thể chúng ta nhưng thường chỉ tồn tại không quá 20 ngày. Chính vì vậy, nếu như chúng ta chỉ tiêm huyết thanh sẽ vẫn chưa đảm bảo an toàn được, vì sau 3 tuần lễ người khác nhất là trẻ em có thể bị lây bởi người bệnh đã khỏi nhưng trên cơ thể họ vẫn còn loại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Tốt hơn hết là chúng ta phải phối hợp cả huyết thanh cùng với giải độc tố.

Do bệnh bạch hầu ở trẻ em với đặc điểm là dễ dàng lây nhiễm cho người khác nên các bậc cha mẹ cần phải có ít nhiều kiến thức về bệnh nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh để sớm điều trị cho trẻ. Mọi phương thuốc hay mẹo chữa bệnh bạch hầu cần phải có sự cho phép từ bác sĩ. Hi vọng qua bài viết này đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh bạch hầu ở trẻ em. Chúc các bậc cha mẹ chăm con tốt nhất để bé phát triển toàn diện.

Theo Khoe.online tổng hợp