Những điều cần lưu ý về tiêm phòng sởi
Tác giả: sites
Sởi là một trong những dịch bệnh nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cao cho những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh sởi đó là đưa trẻ em tới tiêm phòng sởi để đảm bảo trẻ có thể chống lại căn bệnh này. Sau đây là những lưu ý bạn cần biết về việc tiêm phòng sởi cho con nhỏ của mình.
1. Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào ?
Bệnh sởi là do vi rút gây ra và thường lây qua đường hô hấp, chỉ cần ho, hắt hơi hay tiếp xúc gần với người bệnh là bạn cũng sẽ bị nhiễm với một tốc độ vô cùng nhanh chóng nên thông thường bệnh sởi thường gây ra một dịch bệnh trên diện rộng. Với những trẻ nhỏ mắc bệnh sởi thì càng nguy hiểm vì có thể dẫn tới những biến chứng như tiêu chảy cấp, viêm phổi, mù lòa, viêm não… Biểu hiện rõ ràng nhất của căn bệnh này là việc nổi phát ban bắt đầu từ đầu, cổ rồi tới tay chân và toàn thân. Bệnh sởi nếu để lâu sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hại hơn và có khi là tử vong ở trẻ nhỏ.
Chính vì thế mà người ta dùng phương pháp tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh sởi ở trẻ nhỏ. Do đó, ngay khi trẻ còn nhỏ bạn nên chủ động phòng tránh bệnh sởi bằng cách đưa trẻ tới bệnh viện để tiêm phòng là tốt nhất.
2. Những loại vắc xin tiêm phòng sởi
Hiện nay, có rất nhiều những loại vắc xin tiêm phòng sởi đơn khác nhau, số lượng lên tới hàng chục loại, hơn nữa còn có các loại vắc xin phối hợp kết hợp giữa phòng chống sởi với rubella hoặc sởi, quai bị, rubella. Hầu hết những vắc xin này đều ở dưới dạng đông khô kèm với dung môi.
Khi đưa trẻ đến tiêm phòng sởi, bạn cũng nên lưu ý là phải tiêm tới hai mũi, mũi tiêm đầu tiên là vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai vào là khi sau khi trẻ đã qua 12 tháng tuổi. Với mũi đầu tiên sẽ giúp trẻ miễn dịch với bệnh sởi ngay, tuy nhiên do có nhiều nguyên nhân khách quan như di truyền, sức khỏe bé yếu hay chất lượng vắc xin nên trẻ cần được tiêm thêm mũi thứ hai. Việc tiêm phòng sở hai lần không có tác dụng làm tăng hiệu quả của thuốc mà chỉ đơn giản là để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện phòng sởi sau mũi thứ nhất.
3. Tác dụng của việc tiêm phòng sởi
Sau khi đã tiêm phòng thì vắc xin sẽ kích thích cơ thể tạo miễn dịch chống lại bệnh sởi, đặc biệt cơ chế miễn dịch này sẽ kéo dài suốt đời và người đã tiêm đủ hai mũi không cần phải tiêm lại lần nữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì việc tiêm vắc xin sởi cũng không có hiệu quả phòng bệnh 100% vì còn tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân. Ngay cả khi tiếp xúc với vi rút gây bệnh thì chỉ cần tiêm phòng trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc thì vẫn có thể chống lại những biến chứng nặng của bệnh.
4. Những ai không nên tiêm phòng sởi
Những người đã từng mắc bệnh sởi thì nên làm xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi, nếu kết quả là dương tính thì không cần phải tiêm phòng nữa. Cũng không nên tiêm vắc xin sởi cho những trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay khi khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy yếu. Ngoài ra, với những trẻ bị sốt hay nhiễm trùng cấp tính thì cũng không nên tiêm mà phải chờ khi bệnh đã khỏi thì mới có thể tiến hành tiêm phòng như bình thường được.
5. Những tác dụng phụ khi tiêm phòng sởi
Sau khi tiêm phòng sởi thì trẻ có thể gặp phải những phản ứng phụ nhưng các trường hợp này đều nhẹ và hết trong 1-2 ngày sau khi tiêm. Chẳng hạn như trẻ có thể bị sưng đỏ ngay khu vực tiêm hay sốt nhẹ và có ban sởi xuất hiện nhưng không có tính lây nhiễm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nặng như sốt cao và co giật, tiêu chảy, đau khớp…, thậm chí là rối loạn thần kinh. Những trường hợp này rất hiếm nên bạn cũng không cần quá lo lắng nhưng nếu xảy ra thì nên đến bác sĩ ngay lập tức.
Tiêm phòng sởi là một trong những bước phòng ngừa bệnh sởi quan trọng và hữu hiệu, do đó bạn nên đưa trẻ tới bệnh viện để trẻ được tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ một cách tốt nhất.
Theo Khoe.online tổng hợp