Các tác nhân khiến mặt bạn bị đổi màu da

Tác giả: admin

Nám má, mụn trứng cá, côn trùng đốt, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, ánh nắng mặt trời… là nguyên nhân gây tăng sắc tố da vùng mặt.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết tăng sắc tố da vùng mặt là tình trạng rối loạn sắc tố da thường gặp tại các phòng khám da liễu, nhất là ở những người có tuýp da sậm màu, gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán. Tăng sắc tố da xảy ra do biến đổi quá trình sản xuất melanin, sự phân bố của chúng.

Một số yếu tố thường gặp gây tăng sắc tố da vùng mặt:

1. Nám má

Thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, nguyên nhân nhiều nhất là tiếp xúc ánh nắng mặt trời, uống thuốc ngừa thai dạng kết hợp, có thai. Hơn 30% người nám má có tiền sử gia đình. Nam giới đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp hormone cũng có thể xảy ra tình trạng này. Điều trị nám má bao gồm tránh nắng, sử dụng các thuốc bôi, lột da bằng hóa chất, laser…

 
Nguyên nhân nhiều nhất gây nám má là tiếp xúc ánh nắng mặt trời, uống thuốc ngừa thai dạng kết hợp, có thai. Ảnh: healthyandnaturallife

 

2. Tăng sắc tố sau viêm

Là tình trạng xảy ra sau chấn thương hay những giai đoạn viêm do mụn trứng cá, viêm da cơ địa, chốc, côn trùng đốt, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc sử dụng mỹ phẩm không đúng cách… Biểu hiện là những dát hay khoảng tăng sắc ở vùng da đang viêm hoặc viêm trước đó. Điều trị bắt đầu bằng việc phòng ngừa và kiểm soát quá trình viêm.

3. Tăng sắc tố ở người trưởng thành

Thường liên quan với sự tiếp xúc tích lũy ánh nắng mặt trời, béo phì, đái tháo đường. Vị trí thương tổn ở những vùng phơi bày ánh sáng, thường gặp nhất là hai bên mặt và mu bàn tay, bàn chân.

4. Sạm da quanh mắt

Thường xảy ra ở phụ nữ, trung niên và người có tuýp da sậm màu. Nên tránh nắng với kính mát, nón và kem chống nắng.

5. Rối loạn sắc tố da do thuốc bôi

Đây là tình trạng liên quan đến việc sử dụng lâu dài những sản phẩm làm trắng. Thương tổn điển hình có màu sắc hồng phủ lên vùng da phơi bày ánh sáng như gò má, trán, thái dương và quanh mắt. Vùng thương tổn được chấm bằng những dát đen dạng trứng cá hay những sẩn nhỏ.

6. Chứng gai đen

Thương tổn là da dày tăng sắc tố đối xứng hai bên, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể nhưng đặc trưng nhất là nách, nếp cổ sau và mặt gấp của tay, chân. Các vị trí khác cũng có thể gặp như rốn, bẹn, nếp dưới vú, mặt, quanh miệng, quanh hậu môn. Thương tổn vùng mặt đặc trưng nằm ở hõm má.

7. Bệnh da sẩn đen

Đây là tình trạng thường gặp ở người châu Phi chiếm 35-37%. Bệnh được xem như một thể của dày sừng tiết bã nhưng có khuynh hướng gặp ở lứa tuổi trẻ hơn. Thương tổn gồm nhiều sẩn đen kích thước 1-5 mm hoặc có thể lớn hơn, chủ yếu ở mặt, cổ, lưng trên. Bệnh lành tính, việc điều trị chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ.

8. Liken phẳng tăng sắc tố

Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan với việc sử dụng nước hoa, nhuộm tóc và một số loại dầu như dầu mù tạt. Thương tổn là những dát tăng sắc tố đen, nâu đến xám, không triệu chứng, lan tỏa hai bên ở vùng phơi bày ánh sáng như trán, thái dương và cổ. Có thể gặp ở thân mình, nhất là vùng da nếp gấp. Điều trị bằng thuốc mỡ, laser, uống isotretinoin liều thấp…

Bác sĩ Hào cho biết, các phương pháp điều trị hiện nay thường có hiệu quả hạn chế và không dứt điểm, phải phối hợp nhiều kỹ thuật cả không xâm lấn lẫn xâm lấn tùy theo từng nguyên nhân làm tăng sắc tố da. Tránh nắng là phương pháp chính cho cả phòng ngừa và điều trị những tình trạng nói trên.

Theo VnExpress