Những lưu ý khi trẻ bị đau mắt đỏ mẹ cần biết
Tác giả: huong
Sự ẩm thấp của thời tiết tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút khiến trẻ bị đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ có tỷ lệ lây lan rất cao và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào.
Trẻ bị đau mắt đỏ là do đâu?
Sự xuất hiện của virus Adenovirus chính là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu, phế cầu cũng là những “thủ phạm” chính. Các vi khuẩn, vi rút bắt đầu “hoành hành” khi giao mùa (thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa, thường từ mùa hè đến cuối thu). Độ ẩm không khí cao, môi trường ô nhiễm đầy khói bụi, nguồn nước không sạch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Vì sao trẻ nhỏ lại mắc nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người lớn? Do hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ còn non nớt, không đủ sức “đấu tranh” với các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Một số triệu chứng thường gặp
Mắt đỏ, có ghèn dính chặt là dấu hiệu đầu tiên dễ thấy khi trẻ bị đau mắt đỏ. Ban đầu, trẻ có thể đỏ ở một mắt gây khó chịu, cộm mắt. Sau đó, nó lan sang mắt thứ 2 khiến mi mắt sưng mọng. Các triệu chứng gây khó chịu ở mắt tiếp tục kéo đến như: chảy nước mắt liên tục, đau nhức, ghèn mắt có màu vàng hoặc xanh. Một số trẻ bị đau mắt đỏ ngoài những triệu chứng trên còn bị sốt nhẹ, nổi hạch, viêm họng, mệt mỏi.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ
Khi phát hiện trẻ bị đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa mắt thăm khám và điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc uống hoặc thuốc nhỏ kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý đến những vấn đề sau:
– Lau rửa mắt cho bé: Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt cho bé. Dùng bông sạch hoặc khăn ẩm để lau ghèn mắt con hàng ngày.
– Giữ gìn mắt bé cẩn thận, tránh bị lây lan sang mắt kia. Lưu ý, mọi khăn lau sau khi dùng cho mắt này, nên bỏ ngay và không cho dùng mắt kia. Lọ thuốc nhỏ mắt không nên dùng cho cả 2 mắt. Khi chăm sóc mắt bé, chúng ta cần rửa tay thật sạch bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.
– Cho bé đeo kính đen để ngăn ngừa lây lan. Đeo kính giúp bảo vệ mắt bé tránh được khói bụi cũng như yếu tố gây hại từ bên ngoài.
– Cho con ăn uống đủ chất để tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng.
– Trẻ bị đau mắt đỏ cần được cách ly và nghĩ ngơi hợp lý.
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, tỷ lệ lây nhiễm cao sau 2 tuần phát bệnh. Nếu bệnh ngày càng nặng hơn, thị lực của bé chắc chắn suy giảm. Vì vậy chúng ta nên chẩn đoán và điều trị sớm để tránh những hậu quả lớn hơn.
Theo Khoe.online tổng hợp