Trẻ bị rụng tóc vành khăn có đáng lo?
Tác giả: huong
Rụng tóc ở trẻ là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên khi trẻ bị rụng tóc vành khăn, cha mẹ có thể đặt vấn đề liệu con mình đang bị còi xương do thiếu vitamin D hay không.
Thế nào là rụng tóc vành khăn?
Cha mẹ có thể quan sát tóc sau gáy của con rụng theo từng mảng, tạo nên hình vành mũ hoặc vành khăn xung quanh đầu. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bé bị hói cả một khoảng. Trong 6 tháng đầu đời, trẻ bị rụng tóc vành khăn là hiện tượng phổ biến. Bởi đây là giai đoạn bé chỉ nằm ở một tư thế nên đầu thường xuyên cọ vào gối hoặc khăn khiến chân tóc yếu và rụng nhiều. Đến khi bé lớn hơn, bé sẽ biết ngồi, trườn, bò…nên tình trạng rụng tóc sẽ giảm hẳn.
Nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc vành khăn
Do lượng hormone giảm
Qua hình ảnh siêu âm, có lẽ các mẹ dễ dàng thấy tóc của thai nhi bắt đầu mọc từ tuần thứ 24. Hormone từ người mẹ quyết định sự hình thành và phát triển tóc của con. Khi trẻ được sinh ra thì lượng hormone này giảm đi. Nó khiến tóc không còn dưỡng chất để tiếp tục phát triển nữa. Do đó, tóc sẽ rụng và tình trạng này hết dần sau 6 tháng tuổi.
Do còi xương
Theo các chuyên gia, trẻ bin rụng tóc vành khăn rất có thể là dấu hiệu của bệnh còi xương. Mà thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên chỉ dựa vào hiện tượng rụng tóc thì không thể khẳng định được điều gì. Nếu bé kèm theo các triệu chứng: quấy khóc nhiều vào ban đêm, ngủ không ngon, đổ mồ hôi trộm nhiều thì hãy đưa trẻ đi làm các xét nghiệm. Bởi một khi thiếu vitamin D sẽ tác động xấu đến quá trình tổng hợp và chuyển hóa canxi, gây nên những triệu chứng trên.
Do nhiều nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên, bé có thể rụng tóc nhiều là do:
– Thiếu hụt chất sắt.
– Trẻ bị sốt cao.
– Tư thế ngủ không đúng cách, nằm ngửa nhiều khiến tóc ở khu vực gáy rụng nhiều.
– Bệnh nấm da đầu, vùng da có màu đỏ, bong tróc.
– Bé bị thiểu năng tuyến yên, tuyến giáp.
– Rụng tóc do tác dụng phụ khi bé dùng thuốc kháng sinh.
Cách chữa trị rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh
Bổ sung vitamin D cho bé
Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin D3 cho tóc của trẻ bằng cách sử dụng một ngày 2 giọt và có thể thêm 5ml canxi corbier đến khi tóc bé mọc trở lại. Tuy nhiên, trước đó cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để xác định trẻ có đang trong tình trạng thiếu vitamin D hay không.
Ngoài ra, tắm nắng cũng là cách để cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D. Thời điểm tắm nắng hợp lý nhất là 8 giờ – 8 giờ 30 phút, mỗi lần khoảng 15 – 20 phút. Lưu ý, không nên cho bé tiếp xúc dưới ánh nắng quá mạnh vì tia cực tím rất hại.
Cho bé nằm ngủ đúng tư thế
Khi bé ngủ, không nên để bé nằm ở một tư thế quá lâu, nên kích thích bé xoay người. Hạn chế để bé cọ xát nhiều với gối nằm. Khi bé nằm ngửa, nằm nghiêng hoặc lật úp không nên quá 2 tiếng.
Gội đầu cho trẻ sơ sinh đúng cách
Để hạn chế tình trạng trẻ bị rụng tóc vành khăn, bạn cần đảm bảo dùng dầu gội riêng dành cho trẻ. Loại dầu gội này chỉ nên có độ tẩy nhẹ, không gây kích ứng da đầu và tóc. Khi gội, nên dùng nước ấm và gội thật nhẹ nhàng. Ngoài ra, các mẹ có thể dùng một ít tinh dầu tự nhiên để massage tóc, kích thích tóc phát triển.
Cho bé ăn đủ chất
Thiếu chất, thiếu vi chất dinh dưỡng không đủ nuôi dưỡng tóc, khiến tóc trẻ ngày càng rụng. Đối với trẻ đang bú mẹ, hãy tăng cường cho bé bú nhiều lần trong ngày. Người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất để đảm bảo chất lượng dòng sữa nuôi con. Đối với bé ăn dặm, khẩu phần ăn cần ưu tiên thực phẩm giàu sắt, kẽm và canxi.
Sau 2 tháng, nếu trẻ vẫn tiếp tục bị rụng tóc vành khăn và kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để tiến hành các xét nghiệm. Chỉ người có chuyên môn mới nhận định rõ và tìm ra chính xác nguyên nhân chứng rụng tóc ở trẻ.
Theo Khoe.online tổng hợp