Mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ không chỉ khiến dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng mà còn có cả các dịch bệnh khác như đau mắt đỏ, tay chân miệng…Do đó mỗi cá nhân nên tự có biện pháp phòng bệnh riêng để bảo vệ sức khỏe chính mình và cả cộng đồng.
- Sốt xuất huyết chưa qua phải lo thêm bệnh tay chân miệng
- Phun hóa chất liệu có diệt trừ hết muỗi gây sốt xuất huyết
Tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay
Thông tin tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc SXH và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người nhập viện là 84.026 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, số trường hợp tử vong tăng 9 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 22/8 đã ghi nhận gần 20.000 trường hợp mắc SXH và 7 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng, phun tại các trường học và phấn đấu trong tuần tới sẽ có 100% trường học được phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, Hà Nội triển khai việc phun mù nhiệt cùng với phun xử lý ổ dịch nhỏ tại các khu vực có ổ dịch mới phát sinh; ra quân diệt bọ gậy, bước đầu việc này đã mang lại hiệu quả…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn Hà Nội về hoạt động của các đội xung kích có thực sự hiệu quả? Hiệu quả của phun muỗi đến đâu khi người dân phản ánh sau phun vẫn thấy muỗi bay vào nhà?
Về vấn đề này, TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, qua đánh giá từ 3 đội cán bộ của Viện phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng từ ngày 14-21/8 cho thấy: Tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Khương Thượng (quận Đống Đa), phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) trước khi phun mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ, mật độ muỗi trưởng thành gần như bằng 0. Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm nhưng không triệt để (ở phường Thịnh Liệt, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 26, sau phun là 12; Khương Thượng, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 20, sau phun là 7; Thanh Lương, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 40, sau phun là 30).
Cũng theo TS. Trần Như Dương, hóa chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trong phòng chống SXH. Tại Việt Nam, hóa chất trước khi được sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn. Theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hóa chất là khoảng 98% muỗi trưởng thành chết. Như vậy, hiệu lực của thuốc là tốt.
“Tuy nhiên, sau khi phun hóa chất diệt muỗi vẫn có muỗi là do việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi công cộng chưa được triệt để. Vì vậy, chỉ sau vài giờ bọ gậy lại nở thành muỗi và xâm nhập vào nhà, tiếp tục trở thành nguy cơ gây bệnh cho người dân. Như vậy, muỗi sau phun hóa chất là do bọ gậy nở ra chứ không phải hóa chất không diệt được muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy”- TS. Trần Như Dương nói.
Các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa tựu trường
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các địa phương quyết liệt phòng chống dịch SXH, nhưng không quên dịch tay – chân – miệng đang gia tăng vào thời điểm đầu năm học mới, bệnh dại, cúm gia cầm…
1. Nhiễm trùng da
Bề mặt da là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn. Chúng sinh sôi và tăng độc tính khi bạn vệ sinh da kém, hệ miễn dịch suy yếu, gây bệnh chốc lở (liên cầu, tụ cầu khuẩn), viêm nang lông (tụ cầu vàng, khuẩn gram âm, nấm men…). Triệu chứng phổ biến là da lở loét, chứa mủ, có thể để lại sẹo.
2. Côn trùng đốt
Các loại côn trùng như muỗi, ve, mò, bọ chét… dễ sinh sôi vào mùa hè. Đây chính là thủ phạm dẫn đến sự lây truyền nhanh chóng của một số bệnh thường gặp trong mùa hè như dịch hạch, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não…

Hiện có khoảng 2,5 tỷ người trên toàn cầu sống trong vùng nguy cơ nhiễm bệnh. Mỗi năm, có từ 20-50 triệu người mắc và 24.000 người tử vong vì các bệnh do côn trùng đốt. Vì vậy, việc tránh và tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất cho các bệnh nguy hiểm nói trên.
3. Thủy đậu
Thủy đậu cũng là một loại bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè, khi số người mắc bệnh tăng cao và sự lây lan cũng nhanh hơn. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì dễ dẫn đến các biến chứng nặng nề. Vì vậy, hãy tiêm văcxin phòng bệnh thủy đậu cho bé từ 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, để phòng bệnh, hãy thường xuyên vệ sinh nhà cửa và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần phải nghỉ ở nhà từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.
4. Viêm đường hô hấp
Vi khuẩn và virus đường hô hấp thường gây nhiễm trùng xoang, viêm họng hoặc phổi. Bệnh dễ lây lan thông qua tiếp xúc gián tiếp (dùng chung cốc, bát, khăn mặt…) và trực tiếp (qua nước bọt, dịch tiết mũi) với người nhiễm bệnh.
5. Nhiễm trùng máu
Tụ cầu vàng thường gặp trên da được gọi là vi khuẩn tiến hóa, vì có thể kháng hầu hết mọi loại kháng sinh. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng gây ra các nhiễm trùng nghiêm trọng. Mức độ nhẹ là viêm tế bào, mụn mủ trên da. Nghiêm trọng hơn, khi tấn công qua vết thương hở hoặc vào bên trong cơ thể, tụ cầu vàng có thể gây nhiễm trùng máu hoặc màng tim, viêm tủy xương.
6. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ – một chứng bệnh gây ra nhiều khó khăn và khó chịu đối với những người mắc phải. Để phòng chống loại bệnh thường gặp trong mùa hè này thì bạn phải chú ý: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không dùng tay dụi mắt, mũi, miệng…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các loại thuốc nhỏ mắt, súc họng thông thường, nhưng cần chú ý không sử dụng chung với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm. Khi đã phát hiện bệnh thì phải hạn chế tiếp xúc với người khác, cần được nghỉ ngơi tại nhà, tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
7.Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là một loại bệnh thường gặp trong mùa hè. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong gia đình, sử dụng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh bị mắc bệnh.
Ngoài ra, phải giữ vệ sinh môi trường trong gia đình bằng việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đổ rác thải xuống ao hồ, không sử dụng phân chưa xử lý để bón cây trồng… Khi các thành viên trong gia đình có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
8. Bệnh tay – chân – miệng
Căn bệnh là mối lo thường trực của nhiều phụ huynh có con dưới 5 tuổi. Môi trường sinh hoạt trường lớp tạo điều kiện lý tưởng cho vi trùng đường ruột ente’virus (E71) và coxcakieruses xâm nhập và phát triển thành dịch. Trẻ mắc bệnh sẽ sốt, biếng ăn, loét miệng, nổi bóng nước trên da. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm não, viêm cơ tim dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh hơn chữa, giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là tiêu diệt các hại khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các cách phổ biến gồm: vệ sinh cơ thể bằng dung dịch diệt khuẩn; tiệt trùng vật dụng nhà bếp, đồ sơ sinh; súc miệng hàng ngày; ngâm rửa thực phẩm… Tuy nhiên, cần lựa chọn cách tối ưu nhất giúp diệt khuẩn hiệu quả, an toàn cho cơ thể và tiện dụng.

Có thể bạn quan tâm: Hình ảnh bệnh tay chân miệng và cách điều trị theo cấp độ
9. Cảm cúm
Một trong những bệnh thường gặp trong mùa hè ở trẻ em là cảm cúm. Để phòng tránh, bạn hãy đảm bảo vệ sinh cá nhân cho bé, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Bạn nên tập cho bé các thói quen che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Ngoài ra, nên hạn chế sự tiếp xúc của bé với các thành viên đang bị cúm trong gia đình (hoặc nghi ngờ mắc bệnh). Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
10. Rôm sảy
Sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến rôm sảy trong danh sách các bệnh về da thường gặp vào mùa hè. Rôm sảy thường xuất hiện do sự tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy để thải nhiệt, trong khi các lỗ chân lông bị bít tắc bởi chất bẩn. Tình trạng này gây viêm các nang tuyến chân lông; chúng lồi lên mặt da (thường là ở cổ và lưng) thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy.
Để phòng ngừa rôm sảy, đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng hay chanh. Nếu đã bị nổi sảy thì tránh gãi vào chỗ ngứa, có thể làm bớt ngứa bằng cách xoa thêm bột Talc sau khi tắm. Khi bệnh nặng hơn, bạn cũng có thể bôi các loại kem chống viêm chứa corticoide như eumovate, dermovate, temprosone… Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là những biến động của dịch sốt xuất huyết và một số bệnh thường gặp ở trẻ vào thời điểm chuyển giao mùa. Để phòng bệnh cho bé, bố mẹ cần có biện pháp bảo vệ con em mình khỏi các tác nhân gây bệnh cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, nhiều rau củ, hoa quả tươi…Bên cạnh đó cũng cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nếu trẻ bệnh nên thăm khám kịp thời và cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi. Tránh cho trẻ đi học khi nhiễm các bệnh như đau mắt đỏ, bệnh tay chân miệng vì dễ lây lan cho mọi người cũng như khiến bệnh nặng hơn, lâu hồi phục.
Theo Khoe.online tổng hợp