Phòng ngừa thiếu máu ở trẻ em với thực đơn hằng ngày

Tác giả: sites

Thiếu máu ở trẻ em khó nhận biết với một số ít dấu hiệu như da xanh xao, khó ngủ, hay khóc quấy, chơi mau mệt…Thiếu máu là tình trạng bất thường của hồng huyết cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu máu ở trẻ em được xác định như sau: Lượng huyết sắc tố (Hb) trong một đơn vị thể tích máu dưới 110g/lít ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi. Và Hb dưới 120g/lít ở trẻ từ 7-14 tuổi.

thiếu máu ở trẻ em

Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em

Tủy xương là nơi sinh ra các hồng cầu. Tủy xương phải liên tục sản xuất ra hồng cầu để thay cho số hồng cầu bị già chết. Do đó, nguyên nhân gây ra thiếu máu ở trẻ em có thể kể tới như sau:

  • Hồng cầu sản sinh không đủ. Dễ nhìn thấy nhất là do thiếu sắt dẫn đến cơ thể không tạo được hemoglobin (nguyên liệu tạo ra hồng cầu). Ngoài ra, acid folic và vitamin B12 cũng là những chất cần thiết để tổng hợp hồng cầu. Thiếu sữa mẹ, sinh non, hấp thu sắt kém do tiêu chảy, giun sán sẽ gây nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Bên cạnh đó, thiếu máu có thể còn do tủy xương không có khả năng sản sinh hoặc sản sinh ra ít ra hồng cầu hơn bình thường.
  • Một nguyên nhân nữa là do hồng cầu chết quá nhiều. Bệnh lý làm hồng cầu bị thay đổi hình dạng. Nếu các tế bào hồng cầu có hình dạng bất thường sẽ khiến hồng cầu bị kẹt, vỡ trong ống lưu thông khiến dẫn tới thiếu máu.
  • Thiếu máu do bị mất máu. Mất máu quá nhiều do ói ra máu, bị tai nạn, bị giun sán hút máu cũng là nguyên nhân khiến tủy xương không thể sản sinh đủ máu để bù đắp lượng bị mất.
  • Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng. Để tạo ra hồng cầu tất nhiên cơ thể cần được cung cấp đủ dinh dưỡng, sắt, vitamin. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới cơ thể sản xuất không đủ lượng hồng cầu cần thiết gây thiếu máu.
  • Một số nguyên nhân khác như bệnh mãn tính, nhiễm độc chì cũng là nguyên nhân gây tình trạng thiếu máu ở trẻ em.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị thiếu máu ở trẻ em

  • Các mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám để tìm hiểu và xác định nguyên nhân gây thiếu máu từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Cung cấp nhiều sữa, đa dạng các loại thực phẩm giàu chất sắt như: thịt, trứng, cá, gan, rau xanh, bơ đậu phộng…
  • Ngoài ra với kê đơn của bác sĩ có thể cho trẻ uống thêm vitamin giúp bổ máu với liều lượng chỉ định.

Thực đơn cho trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt

Các mẹ có thể tham khảo một số công thức món ăn giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng phòng ngừa và điều trị thiếu máu.

  • Món gan heo nấu mộc nhĩ. Nguyên liệu chuẩn bị gồm: mộc nhĩ đen 10gr, gan lợn 50gr. Rửa sạch mộc nhĩ rồi xắt miếng nhỏ vừa ăn, sau đó cho vào nồi nước nấu lên. Tiếp theo thì cho gan heo xắt nhỏ vào nấu chín , thêm gia vị cho vừa ăn cùng hành lá cho thơm.
  • Món cháo gan gà. Chuẩn bị: 2 bộ gan gà, 50gr gạo nấu cháo. Gan gà rửa sạch băm nhỏ rồi ướp với gia vị, sau đó đem xào chín với một ít dầu thực vật. Gạo đem nấu cháo cho nhuyễn, khi cháo chín thì cho gan gà vào khuấy đuề, nêm nếm lại cho vừa ăn.
  • Món cháo lươn. Lươn mua 200gr, gạo 50gr nấu cháo. Lươn mua về làm sạch, lấy phần thịt ngon, xắt nhỏ cho vào bát đem hấp cách thủy. Thịt lươn chín thì gỡ lấy thịt nạc, lọc kỹ bỏ xương. Cho thịt lươn vào xào sơ với ít dầu thực vật cùng gia vị vừa ăn. Gạo đem nấu cháo, lấy nước hầm xương nấu cháo cho bổ. Cháo chín nhừ thì cho thịt lươn vào đảo đều, nêm nếm lại cho vừa ăn là được.
  • Mó́n cháo long nhãn, hạt sen. Chuẩn bị: 50gr long nhãn, 50gr hạt sen, gạo 100gr nấu cháo. Rửa sạch nguyên liệu rồi cho cả ba thứ chung với nhau, bắc nồi lên nấu cháo, cháo chín thì nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Thiếu máu ở trẻ em là bệnh lý thường gặp ở nhiều trẻ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy các mẹ cần biết cách chăm sóc và phòng ngừa để giúp trẻ khỏe mạnh và mau lớn. Với những kiến thức đã chia sẻ hy vọng các mẹ sẽ có thể chăm sóc tốt hơn cho bé yêu của mình.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bố mẹ cần lưu ý thường xuyên đến những biểu hiện của trẻ để có thể đưa trẻ đi khám và chữa trị kịp thời theo những chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Theo Khoe.online tổng hợp