Dịch hạch là gì? Triệu chứng và con đường lây nhiễm
Tác giả: uyennguyen
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis hình que thuộc họ Enterobacteriaceae gây ra. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao ( ở thể hạch là 75%, thể phổi là 100%). Dịch lây truyền từ các loại động vật gặm nhắm như chuột, thỏ, chó prairie, sóc… sang người qua vật trung gian là bọ chét. Bệnh xuất hiện ở tất cả các mùa trong năm, kể cả mùa mưa nhưng thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với thời điểm sinh sôi nảy nở của chuột và bọ chét.
Con đường lây nhiễm bệnh
Theo ước tính, đến nay trên thế giới đã xảy ra ba đại dịch và số người chế vì căn bệnh này đã lên tới hàng trăm triệu người như Đại dịch 1665 ở Anh với 60.000 người chết hay Cái chết đen giết chết 1/3 dân số châu Âu.
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, số ca mắc bệnh ở Việt Nam trước những năm 1980 được đánh giá là cao nhất thế giới. Giai đoạn 1960 – 1970 có khoảng 10.000 bệnh nhân, giai đoạn 1996 – 2000 nhờ áp dụng các phương pháp phòng chống và tiêu diệt mầm bệnh cả nước giảm chỉ còn 140 ca với 7 ca tử vong. Những năm gần đây, hầu như chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên bạn vẫn nên nắm rõ các triệu chứng cũng như các biện pháp phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người xung quanh.
Bệnh lây nhiễm qua 4 con đường, cụ thể như:
– Đường máu: Lây qua vết đốt của bọ chét Xenopsylla cheopis, cháy, rận, rẹp hút máu làm lan truyền bệnh từ chuột, sóc…sang người.
– Đường hô hấp: Đây là con đường nguy hiểm nhất, bệnh ở thể phổi có thể lây trực tiếp cho người khác qua đờm, nước bọt khi giao tiếp, ho hay hắt hơi.
– Đường tiêu hóa: Chủ yếu qua thực phẩm, nước bị chuột trực tiếp bò gieo rắc mầm bệnh vào nhưng trên thực tế đường lây này ít nguy hiểm vì vi khuẩn dịch hạch sẽ bị tiêu diệt khi đun sôi, nấu chín.
– Qua đường da, niêm mạc: khi tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương.
Triệu chứng và các loại thể hạch phổ biến
Vi khuẩn Yersinia pestis thông qua các vết đốt của bọ chét trên da hoặc qua niêm mạc hầu họng, ống tiêu hóa, đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể. Sau đó, theo đường bạch huyết đến các hạch khu vực để sinh sôi và phát triển, tiếp đến vi khuẩn lại theo đường bạch huyết đến các hạch khắp cơ thể và vào máu. Dịch hạch gồm nhiều thể bệnh, cụ thể như:
Thể hạch tiên phát
Là thể phổ biến nhất, thời gian nung bệnh thường khoảng 2 – 5 ngày, tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân có thời gian nung bệnh khá ngắn khoảng vài giờ hoặc dài hơn từ 8 – 10 ngày. Giai đoạn này thường không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn khỏe mạnh và vẫn có thể tham gia các hoạt động, sinh hoạt như người bình thường nên rất khó phát hiện.
Thời gian khởi phát bắt đầu bằng các biểu hiện như cơ bắp mệt mỏi, người khó chịu, xuất hiện các cơn đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao đi kèm rét run. Đặc biệt các vùng hạch có dấu hiệu đau và sưng đỏ.
Thể thạch toàn phát
– Thời kỳ toàn phát
Hạch viêm, sưng
Hạch tại các vùng da nơi bọ chét đốt, thường là hạch vùng đùi, bẹn, vùng tam giác Scarpa, nách, cổ, hàm dưới, dọc cơ ức đòn chũm sưng to bất thường, đau cả khi đi hay nằm nghỉ. Hạch ban đầu nóng, to nhanh nổi thành từng cụm lớn khoảng 5 – 8 cm. Da phủ trên hạch căng, sung huyết, có biểu hiện phù nề, dùng tay sờ không bờ hạch. Khối hạch sưng tầm 7 – 9 ngày sau đó có thể tự hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch và máu.
– Nhiễm khuẩn nhiễm độc
Người bệnh sốt cao liên tục theo từng cơn, mạch đập nhanh, khó thở, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Trường hợp nặng hơn có thể mê sảng, hốt hoảng, nước tiểu ít, phân lỏng, da niêm mạc sung huyết, mắt đỏ, môi khô, lưỡi có vảy trắng. Nếu quan sát kĩ sẽ thấy có xuất huyết dưới da, niêm mạc.
Thể nhiễm khuẩn huyết
– Thể nhiễm khuẩn huyết tiên phát
Bệnh khởi phát đột ngột, cấp tính ngay cả khi hạch chưa có biểu hiện sưng kèm theo đó là các cơn sốt cao 40 – 41 độ, rét run. Người bệnh dễ bị kích động, cuồng sảng hoặc li bì, rối loạn tim mạch, hô hấp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ tử vong trong 1 -2 ngày đầu nhiễm khuẩn.
– Thể nhiễm khuẩn huyết thứ phát
Các biểu hiện thường ít rõ ràng và ít rầm rộ hơn so với thể tiên phát và thường xuất hiện sau thể hạch.
Thể phổi
– Thể phổi tiên phát: Thời gian nung bệnh rất ngắn, chỉ vài giờ đồng hồ rồi đột ngột sôt cao kèm rét run không rõ nguyên nhân, mạch đập nhanh, huyết áp giảm. Sau vài giờ đến 1 ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn nặng toàn thân, tức ngực, khó thở, ho có đờm hoặc máu. Điều trị không kịp thời, bệnh tiến triển thành phù phổi cấp, khó thở, rối loạn tim mạch và dẫn đến tử vong.
– Thể phổi thứ phát: Phổ biến hơn so với thể phổi tiên phát, thường xuất hiện sau thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết nếu không được chữa trị bệnh.
Thể da
Thể da biểu hiện tại vùng da vi khuẩn xâm nhập xuất hiện mụn nước có mủ lẫn máu, ấn vào đau. Vùng da xung quanh mụn mủ sung huyết, nổi vảy, sau đó mụn vỡ tạo thành các vết loét lớn có đáy màu vàng, mặt vết loét phủ vảy đen.
Ngoài ra còn có một số thể hạch rất hiếm gặp như thể viêm màng não, thể tiêu hóa và thể niêm mạc.
Cách điều trị hiệu quả
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần ngay lập tức vào viện chuẩn đoán và điều trị cũng như tiến hành cách ly tại chổ theo chế độ bệnh “tối nguy hiểm”
Tiếp đến, các bác sĩ sẽ sử dụng các kháng sinh điều trị đặc hiệu như streptomycin 3g/ngày, nếu vi khuẩn kháng với streptomycin thì thay bằng kanamyxin 1g/ngày, Tetracyclin 3g/ngày, Chloramphenicol: 50mg/kg/ngày x 7-10 ngày hoặc Bactrim: 0,48 x 6-8 viên/ngày. Hiện nay các loại kháng sinh có tác dụng khá tốt trong điều trị dịch hạch, chỉ cần bạn sử dụng đúng liều lượng theo sự hướng dẫn của bác sĩ là đã có thể nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Riêng với dịch hạch ở thể nặng, có nhiều biểu hiện trầm trọng như thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, bác sĩ sẽ cho sử dụng phối hợp các loại kháng sinh với nhau streptomycin 2g/ngày + tetracyclin 2g/ngày hoặc streptomycin 2g/ngày + tetracyclin 2g/ngày + chloramphenicol 2g/ngày, nhóm cephalosporin thế hệ III + nhóm quinolon.
Để làm giảm và điều trị các triệu chứng, trong thời gian bệnh khởi phát, người bệnh cần truyền dịch, bù nước điện giải, sử dụng một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt, an thần. Nâng cao sức đề kháng qua chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều vitamin và các loại khoáng chất có có khả năng chống viêm nhiễm.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bản thân mỗi người nên áp dụng những biện pháp dưới đây để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như người thân trong gia đình:
– Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, phun thuốc chống côn trùng, không để các loài vật gắm nhắm vào nhà làm tổ. Có thể sử dụng phospho kèm anhydride sulfureux để diệt chuột, diệt bọ chét bằng Diazzinon 2%
– Vệ sinh vật nuôi để tránh bọ chét
– Khi tiếp xúc với các loài động vật có nguy cơ nhiễm bệnh nên mang găng tay để ngăn chặn vi khuẩn lây qua người.
– Khi phát hiện có dịch hoặc thấy chuột chết nhiều phải thông báo ngay cho cơ sở địa phương để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời cách ly bệnh nhân ra để tiến hành điều trị, tránh lây qua đường hô hấp, những người trong gia đình có thể uống Tetracycline để phòng bệnh.
– Tiêm vacxin phòng dịch hạch EV, tiêm 3 mũi mỗi mũi cách nhau 8 ngày: 1ml – 2 ml – 4 ml. Lưu ý vacxin này chỉ có tác dụng trong 7 tháng do vậy bạn nên tiêm thêm một mũi khác sau 6 tháng.
Bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm, khởi phát đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao vì thế nắm rõ các dấu hiệu, triệu chứng bệnh vô cùng quan trọng trong việc sớm phát hiện và đưa người bệnh đến các cơ sở điều trị. Tránh trường hợp để bệnh tiến triển quá nặng mới tiền hành chữa trị vì nó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và bệnh nhân sẽ rất khó hồi phục về sau.
Theo Khoe.online tổng hợp